Theo báo cáo năm 2020 từ Globocan, có 2.261.149 ca ung thư vú được phát hiện ở cả 2 giới, chiếm 11.7% trong tổng số các bệnh ung thư. Cũng trong năm này tại Việt Nam, ung thư vú có 21.555 ca mắc mới (chiếm 11.8%) và 9.345 ca tử vong (chiếm 7.6%). Điều đáng lo ngại nhất là những con số trên đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Theo chuyên gia, phương pháp hiệu quả nhất để bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh ác tính này là chủ động tầm soát ung thư định kỳ, bao gồm thực hiện các xét nghiệm ung thư vú kết hợp chẩn đoán hình ảnh như chụp nhũ ảnh, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ…
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về ung thư vú
1.1. Định nghĩa
Ung thư vú là bệnh lý ác tính bắt nguồn từ sự tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào đột biến ở mô tuyến vú. Các tế bào này phát triển và lan rộng ra toàn bộ vú, di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể. Ung thư vú là tuýp ung thư cực kì phổ biến ở nữ giới. Theo Globocan 2020, tỉ lệ mắc mới ung thư vú trên toàn cầu ở nữ giới là 24.5%, cao nhất trong số các loại ung thư ở phụ nữ.
Loại ung thư vú thường gặp nhất là ung thư ống tuyến vú. Ung thư bắt nguồn từ tiểu thùy và thùy tuyến vú gọi là ung thư tiểu thùy. Ung thư vú dạng viêm là dạng ít gặp nhất, thường có biểu hiện sưng đỏ.
Ngoài ra, có thể phân loại ung thư vú theo các nhóm sau:
– Ung thư vú không xâm lấn
Ung thư vú không xâm lấn còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Đôi khi, nó được coi là tổn thương tiền ung thư. Với dạng ung thư này, các tế bào đột biến chỉ giới hạn trong tiểu thùy vú hoặc ống dẫn sữa, chưa phát triển và xâm lấn mô vú.
– Ung thư vú xâm lấn
Khi tế bào ung thư lan rộng ra ngoài ống tuyến hoặc tiểu thùy vú, chúng được gọi là ung thư vú xâm lấn. Một số dạng ung thư vú xâm lấn bao gồm: Ung thư biểu mô ống tuyến xâm lấn, ung thư vú di căn, ung thư vú dạng viêm, ung thư vú tiến triển tại chỗ, u Phyllodes vú,…
– Các dạng khác dựa trên gen mà ung thư vú biểu hiện
Cụ thể bao gồm: Ung thư vú thụ thể hormone dương tính, ung thư vú HER2 dương tính và ung thư vú bộ ba âm tính.
1.2. Các giai đoạn bệnh
Ung thư vú có thể chia thành 5 giai đoạn bệnh. Cụ thể:
– Giai đoạn 0: Giai đoạn ung thư vú không xâm lấn.
– Giai đoạn 1: Ở giai đoạn 1A, khối u có kích thước nhỏ từ 2cm và chưa lan đến các hạch bạch huyết. Sang đến giai đoạn 1B, khối u có thể được tìm thấy tại hạch bạch huyết ở nách.
– Giai đoạn 2: Các khối u có kích thước từ 2-5cm.
– Giai đoạn 3: Các khối u có kích thước lớn, lan rộng đến 4-9 hạch bạch huyết ở nách hoặc phù các hạch trong vú.
– Giai đoạn 4: Ung thư đã xâm lấn và di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể như gan, phổi, xương, não,…
2. Tìm hiểu về các xét nghiệm ung thư vú
2.1. Chỉ số CA 15-3 trong các xét nghiệm ung thư vú
Chỉ số CA 15-3 được biết đến như một kháng nguyên màng biểu mô hoặc mucin biểu mô đa hình. CA 15-3 xuất hiện nhiều ở vùng ngoại bào, dịch bào và màng tế bào. Ở người khỏe mạnh, nồng độ chỉ số CA 15-3 thường thấp. Khi chỉ số này tăng cao bất thường, đây là dấu hiệu của ung thư vú. Cụ thể:
– CA 15-3 ở mức 28 U/mL có độ nhạy chẩn đoán trước phẫu thuật là 22%, độ nhạy khi di căn từ 54-94%.
– CA 15-3 ở mức 50 U/mL có độ nhạy chẩn đoán trước phẫu thuật là 32%, độ nhạy khi di căn dưới 91%.
– CA 15-3 ở mức 25 U/mL có độ nhạy chẩn đoán trước khi xuất hiện hạch là 16%, độ nhạy khi xuất hiện hạch là 54%, độ nhạy khi di căn là 91%.
– Khi CA 15-3 ở mức hơn 40 U/mL, ung thư đã tiến vào giai đoạn di căn. CA 15-3 tăng cao nhất khi ung thư đã di căn vào gan hoặc xương.
Ngoài ra, theo các nghiên cứu, kết quả xét nghiệm CA 15-3 kết hợp với chỉ số CEA có thể giúp tăng tỉ lệ chẩn đoán tái phát và di căn ung thư đến 80%. Kết hợp 2 chỉ số này cũng tăng tỉ lệ chẩn đoán ung thư vú khu trú 40-82%.
Nhược điểm lớn nhất của CA 15-3 là không để xác định ung thư vú ở giai đoạn đầu của bệnh. Khi khối u có kích thước nhỏ và chưa di căn, chỉ số CA 15-3 hiếm khi thay đổi. Bên cạnh đó, một số bệnh lý khác có thể tác động đế chỉ số CA 15-3 bao gồm:
– Viêm gan, xơ gan
– Bệnh lao
– Viêm nội mạc tử cung
– Lupus
– Phụ nữ trong thai kỳ hoặc đang cho con bú
Chính vì những lý do trên, kết quả xét nghiệm chỉ số CA 15-3 đơn lẻ không có giá trị lớn trong sàng lọc bệnh nhân ung thư vú. Thay vào đó, nó đem lại giá trị nhất định trong điều trị và theo dõi sự di căn hoặc tái phát của khối u. Trong thời gian điều trị, chỉ số CA 15-3 sẽ được theo dõi thường xuyên để đánh giá tình trạng bệnh.
2.2. Nồng độ nội tiết trong các xét nghiệm ung thư vú
Xét nghiệm hóa mô miễn dịch thường được sử dụng để đánh giá tế bào ung thư có các thụ thể estrogen và progesteron hay không. Những thụ thể này là protein ở trong hoặc trên bề mặt tế bào có thể gắn với một số chất nhất định trong máu. Tế bào tuyến vú bình thường và một vài tế bào ung thư tuyến vú gắn với estrogen, progesterone và chúng phụ thuộc vào các thụ thể này để phát triển.
– Tế bào ung thư tuyến vú có thụ thể estrogen được gọi là ung thư ER+.
– Tế bào ung thư tuyến vú có thụ thể progesterone được gọi là ung thư PR+.
– Tế bào ung thư tuyến vú có cả hai thụ thể trên được gọi là ung thư HR+.
– Tế bào ung thư tuyến vú không có thụ thể estrogen và progesteron được gọi là HR-.
Thông qua xét nghiệm nội tiết sàng lọc những thay đổi bất thường trong chỉ số các thụ thể estrogen và progesteron, người bệnh có thể được cảnh báo về nguy cơ ung thư vú hoặc một vài bệnh lý lành tính khác. Nhìn chung, xét nghiệm này khi thực hiện riêng lẻ không có giá trị trong sàng lọc ung thư vú. Tuy nhiên, biết về tình trạng các thụ thể nội tiết sẽ giúp bác sĩ quyết định phương hướng điều trị thích hợp cho bệnh nhân ung thư vú. Khoảng 2/3 các ca ung thư vú có sự hiện diện của ít nhất 1 trong 2 thụ thể này.
Hiện nay, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đã và đang triển khai gói sàng lọc ung thư vú với đầy đủ các bước khám cần thiết, kiểm tra với loạt máy móc y tế hiện đại, công nghệ cao hiện nay. Đến với TCI, bạn sẽ được thăm khám với đội ngũ bác sĩ giỏi, được hướng dẫn bởi nhân viên y tế tận tình và trải nghiệm quy trình tầm soát ung thư vú an toàn, nhanh chóng, toàn diện.
Hi vọng qua bài viết trên, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về xét nghiệm ung thư vú. Hãy chủ động khám sức khỏe và tầm soát định kỳ để bảo vệ sức khỏe trước khi quá muộn.