Đến năm 2020, Việt Nam ghi nhận hơn 182.500 ca mới, 122.690 ca tử vong trên tổng số 97,3 triệu dân và ung thư dạ dày là 1 trong 5 loại ung thư có tỉ lệ mắc cao nhất. Việc tầm soát ung thư dạ dày được cho là việc làm cần thiết để điều trị bệnh dự phòng và mang lại hiệu quả, cơ hội sống sót cao cho người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Ung thư dạ dày là gì?
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO năm 2020, ung thư dạ dày chiếm 9.8% trong nhóm các loại ung thư mắc cao nhất ở Việt Nam. Đa phần các ca tử vong đều do nguyên nhân phát hiện muộn và không được điều trị kịp thời.
Ung thư dạ dày là tổn thương ác tính phát triển tại các lớp của thành dạ dày. Khi các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường đột biến và tăng sinh không kiểm soát, xâm lấn ở các mô gần hoặc di căn qua hệ thống bạch huyết thì đó chính là hiện tượng ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả chữa khỏi bệnh và thành công có thể lên đến 90%. Ung thư dạ dày ở giai đoạn phát triển đầu thường không có biểu hiện rõ rệt, nhưng bạn nên chú ý những dấu hiệu bất thường của cơ thể và không nên coi thường để kịp thời chữa trị.
Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của bệnh.
- Sụt cân thất thường
- Bụng đau trướng, đặc biệt là vùng trên rốn
- Cơ thể mệt mỏi, mất ngủ, căng thẳng
- Chán ăn hoặc cảm giác đầy bụng, khó tiêu
- Cảm giác buồn nôn, nôn ra máu
- Đi ngoài phân đen, ra máu
- Sờ thấy có u ở bụng
Nếu thấy cơ thể có dấu hiệu trên, bạn nên lập tức đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện để kiểm tra và sàng lọc cơ thể, tránh ủ bệnh lâu dài và gây ra những biến chứng khó lường.
2. Tại sao nên tầm soát ung thư dạ dày?
Tầm soát ung thư dạ dày là phương pháp hiệu quả, có khả năng điều trị bệnh thành công cao, giúp bệnh nhân phát hiện sớm dấu hiệu bệnh ngay ở giai đoạn đầu phát triển và ngăn ngừa yếu tố ung thư tấn công cơ thể.
2.1. Thế nào là tầm soát ung thư dạ dày?
Tầm soát và sàng lọc ung thư dạ dày là phương pháp sử dụng tiến bộ y tế vào hỗ trợ kiểm tra, đánh giá chức năng tiêu hóa của cơ thể, sàng lọc và phát hiện tổn thương trong hệ tiêu hóa – dạ dày, từ đó đưa ra những biện pháp ngăn ngừa chúng phát triển thành tế bào ung thư và điều trị kịp thời, loại bỏ nguy cơ ung thư ác tính.
Sàng lọc ung thư dạ dày được xem là phương pháp điều trị ung thư phổ biến hiện nay, được các chuyên gia y tế và bác sĩ áp dụng và được nhiều người tin tưởng, lựa chọn. Đây được xem là phương pháp mang lại cơ hội khả năng khỏi bệnh hiệu quả, tỷ lệ sống cao trên 5 năm.
2.2. Mục đích tầm soát ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao ở nước ta, chỉ xếp sau ung thư phổi và ung thư gan. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và có những biện pháp điều trị, phòng ngừa kịp thời, người bệnh sẽ có khả năng chữa trị thành công và cơ hội sống sót cao hơn.
Theo các chuyên gia y tế, tầm soát ung thư dạ dày là việc làm vô cùng quan trọng. Khi các tế bào ung thư mới bắt đầu phát triển, việc điều trị sớm sẽ làm tăng khả năng khỏi bệnh lên đến 90% vì chúng chưa kịp tấn công sâu vào thành lớp dạ dày và dễ dàng loại bỏ. Ngược lại, nếu phát hiện bệnh muộn, các tế bào ung thư đã xâm lấn ra ngoài hệ tiêu hóa và di căn sang các cơ quan chức năng khác, tỷ lệ chữa khỏi bệnh khi ấy chỉ còn 10%.
Bên cạnh đó, tầm soát ung thư sớm còn giúp tiết kiệm chi phí điều trị. Việc điều trị sớm giúp giảm thiểu tối đa chi phí thuốc thang và quá trình thăm khám. Đặc biệt, còn đem lại lợi ích tích cực tới tâm lý người bệnh bởi người mắc bệnh sẽ thoải mái hơn, suy nghĩ tích cực và tăng khả năng cải thiện bệnh nhanh chóng nếu được phát hiện và hỗ trợ kịp thời.
3. Quy trình tầm soát ung thư dạ dày
Hiện nay, với sự tiến bộ vượt trội về khoa học – y tế, việc phát hiện sớm và sàng lọc tế bào ung thư đã trở nên dễ dàng hơn nhờ phương pháp nội soi NBI – dải ánh sáng hẹp, phóng đại cho ra được hình ảnh chân thật nhất.
Dưới đây là quy trình sàng lọc bệnh ung thư dạ dày được sử dụng phổ biến hiện nay:
Bước 1: Khám lâm sàng
Đây là bước khám đầu tiên trong quy trình tầm soát ung thư. Bước khám này giúp kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe chung và phát hiện dấu hiệu bệnh. Ở đây, bác sĩ sẽ hỏi thông tin về độ tuổi, bệnh sử cá nhân và gia đình, các triệu chứng nghi ngờ mắc gần đây để đánh giá nguy cơ mắc bệnh.
Bước 2: Sử dụng phương pháp nội soi dạ dày NBI
Phương pháp sử dụng tần ánh sáng dải hẹp nội soi NBI là phương pháp hiệu quả nhất và được sử dụng phổ biến rộng rãi nhất hiện nay trong tầm soát ung thư dạ dày.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi để đưa vào thực quản xuống dạ dày để quan sát tình trạng bên trong. Bước khám này giúp các bác sĩ dễ dàng quan sát và đánh giá các thương tổn trong dạ dày như viêm loét, polyp…, các thay đổi niêm mạc dạ dày, qua đó cho phép chẩn đoán ung thư tại chỗ hay xâm lấn.
Bên cạnh đó, nội soi còn giúp đánh giá tình trạng có hay không nhiễm Helicobacter Pylori, một trong số những yếu tố gây ung thư dạ dày, hỗ trợ điều trị dự phòng.
Vai trò của nội soi chủ yếu là phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư bên trong thành dạ dày, từ đó ngăn chặn phát triển thành tế bào ung thư.
Hiện nay, có 2 phương pháp nội soi được các cơ sở y tế thường sử dụng trong sàng lọc ung thư dạ dày đó là: nội soi qua miệng gây mê hoặc không gây mê và nội soi qua mũi.
Bước 3: Chụp cắt lớp vi tính CT
Đây là phương pháp bác sĩ chẩn đoán ung thư dựa trên các hình ảnh để đánh giá tình trạng tổn thương của dạ dày, và sự xâm lấn của tế bào ung thư hoặc khối u đến các bộ phận xung quanh.
Bước 4: Sinh thiết
Sinh thiết được thực hiện trong quá trình nội soi, ở nơi có tổn thương niêm mạc dạ dày. Sinh thiết là bước khám cần làm để chẩn đoán khối u lành tính hay ác tính.
Hy vọng bài viết trên mang lại cho quý vị thông tin hữu ích về cách sàng lọc và phòng chống ung thư dạ dày.