Sỏi niệu quản là căn bệnh phổ biến trong các bệnh hệ tiết niệu. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị sỏi niệu quản, trong đó phương pháp tán sỏi niệu quản qua da được coi là phổ biến và hiệu quả nhất.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm tán sỏi sỏi niệu quản qua da là gì?
Sỏi niệu quản là sỏi hình thành hoặc mắc kẹt lại ở niệu quản của bệnh nhân.
Tán sỏi qua da cho sỏi niệu quản là phương pháp đặc biệt điều trị sỏi thay thế mổ mở truyền thống. Kỹ thuật này sử dụng năng lượng laser cực lớn xuyên qua da tiến vào cơ thể qua vết rạch 5mm để tiếp cận phá vỡ sỏi rồi tiến hành bơm hút các mảnh vụn ra ngoài.
Toàn bộ quá trình tán sỏi chỉ diễn ra trong khoảng từ 30-60 phút, đồng thời chỉ sau tầm 3 ngày lưu viện theo dõi, bệnh nhân có thể xuất viện về nhà với rất ít trường hợp xảy ra biến chứng.
2. Chỉ định và chống chỉ định
Tán sỏi qua da hay tán sỏi qua da đường hầm nhỏ sẽ áp dụng với một số trường hợp cụ thể:
– Sỏi niệu quản 1/3 trên và có kích thước > 1.5cm
– Sỏi niệu quản điều trị nội khoa hoặc tán ngoài cơ thể chưa hiệu quả, thận còn chức năng.
– Sỏi niệu quản nhỏ < 0,5 cm, sỏi không di chuyển xuống vị trí thấp hơn, sỏi trên vị trí hẹp niệu quản, sỏi trên polyp.
– Sỏi trên vị trí sa lồi niệu quản.
Tuy nhiên, một số trường hợp sỏi niệu quản, bệnh nhân sẽ không được chỉ định sử dụng phương pháp điều trị này, cụ thể:
– Bệnh nhân mắc phải hội chứng rối loạn đông máu;
– Bệnh nhân bị cao huyết áp, đái tháo đường chưa khỏi dứt điểm;
– Bệnh nhân đang điều trị khuẩn đường niệu;
– Bệnh nhân không thể tiến hành gây mê toàn thân;
– Bệnh nhân bị hẹp niệu quản đoạn dưới viên sỏi.
3. Quy trình thực hiện tán sỏi qua da diễn ra như thế nào?
Trước khi tiến hành tán sỏi qua da, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm để đảm bảo chức năng cơ thể hoạt động ổn định và để bác sĩ nắm được tình trạng, vị trí, kích thước của viên sỏi. Bệnh nhân lưu ý không được ăn trước 6 giờ và uống nước, trà, cà phê… 2 giờ trước khi tán sỏi.
Quá trình tán sỏi qua da cho bệnh nhân sỏi niệu quản diễn ra như sau:
– Bệnh nhân được thay đồ phẫu thuật, đưa vào phòng mổ và gây mê toàn thân. Sau đó bệnh nhân được chuyển về tư thế nằm sấp hoặc nằm nghiêng tùy trường hợp để bắt đầu tiến hành phẫu thuật.
– Bác sĩ phẫu thuật sẽ dùng một kim chuyên dụng chọc qua da vùng hông lưng rồi rạch da khoảng 0.5mm tạo thành đường hầm nhỏ đưa dụng cụ nội soi vào.
– Bác sĩ tiếp cận viên sỏi thông qua màn hình máy, đặt đường ống có đường kính nhỏ giống như ống hút và dùng năng lượng laser từ máy tán công suất cao tán vỡ sỏi thành nhiều mảnh nhỏ.
– Những mảnh sỏi to sẽ được gắp ra ngoài qua đường ống trên, những mảnh nhỏ sẽ thoát ra ngoài trong quá trình bệnh nhân đi tiểu.
– Để kết thúc phẫu thuật, cũng qua đường hầm này, ác sĩ sẽ đặt ống thông JJ nhỏ trong đường tiết niệu để ngăn tình trạng nhiễm trùng và giúp dẫn lưu nước tiểu ra ngoài, tránh tắc nghẽn đường tiểu. Ống thông JJ được rút sau 2 – 4 tuần khi tái khám và tình trạng sỏi đã hết. Những mảnh vụn sỏi sẽ được đào thải ra ngoài sau 1 – 3 tháng qua đường tiểu.
4. Một số lưu ý về phương pháp tán sỏi qua da
4.1. Ưu điểm của phương pháp tán sỏi niệu quản qua da
Không ngẫu nhiên tán sỏi qua da được coi là phương pháp điều trị sỏi niệu quản an toàn, hiệu quả bậc nhất hiện nay. Bởi phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội, giúp người bệnh sạch sỏi nhanh chóng, ít đau đớn, hồi phục nhanh và tiết kiệm chi phí tối đa:
– Tán được nhiều loại sỏi niệu quản;
– Tỉ lệ sạch sỏi cao;
– Thời gian tán sỏi nhanh, trung bình chỉ trong 30 phút;
– Thời gian hồi phục nhanh, ra viện sau 3 ngày;
– An toàn, không để lại sẹo, đảm bảo tính thẩm mĩ cao;
– Hạn chế tối đa biến chứng.
4.2. Chăm sóc sau quá trình tán sỏi niệu quản qua da
Sau quá trình tán sỏi, người bệnh sẽ có một số biểu hiện mệt, đau nhẹ vùng phẫu thuật. Tuy nhiên, đây là biểu hiện thông thường đối với bất kì một ca tán sỏi nào. Bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường, nếu muốn cơ thể phục hồi nhanh chóng, bệnh nhân có thể dành một vài ngày để nghỉ ngơi, thư giãn. Đồng thời, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Sau khi tán sỏi, bệnh nhân có thể gặp tình trạng nước tiểu ra máu nhạt, đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh nên uống 2-3 lít nước mỗi ngày, có thể thay nước lọc bằng nước trái cây tươi. Không nên sử dụng đồ uống có chất kích thích(rượu, bia, cà phê…). Đồng thời, uống nhiều nước cũng giúp tăng lượng nước tiểu của người bệnh, giúp nước tiểu không quá cô đặc, tránh tái phát sỏi.
– Bệnh nhân có thể cảm thấy xuất hiện vết bầm tím nhẹ quanh khu vực vết rạch, tình trạng này sẽ tự biến mất sau thời gian ngắn.
– Bệnh nhân tránh vận động mạnh trong 4 tuần sau tán sỏi.
– Xem xét tình hình dùng thuốc của người bệnh: Trường hợp người bệnh đang sử dụng bất kì loại thuốc nào, cần xem xét lại thành phần, trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để xem có chất làm tăng nguy cơ tạo sỏi hay không.
– Chế độ ăn uống lành mạnh: tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất, hạn chế thức ăn chưa nhiều canxi và oxalat. Ăn nhạt và hạn chế ăn nhiều đồ dầu mỡ, đóng hộp.
– Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào(chảy máu bất thường, sốt, đau bụng dữ dội…) cần liên hệ ngay với bác sĩ để khắc phục tình trạng.
– Đi khám lại đúng hẹn theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trên đây là những thông tin cơ bản về tán sỏi niệu quản bằng phương pháp tán sỏi qua da. Các bác sĩ cũng khuyến khích rằng, người bệnh nên phối hợp với chế độ sinh hoạt lành mạnh, tăng cường rèn luyện cơ thể để nhanh hồi phục sau khi tán sỏi, đồng thời tránh sỏi bị tái phát. Đặc biệt, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường như: tiếu buốt, nước tiểu máu đục, đau bụng…; người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm về sau.