Ung thư tuyến giáp thể tủy khác với các loại ung thư tuyến giáp khác, bởi vì nó không bắt nguồn từ tế bào nang tuyến giáp – tế bào tạo ra hormone tuyến giáp, mà bắt nguồn từ các tế bào cận nang tuyến giáp (tế bào C). Những tế bào này không tạo ra hormone tuyến giáp mà thay vào đó tạo ra một loại hormone khác gọi là calcitonin.
Menu xem nhanh:
1. Phân loại các thể của ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là bệnh lý được phân loại thành hai dạng là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa.
Trong đó ung thư tuyến giáp thể biệt hóa bao gồm các loại tế bào khác nhau như: Ung thư tuyến giáp biểu mô thể nhú, ung thư tuyến giáp biểu mô thể nang, ung thư tuyến giáp biểu mô kết hợp thể nhú và nang. Nhóm bệnh thể biệt hóa là phổ biến hơn cả chiếm khoảng 90% người mắc bệnh. Dạng bệnh này cũng được đánh giá có mức độ tiến triển chậm, tiên lượng tốt.
Nhóm ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa gồm 2 dạng nhỏ là ung thư tuyến giáp biểu mô thể tủy, ung thư tuyến giáp biểu mô thể không biệt hóa. Nhóm bệnh dạng không biệt hóa ít phổ biến hơn, chiếm khoảng 10% trong tổng số các ca bệnh. Tuy nhiên loại bệnh này có tốc độ phát triển, di căn nhanh.
2. Những thông tin quan trọng của ung thư tuyến giáp thể tủy
2.1 Đặc điểm của ung thư tuyến giáp dạng thể tủy
Bệnh ung thư tuyến giáp (K tuyến giáp) thể tủy thường tiến triển từ tuyến giáp vào các hạch bạch huyết với tốc độ nhanh. Khi tình trạng di căn đến các mô và cơ quan khác trong cơ thể diễn ra thì việc điều trị ung thư tuyến giáp là rất khó khăn.
Các dấu hiệu, triệu chứng đáng chú ý của bệnh là cảm thấy khàn tiếng, khó nuốt, đau cổ họng khi nuốt, hoặc cảm thấy vướng như có vật gì đó chẹn ngang cổ họng.
2.2 Tiên lượng sống cho người bệnh
Tiên lượng sống và thời gian sống của bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp dạng thể tủy phụ thuộc vào độ tuổi mắc bệnh, giai đoạn phát triển của khối u.
Nhìn chung những người trẻ mắc bệnh thường đáp ứng với điều trị tốt hơn và tỷ lệ khỏi bệnh cao hơn so với những người cao tuổi.
Ngoài ra, ở mỗi giai đoạn bệnh khác nhau bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp dạng thể tủy lại có một tiên lượng sống khác nhau:
– Giai đoạn 1: Khi người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh ở giai đoạn này thì khoảng 100% bệnh nhân có thể sống được ít nhất thêm 10 năm.
– Đối với bệnh nhân được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn 2 thì có khoảng 93% người bệnh điều trị từ giai đoạn này có cơ hội sống sau ít nhất 10 năm.
– Đối với giai đoạn 3 thì có khoảng 71% số người bệnh được phát hiện và điều trị từ thời điểm chẩn đoán có thể sống thêm ít nhất 10 năm.
– Trong trường hợp bệnh nhân được phát hiện và điều trị ở giai đoạn 4 thì khoảng 21% số bệnh nhân có cơ hội sống thêm khoảng 10 năm.
– Tiên lượng bệnh được cho là chuyển biến xấu khi bệnh nhân bước vào giai đoạn di căn đến các cơ quan khác.
Tiên lượng của K tuyến giáp thể tủy thường không thuận lợi như ung thư tuyến giáp biệt hóa (ung thư dạng nhú và dạng nang). Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, phẫu thuật có thể chữa khỏi. Thời gian sống lâu dài phụ thuộc vào giai đoạn bệnh tại thời điểm chẩn đoán. Ngoài ra, nồng độ calcitonin hoặc chỉ số CEA trong máu trong năm đầu tiên sau thực hiện phẫu thuật cắt bỏ cũng có thể là yếu tố dự báo khả năng sống sót của bệnh nhân.
2.3 Điều trị bệnh ung thư tuyến giáp dạng thể tủy
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp là phương pháp điều trị chính cho ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy. Thông thường bệnh nhân mắc ung thư giáp thể tủy sẽ có biểu hiện ung thư tuyến giáp ở các hạch bạch huyết ở cổ hoặc ngực trên. Các hạch bạch huyết này thường được loại bỏ tại thời điểm phẫu thuật tuyến giáp hoặc đôi khi sẽ được loại bỏ ở lần phẫu thuật sau nếu được tìm thấy sau đó. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp suốt đời để duy trì sức khỏe.
Không giống như ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang, ung thư tuyến giáp thể tủy không hấp thụ i-ốt, và do đó điều trị bằng i-ốt phóng xạ không phải là lựa chọn điều trị cho bệnh nhân mắc dạng tế bào này.
Bệnh nhân mắc K tuyến giáp thể tủy có nồng độ calcitonin rất cao nên được thực hiện chẩn đoán ảnh trước khi phẫu thuật để xác định xem khối u đã lan ra các vị trí bên ngoài tuyến giáp và/hoặc bên ngoài cổ hay chưa. Nếu ung thư đã lan ra bên ngoài cổ, phẫu thuật có thể là phương pháp điều trị giảm nhẹ nhằm mục đích giảm các biến chứng tại chỗ do khối u gây ra, thay vì loại bỏ toàn bộ các khối u hiện có. Các lựa chọn điều trị khác (xạ trị chùm tia bên ngoài hoặc hóa trị liệu) có thể cần được sử dụng cùng với phẫu thuật sau khi thảo luận cẩn thận với bệnh nhân.
2.4 Theo dõi sau điều trị K tuyến giáp thể tủy
Khám theo dõi định kỳ là điều cần thiết đối với tất cả bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp thể tủy vì ung thư tuyến giáp có thể quay trở lại. Đôi khi bệnh có thể tái phát sau nhiều năm kể từ lần điều trị ban đầu thành công.
Những lần tái khám kiểm tra này bao gồm xem lại bệnh sử, kiểm tra sức khỏe thể chất, đặc biệt chú ý đến vùng cổ. Siêu âm vùng cổ cũng là một công cụ rất quan trọng để quan sát vùng cổ và tìm kiếm các nốt sần, khối u hoặc các hạch bạch huyết phì đại có thể cho thấy ung thư đã tái phát. Xét nghiệm máu cũng rất quan trọng trong việc theo dõi bệnh nhân mắc K tuyến giáp thể tủy. Đo calcitonin và CEA là một phần thường xuyên cần thiết trong quá trình theo dõi bệnh nhân mắc K tuyến giáp thể tủy.