Sỏi niệu quản là một bệnh lý thường gặp bậc nhất trong các bệnh lý hệ tiết niệu. Vậy hiện nay có các phương pháp điều trị sỏi niệu quản nào hiệu quả nhất, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Menu xem nhanh:
1.Sỏi niệu quản – Khái niệm và triệu chứng
Niệu quản là bộ phận nằm dưới thận, trên bàng quang và niệu đạo, có chức năng như một chiếc “vòi” đưa nước tiểu từ thận xuống “bể chứa” bàng quang. Đây là một bộ phận có kết cấu hẹp dài nên có nguy cơ kẹt sỏi cao hơn các bộ phận khác. Sỏi niệu quản là sỏi hình thành tại niệu quản, thường có tính chất cứng, có một viên và phổ biến nhất là sỏi từ sỏi thận rơi xuống.
Sỏi niệu quản là bệnh lý thường xảy ra với nam giới hơn nữ giới, và thường là nam giới tuổi trung niên. Đây là một căn bệnh có thể hình thành trực tiếp từ cơ thể người bệnh, cũng có thể là xuất phát từ thói quen sinh hoạt không lành mạnh: uống ít nước, ăn mặn, nhịn ăn sáng…
Sỏi niệu quản thường khó phát hiện ở thời gian đầu khi sỏi nhỏ mà thường bệnh nhân chỉ phát hiện ra khi các triệu chứng đã rõ ràng hơn:
– Bệnh nhân bị đau thắt lưng lan dần xuống dưới, cơn đau âm ỉ hoặc đau quặn: Do sỏi di chuyển trong niệu quản dẫn tới người bệnh bị đau.
– Người bệnh đi tiểu khó: tiểu buốt, tiểu ngắt quãng, tiểu không hết cơn, đi tiểu nhiều lần và đặc biệt là đi tiểu ra máu: Viên sỏi làm bít tắc đường tiểu dẫn đến người bệnh đi tiểu khó khăn. Đồng thời, viên sỏi cọ xát vào niêm mạc niệu quản gây ra tổn thương và chảy máu, nước tiểu hòa lẫn máu thoát ra ngoài nên người bệnh thường đi tiểu ra máu hồng.
– Nước tiểu có màu vẩn đục, mùi hôi khác thường. Trường hợp này, người bệnh có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.
– Một vài trường hợp hiếm, bệnh nhân có thể tiểu ra sỏi nhỏ.
– Các triệu chứng khác có thể gặp phải như sốt, ớn lạnh, buồn nôn, chướng bụng…
2. Biến chứng khó lường của bệnh sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản nếu để lâu dài có thể gây ra một số biến chứng khó lường như:
– Thận bị ứ nước, giãn rộng đài bể thận: Nước tiểu bị ứ đọng lâu ngày do viên sỏi làm bít tắc lối nước tiểu đi xuống bàng quang. Nước tiểu tích tụ lâu ngày tăng về thể tích khiến cho đài bể thận bị giãn rộng để chứa nước tiểu.
– Hệ tiết niệu bị nhiễm khuẩn: Sỏi di chuyển khiến cho niêm mạc niệu quản tổn thương. Đồng thời, sỏi cũng chặn nước tiểu thoát xuống bàng quang nên dễ khiến cho vi khuẩn dễ sinh sôi và phát triển, khiến tình trạng viêm nhiễm hoặc sốt cao, rét run, đau thắt vùng thắt lưng.
– Suy thận cấp và mạn tính: Khi sỏi gây bít tắc hoàn toàn niệu quản ở cả hai bên hoặc viêm tiết niệu kéo dài dẫn tới suy thận cấp và mạn tính. Tế bào thận bị tổn thương và không thể phục hồi lại.
3. Các phương pháp điều trị bệnh sỏi niệu quản hiệu quả
3.1 Phương pháp điều trị mổ mở
Mổ mở là phương pháp “kinh điển” lấy sỏi ra khỏi cơ thể. Phương pháp này áp dụng cho các trường hợp sỏi lớn, sỏi có tính chất phức tạp hoặc sỏi ở vị trí khó tán sỏi thì bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ mở lấy sỏi. Tỉ lệ sạch sỏi của phương pháp này cao, tuy nhiên bệnh nhân sẽ phải trải qua đau đớn trong một vài ngày trước khi hồi phục và đối mặt với nguy cơ biến chứng.
