Niêm mạc miệng bị khô là nguyên nhân chính gây ra tình trạng khô miệng. Không chỉ gây ra rất nhiều phiền phức cho người bệnh, khô niêm mạc miệng còn có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý của con người. Do đó, hiểu được nguyên nhân và các biện pháp khắc phục hiện tượng này là vô cùng cần thiết.
Menu xem nhanh:
1. Làm thế nào để biết niêm mạc miệng bị khô hay không?
1.1. Niêm mạc miệng là gì?
Thành trong của tất các bộ phận thuộc hệ thống hô hấp, tiêu hóa hay sinh dục… đều được che phủ bởi một lớp màng mỏng, màu hồng nhạt, có tên là niêm mạc, hay còn gọi là màng nhầy. Niêm mạc miệng chính là lớp màng bao phủ toàn bộ khoang miệng, trong đó gồm có môi, má, lưỡi và vòm hầu.
Đây là một lớp lót có xuất xứ chủ yếu là nội bì, bao gồm một biểu mô và một màng mô liên kết. Lớp màng này có vai trò ngăn chặn tối đa sự tấn công của vi trùng, vi khuẩn hoặc những tác hại từ dịch tiết cơ thể.
1.2. Nhận biết hiện tượng niêm mạc miệng bị khô
Bị khô niêm mạc miệng sẽ dẫn đến khô miệng. Tuy đây chỉ là một triệu chứng, không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng cũng gây ra rất nhiều ảnh hưởng. Trong thực tế, có đến 10% dân số Thế giới mắc chứng khô miệng và 70% trong số đó gặp phải nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Để nhận biết hiện tượng khô niêm mạc miệng, người bệnh có thể dựa vào một số yếu tố sau:
– Thường xuyên thấy khó chịu ở miệng.
– Thi thoảng có cảm giác nóng rát trong miệng.
– Có dấu hiệu suy giảm hoặc mất vị giác.
– Nhai, nuốt hay phát âm đều gặp khó khăn.
– Thường xuyên mắc các bệnh nha chu hoặc dễ bị sâu răng.
– Niêm mạc có các vết nứt (đặc biệt là môi), gây chảy máu.
1. 3. Niêm mạc miệng bị khô gây ra những ảnh hưởng gì
Khô miệng là tình trạng phổ biến, không gây đau nhức nên nhiều người thường chủ quan, để bệnh tự khỏi. Tuy nhiên, hiện tượng khô niêm mạc miệng gây ra rất nhiều ảnh hưởng:
– Nước bọt là chất xúc tác giúp con người cảm nhận mùi vị của thức ăn. Thiếu nước bọt, vị giác của người bệnh sẽ bị suy giảm hoặc mất đi, khiến cho mỗi bữa ăn không còn ngon miệng.
– Nước bọt giúp làm sạch thức ăn thừa sau mỗi bữa ăn, hạn chế khô miệng, đồng thời bảo vệ men răng khỏi các acid có hại trong thức ăn. Do đó, người bị khô miệng thường dễ bị hôi miệng.
– Trong nước bọt chứa rất nhiều thành phần giúp chống lại vi khuẩn gây bệnh răng miệng như viêm răng, viêm nha chu, sâu răng… Vì vậy, khô miệng sẽ khiến vi khuẩn có điều kiện tấn công, gây nên các bệnh lý răng miệng.
2. Các nguyên nhân gây khô niêm mạc miệng
Nguyên nhân chính khiến tình trạng khô miệng xảy ra là do thiếu nước bọt. Các tuyến nước bọt trong khoang miệng có vai trò tiết nước bọt để giữ ẩm cho miệng. Một số nguyên nhân gây giảm tiết nước bọt bao gồm:
2.1. Nguyên nhân tiên phát
– Tuy hiếm gặp nhưng vẫn là thiếu khuyết tuyến nước bọt cũng là một trong những nguyên nhân gây giảm tiết nước bọt.
