Bệnh Crohn chỉ tình trạng viêm mãn tính của ruột, có thể gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến đường tiêu hóa. Tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh Crohn được rất nhiều người quan tâm.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm bệnh Crohn là gì?
Bệnh Crohn là bệnh viêm đường ruột mãn tính, vị trí viêm có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của đường tiêu hóa từ miệng đến tận hậu môn. Đây là một bệnh lý đường tiêu hóa rất nguy hiểm vì bệnh thường lan sâu đến các lớp mô ruột khiến người bệnh đau đớn, suy nhược, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
2. Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh Crohn
Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh Crohn vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu y khoa thì một số yếu tố di truyền và hệ thống miễn dịch có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của bệnh Crohn. Ngoài ra, chế độ ăn uống và tình trạng căng thẳng tâm lý kéo dài có thể làm bệnh Crohn nặng thêm.
– Ảnh hưởng của yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình bạn có thành viên mắc bệnh này như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột thì bạn cũng dễ bị mắc Crohn hơn. Gen có vai trò nhất định trong việc khiến thế hệ sau trong gia đình có khả năng mắc bệnh Crohn cao hơn.
– Ảnh hưởng của sự suy yếu hệ thống miễn dịch: Giả thuyết cho rằng có thể đường ruột người bị tấn công bởi 1 số loại virus, vi khuẩn, khi hệ thống miễn dịch kích hoạt để chống lại các tác nhân gây bệnh thì xảy ra phản ứng miễn dịch bất thường, khiến hệ miễn dịch nhầm lẫn nên không chỉ tấn công các loại virus, vi khuẩn có hại mà còn tấn công luôn các tế bào đường ruột lành, gây ra bệnh Crohn.
3. Bệnh Crohn gây ra những triệu chứng gì?
Bệnh Crohn là bệnh viêm đường tiêu hóa mãn tính, bất cứ vị trí nào của ống tiêu hóa đều có thể bị viêm, tuy nhiên bệnh chủ yếu xuất hiện ở đoạn cuối ruột non và đoạn đầu của ruột già. Bệnh Crohn sẽ gây ra các triệu chứng điển hình như sau:
– Các rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, đi ngoài ra phân có lẫn máu, đau bụng, đau xung quanh lỗ hậu môn, rò hậu môn…
– Các khó chịu toàn thân: người bệnh bị sốt, mệt mỏi, chuột rút, thường xuyên bị nhiệt miệng, ăn không ngon, ngủ không yên, sụt cân, hiện tượng viêm da, viêm mắt, viêm khớp; thiếu máu, da xanh xao, chậm lớn (ở trẻ em bị bệnh Crohn)…
Triệu chứng bệnh có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng và tiến triển âm thầm, nhưng trương vài trường hợp bệnh khởi phát đột ngột, không có dấu hiệu cảnh báo.
Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng sau đây liên tục cần phải đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt: Đau bụng, tiêu chảy trên 1 tuần; có máu trong phân; sốt cao không rõ nguyên nhân; giảm cân nhanh không rõ nguyên nhân…
4. Phương pháp chẩn đoán và cách điều trị bệnh Crohn
4.1. Chẩn đoán bệnh Crohn như thế nào?
Để chẩn đoán xác định bệnh Crohn, bác sĩ sẽ dựa vào thăm khám lâm sàng và các chỉ định xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng cận lâm sàng, cụ thể như sau:
– Thực hiện nội soi đường tiêu hóa bao gồm cả nội soi dạ dày tá tràng và nội soi đại trực tràng. Đây là phương pháp cho phép bác sĩ quan sát toàn bộ bên trong đường tiêu hóa bằng một ống soi nhỏ, mềm, linh hoạt, có gắn nguồn sáng và camera ở đầu ống. Trong quá trình nội soi tiêu hóa, bác sĩ có thể lấy các mẫu mô để sinh thiết giúp chẩn đoán chính xác tổn thương viêm loét là bệnh crohn hay tổ chức tiền ung thư (nhất là đối với những ổ loét rộng).
– Ngoài ra, để chẩn đoán bệnh Crohn, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm: Xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng viêm nhiễm, tình trạng thiếu máu của cơ thể và kiểm tra chức năng của một số cơ quan khác. Xét nghiệm phân để tìm máu lẫn trong phân, tìm các ký sinh trùng trong phân…
– Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (chụp MRI) để khảo sát đường ruột, phục vụ quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh
4.2. Tìm hiểu cách điều trị bệnh Crohn
Cho đến thời điểm hiện tại, không có cách điều trị bệnh crohn khỏi hoàn toàn. Mục tiêu của điều trị căn bệnh này là giảm triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp các loại thuốc sau:
– Thuốc chống viêm ruột, giúp làm giảm các triệu chứng viêm đường tiêu hóa và hỗ trợ làm lành niêm mạc bị tổn thương.
– Thuốc giúp ức chế miễn dịch.
– Thuốc kháng sinh để tiêu diệt các loại vi khuẩn đường ruột có hại.
– Các loại thuốc và men tiêu hóa, men vi sinh để chống tiêu chảy, tăng cường vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa.
– Ngoài ra, người bệnh sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc bổ sung sắt (do viêm ruột mãn tính dẫn đến thiếu máu thiếu sắt; bổ sung các loại vitamin cần thiết; bổ sung canxi và vitamin D…
4.3. Biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh Crohn hiệu quả
Các bác sĩ đã chỉ ra rằng, những thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống sinh hoạt có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh Crohn và kéo dài thời gian giữa các hai đợt bùng phát bệnh.
– Những thay đổi về chế độ ăn: Một số loại thực phẩm và thức uống có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh Crohn, bạn có thể hạn chế chúng khỏi danh sách thực đơn: sữa và chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua…, hạn chế các thực phẩm ít chất béo, thay đổi cách chế biến từ chiên rán sang hấp, luộc. Tránh thực phẩm và đồ uống có hại và dễ gây kích thích đường ruột như bia rượu, cà phê, nước ngọt…
– Ngoài ra, tập thói quen ăn ngủ, làm việc đúng giờ giấc và điều độ… Luôn giữ tinh thần thoải mái, tâm trạng vui vẻ và lạc quan, tránh lo âu, stress. Tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe…
Bệnh Crohn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, đe dọa sức khỏe của bạn. Do đó, kịp thời nhận biết triệu chứng, thăm khám sớm giúp điều trị bệnh Crohn đúng cách, kịp thời, hạn chế được các triệu chứng khó chịu và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.