Tìm hiểu về chức năng của buồng trứng trong sinh sản

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI 

Nguyễn Thị Thơm

Bác sĩ Sản phụ khoa

Buồng trứng là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe sinh sản của nữ giới. Trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giúp bạn đi sâu vào tìm hiểu về vị trí buồng trứng, chức năng buồng trứng, đồng thời, chúng tôi cũng sẽ đề cập đến những biện pháp giúp bảo vệ và duy trì sức khỏe cho buồng trứng. Cùng tìm hiểu nhé.

1. Cấu trúc của buồng chứng

Mỗi phụ nữ có hai buồng trứng, mỗi một buồng trứng nằm ở một bên của tử cung, hình dáng buồng trứng giống như hạt dẻ, kích thước dài khoảng 3cm, rộng 1,5cm và dày 1cm. Trong quá trình mang thai, kích thước của buồng trứng có thể tăng gấp đôi, và sau khi vượt qua độ tuổi 30, nó có thể giảm nhỏ dần đi.

Mỗi phụ nữ có hai buồng trứng, mỗi buồng trứng nằm ở một bên của tử cung

Mỗi phụ nữ có hai buồng trứng, mỗi buồng trứng nằm ở một bên của tử cung

Bề mặt ngoài của buồng trứng có màu trắng, tuy nhiên, sau thời kỳ dậy thì, lớp tế bào này có thể dẹt theo tuổi và làm cho buồng trứng có màu xám đục.

Cấu tạo ngoài của buồng trứng bao gồm hai mặt, hai bờ và hai đầu:

– Hai mặt: Bề mặt trong và ngoài của buồng trứng được hình thành bởi một lớp biểu mô dày đặc, liên kết chặt với nhau.

– Hai bờ: Buồng trứng có hai bờ quan trọng – bờ tự do và bờ mạc treo.

– Hai đầu: Buồng trứng có hai đầu là đầu vòi và đầu tử cung, liên quan chặt chẽ đến quá trình di chuyển trứng và quá trình gặp tinh trùng.

Cấu tạo trong của buồng trứng gồm các thành phần như vỏ, tuỷ buồng trứng và nang trứng:

– Vỏ: Nằm ngay dưới bề mặt ngoài, chứa các nang buồng trứng và thể vàng.

– Tuỷ buồng trứng: Tập trung ở vùng trung tâm, bao gồm mô đệm được cấu tạo bởi mô liên kết có nhiều sợi chun, tế bào cơ trơn và mạch máu.

– Nang trứng: Nang trứng nguyên thủy được hình thành từ khi bé gái mới chào đời, sau dậy thì, nang trứng nguyên thủy sẽ phát triển tạo ra các nang trứng chín. Một trong những nang trứng chín này sẽ vỡ ra, tạo hiện tượng rụng trứng ở nữ giới.

2. Chức năng buồng trứng trong sinh sản

Buồng trứng đóng vai trò quan trọng trong chức năng sinh sản của nữ giới với việc bảo vệ trứng, rụng trứng, tạo ra chu kỳ kinh nguyệt, sản xuất hormone sinh dục.

– Che chở và bảo vệ trứng: Buồng trứng giữ và bảo vệ các trứng từ khi phụ nữ mới sinh ra.

– Rụng trứng: Mỗi tháng, một số nang trứng sẽ phát triển, và một trong số chúng có thể trở thành trứng chín để rụng ra khỏi buồng trứng. Quá trình này tạo điều kiện cho việc thụ tinh nếu có tinh trùng tham gia, nếu không có tinh trùng sẽ tạo thành hiện tượng kinh nguyệt.

– Chu kỳ kinh nguyệt: Buồng trứng có ảnh hưởng lớn đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.

– Sản xuất hormone: Buồng trứng có đóng góp vai trò vào việc sản xuất nhiều hormone quan trọng như estrogen, progesterone, relaxin, và inhibin. Estrogen đóng vai trò quan trọng trong phát triển các đặc tính nữ trưởng thành như ngực nở, hông lớn. Progesterone là hormone quan trọng trong việc duy trì kinh nguyệt và đặc biệt là chuẩn bị cho quá trình mang thai ở nữ giới. Trong giai đoạn cuối thai kỳ, buồng trứng giải phóng hormone relaxin để lỏng dây chằng vùng chậu, chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ.

– Hỗ trợ quá trình mang thai: Khi trứng đã thụ tinh, buồng trứng giúp duy trì môi trường thuận lợi cho sự phát triển của thai nhi thông qua việc sản xuất hormone như progesterone.