– Nhiễm trùng tuyến nước bọt, chủ yếu là do ảnh hưởng từ các bệnh (quai bị), vi trùng, nấm miệng…
– Bệnh lý tuyến nước bọt tự miễn khiến các mô tuyến nước bọt bị phá hủy, gây hạn chế hiệu quả của các tuyến nước bọt.
– Một số bệnh nhân khi xạ trị để điều trị ung thư (các khối u ở vùng đầu và cổ) có thể bị teo tuyến nước bọt.
– Do có sỏi hoặc u ở tuyến nước bọt.
2.2. Các nguyên nhân thứ phát
– Cơ thể mất nước: Tiêu chảy, tiểu tiện nhiều, xuất huyết, đổ mồ hôi nhiều, tiểu đường, hội chứng tăng urê máu, suy tim…
– Sử dụng một số loại thuốc gây khô miệng: Thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng sinh, thuốc an thần, thuốc lợi tiểu, thuốc hạ huyết áp, thuốc trị đau đầu, thuốc chống nôn, thuốc giảm co thắt hoặc thuốc trị bệnh parkinson…
– Bệnh thiếu máu ác tính hay thiếu máu thiếu sắt cũng gây giảm tiết nước bọt.
– Những người thường xuyên căng thẳng, lo âu dẫn đến trầm cảm, rối loạn nội tiết, thiếu chất hay cấy ghép tủy xương… cũng có nguy cơ bị khô miệng cao hơn người bình thường.
3. Làm thế nào để kiểm soát chứng khô niêm mạc miệng?
Khi nhận thấy có các dấu hiệu của khô miệng, bạn nên chú ý một số lời khuyên dưới đây:
– Vệ sinh răng miệng đúng cách: Đánh răng 2 lần/ ngày bằng kem đánh răng có chứa fluoride bằng bàn chải có lông mềm. Lưu ý đánh răng theo chiều dọc lên xuống, không nên đánh răng theo chiều ngang.
– Tuyệt đối không sử dụng nước súc miệng có cồn vì chúng làm tăng nguy cơ khô niêm mạc miệng.
– Massage xương hàm: Xoa bóp nhẹ nhàng phần má bên ngoài xương hàm mỗi ngày để kích thích tuyến nước bọt hoạt động hiệu quả.
– Hạn chế tối đa các loại thức ăn nhiều đường, nên uống càng nhiều nước càng tốt, đặc biệt là sau mỗi bữa ăn.
– Nhai kẹo cao su để kích thích tuyến nước bọt hoạt động. Lưu ý chọn các loại kẹo cao su không đường để hạn chế gây hại cho răng.
– Dừng hút thuốc lá và sử dụng các đồ uống chứa cồn hoặc caffeine.
– Uống nhiều nước, đặc biệt nên uống từng ngụm nhỏ hoặc ngậm một ngụm nước trong một thời gian để giữ ẩm cho miệng.
– Hạn chế sử dụng một số loại thuốc có tác dụng phụ gây khô miệng.
– Sử dụng thêm máy cấp ẩm cho không khí ban đêm để cơ thể được hít thởi độ ẩm khi ngủ.
– Thăm khám nha khoa định kỳ 2 lần mỗi năm hoặc ngay khi để lấy cao răng, làm sạch răng chuyên sâu và kiểm tra tình trạng sức khỏe răng miệng. Nếu phát hiện bất cứ bệnh lý nào, nha sĩ sẽ kịp thời tư vấn điều trị cho bạn.
Có thể nói, niêm mạc miệng bị khô không quá nguy hiểm nhưng nếu để lâu, hiện tượng này sẽ gây ra nhiều phiền phức và trở thành tiền đề của một số bệnh nha khoa. Trên đây là một số nguyên nhân, cũng như một số biện pháp giúp chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục hiện tượng này.
Nếu thấy dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng, hãy mau chóng tới gặp nha sĩ để được hỗ trợ và điều trị kịp thời, tránh để lâu gây ra nhiều biến chứng đáng tiếc.