Ung thư tuyến giáp thể nang xảy ra ở tuyến giáp, nơi tạo ra các hormone kiểm soát quá trình trao đổi chất. Đây là loại ung thư tuyến giáp có khả năng điều trị cao và thường được chữa khỏi. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết đặc điểm của bệnh, mức độ ảnh hưởng, chẩn đoán, và điều trị bệnh như thế nào trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Đặc điểm của ung thư tuyến giáp ở thể nang
1.1 Đặc điểm chung của ung thư tuyến giáp ở thể nang
Tuyến giáp của bạn là một tuyến ở cổ và là một phần của hệ thống nội tiết. Nó tạo ra các hormone giúp kiểm soát quá trình trao đổi chất và lượng canxi trong máu của bạn. Khi các tế bào trong tuyến giáp của bạn phát triển theo cách mất kiểm soát, ung thư tuyến giáp có thể phát triển.
Ung thư tuyến giáp (K tuyến giáp) thể nang là một trong số các loại của ung thư tuyến giáp có độ phổ biến đứng thứ 2, chiếm khoảng 10-15% trong tất cả các bệnh ung thư tuyến giáp.
1.2 Đặc điểm khác nhau của ung thư tuyến giáp dạng thể nang so với thể nhú, thể tủy
Theo nghiên cứu kiểm tra các tế bào ung thư dưới kính hiển vi để chẩn đoán loại ung thư tuyến giáp cụ thể, đã chỉ ra rằng ung thư tuyến giáp được phân chia thành:
– Biệt hóa tốt: Những khối u ác tính ở tuyến giáp có thể được điều trị và khả năng chữa khỏi cao. Ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang là những loại ung thư biệt hóa tốt.
– Không biệt hóa: Những khối u này khó điều trị hơn. Ung thư tuyến giáp không biệt hóa cũng là loại hiếm gặp, tỷ lệ người mắc dạng bệnh này ít hơn so với thể biệt hóa, và đây cũng là loại ung thư tuyến giáp có mức độ ác tính cao.
Vậy đâu là sự khác biệt giữa K tuyến giáp thể nang và thể nhú?
Hai loại bệnh này khá giống nhau bởi cả hai đều bắt nguồn từ các tế bào nang của tuyến giáp. Ở thể nhú, bệnh có nhiều khả năng lan đến các hạch bạch huyết của bạn hơn so với dạng thể nang. Mức độ phổ biến của thể nhú cũng cao hơn thể nang.
Sự khác biệt giữa K tuyến giáp thể nang và thể tủy?
K tuyến giáp thể tủy là khối u thần kinh nội tiết, xảy ra ở các tế bào C của tuyến giáp và thường di truyền trong gia đình. Các tế bào C tuyến giáp tạo ra Calcitonin – một chất điều chỉnh nồng độ canxi trong máu. K tuyến giáp thể tủy có mức độ ác tính cao hơn và kém biệt hóa hơn so với K tuyến giáp thể nang.
2. Bệnh K tuyến giáp thể nang gây ảnh hưởng như thế nào?
Ung thư tuyến giáp thể nang có thể gây ra một khối u hoặc cơn đau ở vùng cổ của bạn. Nếu được chẩn đoán ung thư sớm, cơ hội điều trị khỏi bệnh của bạn là có khả năng cao. Ngược lại nếu không điều trị kịp thời, ung thư có thể lan rộng đến các bộ phận khác của cơ thể. Đối với K tuyến giáp thể nang giai đoạn di căn, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn.
Việc nhận biết bệnh thông qua các triệu chứng, dấu hiệu có thể khó xác định bởi K tuyến giáp thể nang có thể không có bất kỳ triệu chứng nào tùy vào mỗi người bệnh. Nhưng bạn có thể chú ý những dấu hiệu như sau:
– Xuất hiện khối u ở cổ của bạn
– Đau tai, đau hàm hoặc đau cổ
– Khàn giọng (khó nói)
– Sưng hạch bạch huyết ở cổ
– Khó thở, khó nuốt.
3. Chẩn đoán xác định K tuyến giáp thể nang
Để xác định người bệnh mắc K tuyến giáp thể nang, các bác sĩ có thể nhận thấy một khối u ở cổ trong quá trình khám lâm sàng cho bạn. Bác sĩ cũng sẽ xác định được khối u nhỏ thông qua quá trình thực hiện những chẩn đoán hình ảnh như: Chụp CT, MRI, siêu âm, chụp X-quang.
Thông qua những xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh phía trên, người bệnh có thể được tìm thấy khối u tuyến giáp. Tuy nhiên, nhiều khối u không phải là ung thư, hoặc có những khối u được nghi ngờ là ung thư. Lúc này bệnh nhân có thể được đề nghị sinh thiết bằng kim nhỏ để kiểm tra chất lỏng từ khối u dưới kính hiển vi để tìm tế bào ác tính.
4. Điều trị K tuyến giáp thể nang như thế nào?
Hầu hết các trường hợp bệnh nhân mắc K tuyến giáp thể nang đều được điều trị bằng phẫu thuật thông qua các hình thức cắt bỏ như:
– Một phần của tuyến giáp có chứa khối u (cắt bỏ thùy giáp)
– Toàn bộ tuyến giáp.
– Các hạch bạch huyết gần đó nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận.
Bên cạnh phương pháp điều trị chính là phẫu thuật triệt căn thì tùy thuộc vào giai đoạn ung thư đang phát triển, nếu ung thư tuyến giáp thể nang đã lan sang các cơ quan khác, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bổ trợ sau phẫu thuật bằng:
– Hóa trị
– Xạ trị
– Liệu pháp i-ốt phóng xạ
– Liệu pháp nhắm mục tiêu
– Liệu pháp hormone tuyến giáp.
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình điều trị K tuyến giáp thể nang, bệnh nhân sẽ được kiểm tra các phản ứng, mức độ đáp ứng của phương pháp điều trị đối với sức khỏe của bạn. Trong trường hợp bệnh nhân thực hiện cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, bạn sẽ cần sử dụng thuốc thay thế hormone tuyến giáp để duy trì sức khỏe, chức năng hoạt động.
5. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh ung thư tuyến giáp dạng thể nang
Không có cách nào có thể phòng tránh tuyệt đối căn bệnh này, tuy nhiên bạn có thể chủ động giảm nguy cơ mắc căn bệnh này bằng những cách sau:
– Nếu cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường như: Giảm cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, nổi hạch cổ… bạn nên nhanh chóng đi thăm khám và kiểm tra sớm.
– Tự kiểm tra vùng cổ thường xuyên để xem có vấn đề gì bất thường hay không.
– Sử dụng chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh, ưu tiên bổ sung rau xanh, củ quả, ăn đủ lượng i-ốt cho cơ thể, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, hạn chế tối đa rượu bia…
– Trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động nếu bạn làm việc trong môi trường hóa chất độc hại.
– Thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bất thường trong cơ thể. Đặc biệt cần chú ý đối với những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý ung thư tuyến giáp cần chú ý hơn vấn đề này.