3. Điểm danh các bệnh lý buồng trứng có thể ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng

Các bệnh lý buồng trứng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ bởi vì buồng trứng đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản và chu kỳ kinh nguyệt. Dưới đây là một số bệnh lý phổ biến của buồng trứng gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản:

3.1. Buồng trứng đa nang (PCOS)

PCOS là một tình trạng mà trong buồng trứng hình thành nhiều nang trứng nhỏ, nhưng không có nang trứng nào phát triển thành trứng chín. Điều này gây ra bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt và khó khăn trong việc thụ tinh. Ngoài ra, PCOS có thể làm tăng cường sản xuất hormone androgen, gây rối loạn nang trứng và ảnh hưởng đến khả năng rụng trứng.

3.2. U nang buồng trứng

U nang thường là các túi chứa chất dịch lỏng bên trong. Mặc dù u nhỏ thường không gây ra triệu chứng, nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể phát triển lớn, gây đau bên bụng hoặc gây vỡ nang, gây ra các triệu chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng.

U nang buồng trứng có thể làm ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng

U nang buồng trứng có thể làm ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng

3.3. U bì buồng trứng

U bì buồng trứng là các u chứa các tế bào và cấu trúc khác nhau, thậm chí có thể chứa răng, tóc, và các phần khác của cơ thể. Mặc dù thường không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cần phẫu thuật để loại bỏ nhằm tránh các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

3.4. Ung thư buồng trứng

Trong một số trường hợp u ác tính có thể xuất hiện tại buồng trứng. Đây là một tình trạng nghiêm trọng, có thể không có triệu chứng trong giai đoạn đầu nhưng có thể gây ra hậu quả nặng nề.

3.5. Buồng trứng viêm nhiễm

Nhiễm trùng buồng trứng có thể gây ra sưng, đau, và tạo ra sẹo ở buồng trứng, làm giảm khả năng rụng trứng và gây ra vấn đề cho việc thụ tinh.

3.6. Buồng trứng bị xoắn

Xoắn buồng trứng có thể làm giảm hoặc cản trở máu chảy đến buồng trứng, gây tổn thương và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Việc chẩn đoán và điều trị sớm các vấn đề liên quan đến buồng trứng là quan trọng để bảo vệ khả năng sinh sản và giảm rủi ro cho các vấn đề liên quan đến sức khỏe phụ nữ.

5. Làm sao để bảo vệ buồng trứng luôn khỏe mạnh?

Để bảo vệ buồng trứng và duy trì sức khỏe sinh sản của phụ nữ, có một số biện pháp và thói quen sống lành mạnh bạn nên áp dụng:

– Ăn uống lành mạnh với đủ loại thực phẩm, bao gồm rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, cá, hạt. Cung cấp đủ chất dinh dưỡng giúp duy trì sức khỏe buồng trứng.

– Hoạt động vận động nhẹ đến vừa đều đặn giúp cải thiện tuần hoàn máu và hỗ trợ sức khỏe buồng trứng. Nên tránh vận động quá mức vì có thể ảnh hưởng đến buồng trứng và chu kỳ kinh nguyệt.

– Học cách quản lý stress thông qua các hoạt động như thiền, yoga, hoặc các hoạt động khác vì stress có thể gây ra rối loạn hormone và ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.

– Hạn chế hóa chất độc hại trong môi trường làm việc và trong đời sống hàng ngày.

– Thăm khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng của buồng trứng. Nếu có bất thường, bạn sẽ được tư vấn điều trị kịp thời, giúp giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến buồng trứng và chức năng sinh sản của buồng trứng.

Thăm khám sức khỏe định kỳ là việc cần làm để bảo vệ chức năng buồng trứng

Thăm khám sức khỏe định kỳ là việc cần làm để bảo vệ chức năng buồng trứng

– Nếu bạn hút thuốc lá, cân nhắc việc dừng hút hoặc giảm thiểu hút thuốc. Hạn chế sử dụng rượu cũng là một biện pháp tốt cho sức khỏe sinh sản.

– Duy trì cân nặng ổn định giúp tránh được tình trạng thừa cân hoặc thiếu cân, cả hai đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và sức khỏe sinh sản.

Những thay đổi tích cực trong lối sống sẽ có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của buồng trứng và hỗ trợ quá trình sinh sản. Nếu có bất kỳ băn khoăn nào về buồng trứmg và sức khỏe sinh sản, bạn có thể liên hệ với Thu Cúc TCI ngay để nhận được tư vấn chuyên sâu.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital