Trầm cảm sau sinh là một dạng trầm cảm nặng, thường khởi phát trong vòng 4 tuần sau khi sinh. Trầm cảm sau sinh có thể chỉ ở mức độ nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài. Bệnh có thể điều trị và dự phòng trong một số trường hợp.
Menu xem nhanh:
Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh. Nhiều phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường có ở trong trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu. Nghiêm trọng hơn, có những trường hợp cảm thấy cả thế giới đang chống lại mình, chính vì thế nhiều người mẹ dẫn tới hành vi nguy hiểm là giết người thân, thậm chí con của mình để bảo vệ mình.
Trầm cảm sau sinh có thể liên quan tới những thay đổi hóa học trong cơ thể do nồng độ hormone giảm đột ngột sau khi sinh. Trong suốt thai kỳ, nồng độ các hormone sinh dục nữ là estrogen và progesterone, tăng gấp 10 lần. Tuy nhiên sau đó nồng độ của hai loại hormone này giảm đột ngột khi sinh. Khoảng 3 ngày sau, nồng độ của các hormone trở lại bình thường như trước khi mang thai. Mặc dù vậy mối liên kết giữa sự suy giảm nồng độ các hormone sinh dục nữ và tình trạng trầm cảm sau sinh vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Ngoài những thay đổi về thể chất, những thay đổi về tâm lý và hành vi liên quan tới việc sinh con cũng có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm ở người phụ nữ.
Triệu chứng của trầm cảm sau sinh là gì?
Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh là tương tự như những gì xảy ra bình thường với người mẹ sau khi sinh. Các triệu chứng này bao gồm khó ngủ, mệt mỏi quá mức, giảm ham muốn, và thay đổi tâm trạng thường xuyên. Tuy nhiên kèm theo đó là những triệu chứng khác nghiêm trọng hơn như tâm trạng chán nản, mất niềm vui, có cảm giác vô dụng, vô vọng, bất lực, hay suy nghĩ về cái chết, tự tự hay có suy nghĩ hoặc làm tổn thương người khác, cảm thấy không có mối gắn kết gì với con hoặc không có chút tình cảm nào với con.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển chứng trầm cảm sau sinh?
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh bao gồm:
- Đã từng có tiền sử trầm cảm khi mang thai
- Mang thai ở độ tuổi càng trẻ thì nguy cơ trầm cảm sau sinh càng cao
- Những sự kiện gây căng thẳng như: bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp; thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng, mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn với mẹ chồng, thai kỳ không mong muốn, biến chứng thai kỳ: thai lưu, sẩy thai…
- Người mẹ bị trầm cảm sau sinh dễ bị sụt cân, suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh, hoang tưởng, có hành vi nguy hiểm. Bên cạnh đó, những người thân cũng bị ảnh hưởng: chồng con không được chăm sóc tốt, gia đình không vui vẻ.
Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng trầm cảm sau sinh?
Một đứa trẻ ra đời có thể mang tới cả sự phấn khích lẫn mệt nhoài. Sau đây là một số bí quyết giúp người mẹ thích nghi với việc chăm sóc trẻ sau sinh, tránh rơi vào trạng thái stress, dễ dẫn tới trầm cảm sau sinh:
- Nhờ sự giúp đỡ của người thân (chồng, bố mẹ, chị em…) khi gặp khó khăn trong việc chăm sóc trẻ.
- Tập thể dục, người mẹ có thể đi bộ nhẹ nhàng ngoài trời hàng ngày để tăng cường sức khỏe và cải thiện tâm trạng.
- Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ các chất dinh dưỡng, tránh uống rượu và hạn chế sử dụng các loại đồ uống có chứa caffein.
- Giữ liên lạc với gia đình, bạn bè thường xuyên, không nên tự cô lập bản thân.
- Tranh thủ ngủ hoặc nghỉ ngơi khi bé đang ngủ.
Trầm cảm sau sinh được điều trị như thế nào?
Điều trị trầm cảm sau sinh tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Các phương pháp điều trị thường được sử dụng bao gồm sử dụng thuốc chống lo âu, thuốc trầm cảm và tư vấn tâm lý.
- Thuốc
Nếu có những dấu hiệu nghi ngờ trầm cảm sau sinh, hãy nhanh chóng đi khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Cố gắng thông báo cho bác sĩ đầy đủ các triệu chứng mà người bệnh gặp phải để có thể chẩn đoán chính xác về bệnh. Thuốc điều trị trầm cảm sau sinh thường là thuốc an thần hoặc thuốc chống trầm cảm. Trong quá trình điều trị, nếu cảm thấy khó chịu hơn thì nên thông báo với bác sĩ để đổi thuốc. Nếu dùng thuốc trong vài tuần vẫn không thấy hiệu quả, cũng nên báo với bác sĩ để thay loại thuốc khác hoặc tăng liều.
Nếu thuốc thích hợp, không nên rút ngắn thời gian điều trị vì trầm cảm đòi hỏi phải điều trị lâu dài để hồi phục hoàn toàn.
Ngoài việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cũng cần lưu ý duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Tư vấn tâm lý
Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn tâm lý. Với những trường hợp trầm cảm nhẹ, tư vấn đơn thuần có thể giúp họ vượt qua được. Nếu trầm cảm nặng, ngoài sử dụng thuốc thì tư vấn tâm lý cũng sẽ hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn.
Người bệnh cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi bởi vì mệt mỏi sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Tránh thức khuya và có thể nhờ người khác cho con bú. Nên ăn uống đầy đủ vì nếu bị hạ đường huyết, bệnh sẽ trở nên nặng hơn. Đừng ép bản thân làm những việc khiến mình cảm thấy khó chịu.
Việc điều trị trầm cảm sau sinh hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của người thân. Các thành viên trong gia đình động viên và cùng chăm sóc em bé sẽ giúp cho bệnh nhân nhanh chóng bình thường trở lại.