Bệnh loét niêm mạc miệng: những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Đỗ Thị Tú Anh

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt

Bệnh loét niêm mạc miệng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và không phải bệnh gây nguy hại đến tính mạng của người bệnh. Nếu tình trạng bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì các vết loét nhanh chóng lành lại và không gây khó khăn cho người bệnh. Tuy nhiên nếu không điều trị dứt điểm thì bệnh có xu hướng tái phát nhiều lần, suy giảm sức khỏe của người bệnh và càng ngày càng khó chữa hơn.

1. Tổng quan về bệnh niêm mạc miệng viêm loét

Niêm mạc miệng là lớp bao phủ quanh khoang miệng và lưỡi. Lớp niêm mạc bị vi khuẩn xâm nhập sẽ gây hiện tượng viêm nhiễm, tổn thương, có thể có mủ hoặc không có mủ. Người bị bệnh sẽ thường xuyên có cảm giác đau đớn và gặp nhiều khó khăn trong quá trình giao tiếp, ăn uống.

Bệnh loét niêm mạc miệng là hiện tượng lớp bao phủ quanh khoang miệng và lưỡi bị vi khuẩn tấn công gây ra hiện tượng nhiễm trùng, viêm loét rất đau đớn

Bệnh loét niêm mạc miệng là hiện tượng lớp bao phủ quanh khoang miệng và lưỡi bị vi khuẩn tấn công gây ra hiện tượng nhiễm trùng, viêm loét rất đau đớn

1.1 Nguyên nhân gây ra bệnh loét niêm mạc miệng

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra bệnh viêm loét niêm mạc miệng, tuy nhiên thường có 4 nhóm chính sau:

– Bị nhiễm khuẩn vùng miệng: đây là nguyên nhân phổ biến nhất do niêm mạc miệng bị nhiều loại vi khuẩn tấn công dẫn đến viêm loét lợi răng, thậm chí hoại tử cấp tính quanh ổ răng. Hiện tượng này thường xảy ra ở người thiếu dinh dưỡng, có hệ miễn dịch bị suy giảm, người bị suy nhược cơ thể, hoặc hút thuốc nhiều, vệ sinh răng miệng không đảm bảo.

– Bị chấn thương: các chấn thương mà người bệnh có thể dễ dàng gặp phải trong sinh hoạt hàng ngày chẳng hạn như bỏng nhiệt do ăn thức ăn quá nóng, bị vấp, ngã, bị que kem, bút viết, hoặc vật sắc nhọn đâm vào miệng lưỡi hoặc gặp tổn thương ở vòm miệng, vùng cung răng hàm trên. Bên cạnh đó, các thủ thuật trong nha khoa ví dụ như khoan trám răng, hàn răng, nhổ răng,… cũng được xem là những tác động gây nên bệnh niêm mạc miệng.

– Bị tác động bởi các chất hoá học: các chất này thường có trong kem đánh răng, nước súc miệng,… Nếu không súc miệng kỹ, vệ sinh sạch sẽ những chất này rất dễ bám lại ở niêm mạc miệng và gây ra viêm loét.

– Nhiễm virus: loại virus phổ biến gây ra bệnh niêm mạc miệng là virus Herpes. Khi bị nhiễm virus này người bệnh thường có triệu chứng là xuất hiện mụn nước ở các vùng môi, niêm mạc miệng, thậm chí bị nổi hạch. Ngoài ra còn có virus Varicella zoster (VZV) thường gặp trong bệnh thủy đậu, có khả năng gây phát ban ở da, vòm miệng, má, lưỡi, khi vỡ sẽ tạo vết loét. Không chỉ có vậy, các loại virus khác như Coxsackie (bệnh tay chân miệng), Rubella (bệnh sởi),… đều được xem là tác nhân gây ra vết loét ở vùng niêm mạc miệng.

– Ngoài ra còn có các yếu tố khách quan khác gây bệnh niêm mạc miệng có thể kể đến như: nội tiết tố thay đổi, dị ứng các thành phần có trong thuốc chữa bệnh, thức ăn, thiếu vitamin…

1.2 Triệu chứng nào hay gặp của bệnh là gì?

Khi bị bệnh niêm mạc miệng người bệnh thường trải qua các giai đoạn với những triệu chứng cụ thể sau:

– Giai đoạn khởi phát: vùng niêm mạc miệng sẽ xuất hiện các đốm nhỏ có đường kính khoảng 1 – 2mm, màu đỏ hồng. Số lượng các đốm nhỏ sẽ tăng lên dần dần. Khi đó, người bệnh bắt đầu cảm thấy khó chịu, đau nhẹ. Sau đó các nốt này có xu hướng loét ra, gồ lên bề mặt niêm mạc miệng, bên trong sẽ có đốm trắng nhợt chứa dịch tiết.

Khi bị viêm loét niêm mạc miệng, người bệnh người bệnh thường cảm thấy khó chịu, đau trong khoang miệng

Khi bị viêm loét niêm mạc miệng, người bệnh người bệnh thường cảm thấy khó chịu, đau trong khoang miệng

– Giai đoạn tiến triển: các nốt này bắt đầu lan rộng và phát triển to hơn với đường kính từ 2 – 3mm. Giai đoạn này thường kéo dài từ 5 – 7 ngày, có khi nhiều hơn nếu không có phương pháp điều trị.

1.3 Bệnh loét niêm mạc miệng có hệ luỵ như thế nào?

Nhiều người bệnh có tâm lý coi thường bệnh tuy nhiên lại không biết biến chứng bệnh niêm mạc miệng để lại không nhỏ chút nào.

– Tác động trực tiếp đến cả thể chất và tinh thần người bệnh: người bệnh thường xuyên đối mặt với cơn đau, người mệt mỏi, ăn uống và giao tiếp hàng ngày bị cản trở, khó khăn.

– Gây ra tình trạng viêm niêm mạc miệng cấp: nếu các vết loét tồn tại quá lâu mà người bệnh không có cách điều trị, không có ý thức ăn uống kiêng khem, tránh gây tổn thương đến vết loét thì nguy cơ bị viêm niêm mạc miệng mạn tính là rất cao.

– Bị bội nhiễm, nhiễm trùng nặng nề: khi bệnh không được điều trị đúng cách thì tình trạng bội nhiễm, nhiễm trùng nặng là không tránh khỏi. Từ đây nhanh chóng dẫn đến áp xe toàn bộ khoang miệng, các vết loét sẽ nhanh chóng lan ra các vùng  lưỡi, má hàm, làm cơ thể bị suy nhược nhanh chóng.

2. Phương pháp giúp “đẩy lùi” bệnh loét niêm mạc miệng

Các bác sĩ chuyên khoa đã yêu cầu người bị viêm loét niêm mạc miệng cần thực hiện nghiêm túc các quy tắc sau nhằm giảm tổn thương đồng thời ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh:

– Chú trọng chăm sóc và tăng cường việc vệ sinh khoang miệng hàng ngày để loại bỏ tối đa vi khuẩn. Đánh răng sau khi ăn xong, dùng chỉ nha khoa để lấy cặn thức ăn trong kẽ răng, súc miệng đều đặn ít nhất hai lần mỗi ngày sẽ giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng viêm nhiễm ở niêm mạc miệng.

Người bệnh nên sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ cặn thức ăn, cải thiện tình trạng răng miệng

Người bệnh nên sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ cặn thức ăn, cải thiện tình trạng răng miệng

– Khi bị viêm loét niêm mạc miệng nặng hoặc tái đi tái lại nhiều lần có thể điều trị bằng các loại thuốc chuyên dụng. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh tác dụng phụ đặc biệt với đối tượng người bệnh là trẻ em.

– Tuyệt đối không được nặn, bóp các mụn nước, vết loét trong khoang miệng vì nguy cơ bội nhiễm rất cao.

– Cải thiện chế độ ăn uống cân bằng cũng giúp bệnh niêm mạc miệng thuyên giảm đáng kể. Bác sĩ hay khuyến khích người bệnh trong trường hợp này sử dụng nhiều thực phẩm giàu vitamin C trong khẩu phần ăn. Những quả như chanh, cam, bưởi, khế,… có khả năng bảo vệ răng miệng trước sự tấn công của vi khuẩn, virus đồng thời tăng sức đề kháng của cơ thể. Bên cạnh đó, người bệnh phải tránh những thực phẩm cay, nóng, những món ăn sử dụng quá nhiều gia vị, quá mặn hoặc nhiều đường đều có thể làm tình trạng viêm loét trầm trọng hơn.

Trên đây là những điều cần biết về bệnh viêm loét niêm mạc miệng. Người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan, không điều trị ngay để gây ra những tác hại và biến chứng khôn lường, tác động xấu đến sức khoẻ răng miệng của mình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital