Viêm niêm mạc má: Nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Đỗ Thị Tú Anh

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt

Viêm niêm mạc má là một loại bệnh lý răng miệng gây nên bởi nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan. Không những khiến người bệnh đau đớn khi ăn uống, nói chuyện mà cả khi nuốt nước bọt cũng gây cảm giác xót, khó chịu, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Rất may, viêm loét niêm mạc không phải là tình trạng bệnh quá nghiêm trọng và có thể điều trị bằng các phương pháp chăm sóc đơn giản bên ngoài và từ bên trong.

1. Viêm niêm mạc má là bệnh gì?

1.1 Bản chất viêm niêm mạc má

viêm niêm mạc má

Vùng niêm mạc má bị tổn hương và nhiễm trùng sẽ dẫn đến tình trạng viêm

Trước hết chúng ta cần biết niêm mạc miệng là lớp mô mềm bao phủ toàn bộ khoang miệng và lưỡi. Các mô mềm này rất dễ bị tổn thương khi có tác động vật lý nhỏ hoặc bị các tác nhân gây bệnh viêm nhiễm tấn công.

Viêm niêm mạc má nói riêng và viêm loét niêm mạc miệng nói chung là thuật ngữ mô tả tình trạng niêm mạc vùng miệng bao gồm nướu, lưỡi, má, môi và cụ thể ở đây là vùng má bị tác nhân nào đó gây tổn thương và ngăn ngừa sự sinh sản của các tế bào niêm mạc. Điều này khiến cho các tế bào gặp khó khăn khi thực hiện chức năng tự phục hồi và bảo vệ bên trong miệng khỏi vi khuẩn. Kết quả là, cơ thể sẽ tự tạo ra phản ứng viêm để bảo vệ mình.

Khi các vết tổn thương hở bị vi khuẩn tấn công nhiều dần sẽ dẫn đến tình trạng lâu lành và loét sâu hơn, thậm chí còn xuất hiện mủ trắng. Viêm loét tại niêm mạc tại vùng má thường dễ tái phát bất chợt không theo chu kỳ, gây cảm giác đau, xót, khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1.2 Biểu hiện của viêm niêm mạc má

Viêm loét niêm mạc má là khi xuất hiện vết lở loét hoặc đốm đỏ, trầy trong khoang miệng, tại ví trí vùng má với hình dạng tròn hoặc oval. Các vết này có thể chỉ là 1 hoặc nhiều vết phân bố tập trung hoặc rời rạc xung quanh niêm mạc má với mức độ ảnh hưởng khác nhau và kích thước khác nhau.

– Loét dạng aphthe nhỏ rất thường gặp và biểu hiện điển hình là một hoặc nhiều vết loét có đường kính <1cm, nông, nằm rời rạc hoặc nằm thành đám, có thể tự lành trong 7-14 ngày và không để lại sẹo.
– Loét dạng aphthe lớn (bệnh Sutton) với các vết tôn thương có kích thước >1cm, lâu lành, có khi kéo dài nhiều tuần và để lại sẹo do hoại tử lan rộng.
– Loét dạng Herpes: Số lượng vết loét rất nhiều từ 10-100 vết, tụ thành từng chùm, khởi điểm là nhiều vết loét nhỏ kết hợp lại thành mảng loét lớn, thời gian lành trong khoảng 7-30 ngày.

Các vết loét này thường có màu đỏ ở viền vết thương, trung tâm vết có mảng màu vàng, trắng, khiến bệnh nhân đau nhiều trong 2-3 ngày đầu rôi sau đó giảm dần.

viêm niêm mạc má

Viêm niêm mạc má biểu hiện ở nhiều hình thái khác nhau

Ngoài ra có những dấu hiệu và triệu chứng sau thường được xác nhận khi sắp hoặc đang bị viêm loét niêm mạc: vùng má sưng, nóng, tấy đỏ và đau; nếu có vết loét thì sẽ thường gây ra cảm giác đau, xót, khó chịu khi nuốt, nhất là khi ăn uống, nói chuyện cọ vào. Bên cạnh đó, khi vết loét viêm nhiễm nặng, người bệnh sẽ có hiện tượng sốt cao, đôi khí mọc hạch ở góc hàm.

2. Nguyên nhân gây viêm niêm mạc má

– Do bỏng nhiệt khi ăn uống thức ăn quá nóng, tổn thương do nguyên nhân này hay gặp ở má và vòm miệng, do tác động vật lý như cắn phải má khi ăn, té ngã, bị va vào vùng má hoăc do rủi ro nhỏ khi các thủ thuật nha khoa như khoan trám răng, hàn răng, răng bị mẻ,…

– Đang xạ trị các loại ung thư vùng đầu cổ cũng có thể gây viêm niêm mạc má do tác dụng phụ của thuốc.

– Do tác động của các chất hóa học như sử dụng nước súc miệng quá đậm đặc, dùng nhiều kem đánh răng nhưng không súc miệng kỹ,..

– Nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây viêm niêm mạc má, thường gặp ở người suy giảm miễn dịch, người suy nhược cơ thể, hút thuốc và vệ sinh kém.

– Nhiễm virus Herpes với sự xuất hiện của mụn nước. Mụn nước vỡ ra khiến tổn thương lan rộng rồi tạo thành vết loét.

–  Do Varicella zoster virus(VZV) trong bệnh thủy đậu, gây mụn nước ở niêm mạc miệng, tạo thành vét loét khi vỡ.

– Rubella: gây ra bệnh sởi, dấu hiệu là dát hồng ban ở niêm mạc má, trung tâm vết thương trắng, thường xuất hiện 1-2 ngày trước khi có triệu chứng toàn thân.

Ngoài ra còn có các yếu tố khác gây viêm loét miệng khác như: cơ thể hiếu các loại vitamin: C, B6, B12, PP; ảnh hưởng của nội tiết tố; do cơ thể thiếu sắt; do bệnh tự miễn…

3. Các biện pháp cải thiện tình trạng viêm loét niêm mạc má

Điều trị viêm loét trong miệng chủ yếu là tập trung giảm đau vì đau là triệu chứng khiến bệnh nhân khó chịu nhất. Viêm loét niêm mạc không phải là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng và có thể điều trị bằng các phương pháp chăm sóc đơn giản bên ngoài và từ bên trong. Đa số các trường hợp bệnh không cần điều trị mà sẽ tự khỏi sau 7 – 14 ngày.

3.1 Sử dụng thuốc

Viêm loét niêm mạc miệng thông thường có thể tự khỏi mà không cần thăm khám bác sĩ. Tuy nhiên khi có các biểu hiện như vết loét xuất hiện với số lượng nhiều, phát triển lớn hơn một cách bất thường, vết loét kéo dài trên 3 tuần thì người bệnh nên gặp bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị bệnh chính xác, tránh bỏ sót bệnh.

viêm niêm mạc miệng

Nếu tình trạng viêm loét kéo dài, bạn sẽ cần uống thuốc theo đơn của bác sĩ

Đối với những trường hợp cần thiết như vậy, bác sĩ có thể sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng như: thuốc hạ sốt; thuốc giảm đau, sát khuẩn khoang miệng bằng các dung dịch: orabase, zilactin…, hoặc giảm đau tại chỗ với thuốc tê lidocain. Nếu tình trạng nhiễm khuẩn nặng hoặc nguyên nhân do virus, các thuốc kháng viêm, thuốc kháng virut và kháng sinh sẽ được chỉ định.

3.2 Thay đổi cách chăm sóc răng miệng

Khi má có các vết viêm loét, việc vệ sinh răng miệng sẽ khó răng hơn và gây đau đớn khi chẳng may tác động đến. Vì vậy để chăm sóc răng miệng trong thời gian này và phòng ngừa niêm mạc miệng bị tổn thương trong tương lai, hãy lựa chọn loại bàn chải đánh răng có lông mềm, đầu tròn và đánh răng một cách nhẹ nhàng, từ tốn.

Đắc biệt, có thể sử dụng những loại kem đánh răng, nước súc miệng dịu nhẹ, có chứa các thành phần giúp làm dịu sưng viêm và nếu có thể, nên tránh chải răng ở những vị trí đụng vào vết thương.

3.3 Xây dựng chế độ ăn phù hợp

Đối với trường hợp viêm loét niêm mạc miệng do dị ứng thức ăn, người bệnh cần xác định chính xác loại thức ăn đã gây dị ứng để hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn thực phẩm đó ra khỏi chế độ ăn hàng ngày.

Ngoài ra những người hay bị viêm loét má cần ăn uống đủ lành mạnh, đủ chất, nhất là các loại thức ăn chứa nhiều vitamin C, PP, B6, B12 để phòng viêm loét niêm mạc miệng do thiếu các loại vitamin này.

Bện cạnh đó, không quên ngưng uống rượu bia, bỏ hút thuốc lá, không ăn thức ăn có vị mạnh như cay, mặn, chua, chát, nóng. Khi  vết loét bị đau nhiều, người bệnh nên dùng ống hút để uống nước, nhưng không uống nước nóng mà nên sử dụng nước mát để giảm sưng viêm.

Viêm niêm mạc má không phải là bệnh lsy gây nguy hiểm hay biến chứng nghiêm trọng nhưng lại rất phiền hà và bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày đối với người mắc. Chính vì vậy, xác định được nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn có phương pháp điều trị thích hợp để rút ngắn thời gian lành bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital