Viêm dạ dày ruột là tình trạng viêm đường tiêu hóa (dạ dày và ruột non) gây hiện tượng đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy.
Menu xem nhanh:
1. Viêm dạ dày ruột là gì?
Viêm dạ dày ruột là tình trạng nhiễm trùng niêm mạc đường ruột gồm dạ dày, ruột non và đại tràng, gây ra bởi các loại vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng. Cụ thể là vi khuẩn Tụ cầu, E.coli, virus phổ biến là Rotavirus và Norovirus, ký sinh trùng như Giardia intestinalis, Cryptosporidium parvum…
Viêm dạ dày ở ruột có thể tự khỏi nhưng thường gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh. Bệnh có thể diễn biến nghiêm trọng, không nên chủ quan, đặc biệt với người bệnh suy giảm miễn dịch, sức đề kháng kém hoặc trẻ nhỏ. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời là tốt nhất để giảm các triệu chứng của bệnh.
Con đường lây truyền bệnhchủ yếu qua thức ăn. Người lành có thể bị lây bệnh do tiếp xúc với phân nhiễm vi khuẩn rồi vô tình đưa lên miệng. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi ăn thực phẩm chứa mầm bệnh, hoặc sử dụng chung thìa, cốc, đũa với người bệnh.
2. Triệu chứng viêm dạ dày ruột
Có thể phát hiện viêm dạ dày ruột cấp qua một số triệu chứng điển hình như sau:
– Đau bụng, buồn nôn, có thể liên tục nôn ói
– Tiêu chảy, đi cầu phân lòng trên 3 lần/24h
– Xuất hiện các cơn ớn lạnh, có thể sốt cao
– Đi tiểu ít
– Chán ăn, đắng ở miệng
– Miệng lưỡi khô
Nếu bị tiêu chảy và nôn mửa kéo dài, người bệnh có xu hướng mất nước và xuất hiện các triệu chứng:
– Hôn mê
– Mất nhận thức
– Tim đập nhanh bất thường
– Mất sức
– Liên tục sốt 38 độ trong nhiều ngày
Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nặng, cần nhanh chóng đưa người bệnh tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
3. Biến chứng với người bệnh viêm dạ dày cấp
Viêm dạ dày ruột có thể tự khỏi, tuy nhiên bệnh có thể phát triển gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe:
3.1 Mất dịch và điện giải
Mất nước kéo dài nhiều ngày làm mất cân bằng cơ thể, giảm lượng máu tới các cơ quan, tụt huyết áp… dẫn đến ảnh hưởng các chức năng của thận. Đây là biến chứng thường gặp nhất xảy ra khi mất nước và điện giải qua phân, khi nôn ói và không được bù qua số nước uống.
Khi bị viêm dạ dày, cần cố gắng uống nhiều nước để hạn chế tình trạng mất điện giải xảy ra, hoặc chỉ bị nhẹ và hết sớm. Mất nước nặng có thể làm tụt huyết áp, giảm máu cung cấp tới các cơ quan quan trọng. Thậm chí nếu không được điều trị còn có thể dẫn tới suy thận. Người mất nước nặng cần truyền dịch được tĩnh mạch tại bệnh viện.
3.2 Biến chứng khác
Biến chứng ở cơ quan khác hiếm gặp khi cơ thể phản ứng với tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa. Tuy nhiên vẫn có thể một số biến chứng như viêm da, xương khớp, viêm kết mạc… Biến chứng này ít gặp khi tác nhân gây bệnh là virus. Trẻ em bị viêm dạ dày cấp do vi khuẩn E. coli có thể dẫn tới tình trạng thiếu tiểu cầu, thiếu máu và suy thận.
3.3 Bất dung nạp lactose
Thành ruột và niêm mạc dạ dày bị tổn thương dẫn tới thiếu men lactose. Biến chứng này thỉnh thoảng xảy ra khi bị viêm dạ dày. Bất dung nạp lactose gây đầy đụng, đau bụng, đi tiêu nhiều nước và có khí sau khi uống sữa. Tình trạng này đỡ hơn khi thành ruột phục hồi, hết nhiễm trùng. Biến chứng này thường gặp ở trẻ em.
3.4 Giảm tác dụng một số loại thuốc
Một số thuốc bạn đang dùng vì một bệnh khác trong một đợt viêm dạ dày có thể không có hiệu quả. Điều này do tiêu chảy hoặc nôn làm giảm lượng thuốc hấp thu vào cơ thể. Một số loại thuốc trị động kinh, đái tháo đường như tránh thai có thể bị giảm tác dụng. Cần nói chuyện với bác sĩ hoặc y tá để tư vấn thêm trong từng trường hợp cụ thể.
4. Cách điều trị viêm dạ dày ruột
4.1 Trị viêm dạ dày ruột bằng cách uống nhiều nước
Bổ sung nước là cách hiệu quả để cải thiện tình trạng viêm dạ dày ruột, tuy nhiên người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau:
– Nên uống khoảng 200ml nước sau mỗi lần tiêu chảy
– Nếu liên tục ói mửa, nên đợi sau 5-10 phút rồi mới uống nước. Nên uống một cách chậm rãi
– Không uống đồ uống nhiều đường, có vị ngọt. Nên uống nước đun sôi để nguội hoặc nước điện giải
4.2 Sử dụng thuốc điều trị viêm dạ dày ruột
– Trong trường hợp tiêu chảy nhiều, người bệnh nên dùng thuốc theo chỉ dẫn để giảm số lần đi vệ sinh.
– Nếu gặp tình trạng đau đầu hoặc sốt cao, có thể sử dụng Paracetamol hoặc Ibuprofen theo chỉ dẫn.
– Sử dụng thuốc giảm tình trạng nôn mửa theo chỉ định của bác sĩ hoặc sau khi được thăm khám và chẩn đoán tại các cơ sở y tế.
4.3 Cải thiện chế độ ăn uống
Tham khảo chế độ ăn uống của người bệnh viêm dạ dày ruột:
– Không sử dụng thực phẩm cay nóng chứa nhiều dầu mỡ, chất béo
– Cố gắng ăn sớm nhất có thể, không bỏ bữa, ăn nhiều rau xanh để bổ sung khoáng và nước
– Bắt đầu ăn bánh mì và gạo nguyên cám.
5. Cách phòng ngừa viêm dạ dày ruột hiệu quả
Để giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh về dạ dày, đặc biệt là viêm dạ dày, cần lưu ý áp dụng các biện pháp như sau:
– Thường xuyên rửa tay đúng cách với nước và xà phòng, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc trước khi chế biến đồ ăn.
– Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, khử trùng các đồ vật có nguy cơ bị nhiễm khuẩn.
– Nên giặt riêng quần áo hoặc các đồ dùng đã nhiễm bẩn của người bệnh như chăn màn. Tốt nhất là sử dụng nước nóng.
– Không dùng chung khăn tắm hay đồ dùng vệ sinh cá nhân với người bệnh.
– Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi sơ chế và chế biến. Rửa nhiều lần với nước sạch, ăn chín uống sôi. Không ăn đồ ăn quá hạn, đồ ôi thiu.
– Để cơ thể nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh căng thẳng, áp lực.
– Chế độ ăn nhiều rau xanh, ưu tiên thực phẩm sạch.
Khi nhận thấy tình trạng sức khỏe không thuyên giảm sau vài ngày, bạn cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Bệnh viên Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI là địa chỉ tin cậy, chuyên chẩn đoán và chữa trị các bệnh liên quan đến Tiêu hóa, trong đó có viêm dạ dày ruột. Với đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm cùng trang thiết bị hiện đại, Thu Cúc TCI mang đến chất lượng dịch vụ nhanh và chính xác. Đặc biệt, bệnh viện thăm khám tất cả các ngày trong tuần cả thứ 7, CN và các ngày lễ.