3.2 Phương pháp điều trị bệnh sỏi niệu quản phổ biến – tán sỏi
Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị bệnh sỏi niệu quản phổ biến nhất, bao gồm:
Tán sỏi ngoài cơ thể
Đây là kỹ thuật sử dụng máy tán công nghệ cao, tập trung sóng xung kích vào viên sỏi và tán vỡ chúng, vụn sỏi trôi ra ngoài theo đường nước tiểu.
Các chỉ định cụ thể của phương pháp tán sỏi niệu quản ngoài cơ thể, đó là:
– Áp dụng với sỏi niệu quản 1/3 trên và < 1.5cm
– Áp dụng với sỏi niệu quản < 5mm, khi điều trị nội khoa 01 tuần không hiệu quả, sỏi không di chuyển và sỏi ở trên vị trí hẹp niệu quản, trên polyp.
– Sỏi niệu quản ở trên vị trí sa lồi niệu quản.
Ưu điểm:
– Tán sỏi niệu quản ngoài cơ thể ít gây ảnh hưởng đến niệu quản, bảo vệ chức năng cơ thể.
– Rút ngắn thời gian nằm viện và chi phí điều trị sỏi cho bệnh nhân. Bệnh nhân chỉ cần nằm viện từ 1 đến 2 ngày là có thể xuất viện về nhà.
– Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể làm hạn chế tối đa đau đớn so với các phương pháp truyền thống.
– Phương pháp tán sỏi này không xâm lấn, an toàn, hạn chế tối đa biến chứng sau phẫu thuật.
Tán sỏi qua da
Tán sỏi qua da hay tán sỏi qua da đường hầm nhỏ là kỹ thuật thông qua vết rạch 5mm, bác sĩ luồn ống nội soi và dây laser tán vỡ sỏi rồi hút vụn sỏi ra ngoài.
Phương pháp này được áp dụng với các trường hợp như sau:
– Sỏi niệu quản kích thước: 0.6cm – 2.5cm.
– Sỏi niệu quản nhỏ hơn 0.5 cm, nhưng điều trị nội khoa 1 tuần không hiệu quả.
– Sỏi không di chuyển vị trí thấp hơn; sỏi ở trên vị trí hẹp niệu quản hoặc trên polyp.
– Sỏi niệu quản trên vị trí sa lồi niệu quản
Ưu điểm:
– Giải pháp thay thế hoàn hảo bậc nhất so với các giải pháp truyền thống
– Hạn chế xâm lấn, ít đau đớn với vết rạch siêu nhỏ chỉ 5mm
– Tỉ lệ sạch sỏi cao
Tán sỏi nội soi lội ngược dòng
Đây là phương pháp áp dụng được cho tất cả sỏi niệu quản ở mọi vị trí, mọi kích thước. Kỹ thuật này luồn dây laser và ống nội soi vào theo hướng ngược chiều với đường ra của nước tiểu, từ niệu đạo đi ngược lên vị trí có viên sỏi.
Ưu điểm:
– Tán được hầu hết mọi loại sỏi
– Tỉ lệ điều trị sạch sỏi cao
– Thời gian điều trị nhanh chóng, từ 30 phút đến 45 phút.
– Rút ngắn thời gian lưu viện.
– Hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải biến chứng.
3.3 Phương pháp điều trị sỏi niệu quản bằng thuốc
Bệnh nhân có sỏi niệu quản nhưng kích thước nhỏ và khả năng đào thải ra ngoài cao sẽ được chỉ định sử dụng thuốc để sỏi tự đào thải ra ngoài. Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê đơn như: thuốc giảm đau, tiêu sỏi, giãn cơ trơn…
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để hỗ trợ sỏi đào thải nhanh hơn và tránh tái phát sỏi về sau.