Bệnh sốt xuất huyết thường diễn tiến qua nhiều giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn bệnh lại có những triệu chứng và mức độ nguy hiểm khác nhau. Cùng tìm hiểu các giai đoạn của sốt xuất huyết và phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Các giai đoạn của sốt xuất huyết và biểu hiện của bệnh
Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bởi khả năng lây lan thành dịch và gây nhiều biến chứng. Bệnh do virus Dengue gây ra và thường trải qua những giai đoạn sau:
1.1 Giai đoạn ủ bệnh
Nếu một người bị muỗi vằn có mang virus Dengue đốt, virus sẽ xâm nhập vào máu của họ và tồn tại trong máu người bệnh từ 2 – 7 ngày. Ở giai đoạn ủ bệnh, người bệnh chưa có biển hiện gì đáng chú ý. Cũng vì vậy nhiều người khá chủ quan và đa phần không biết mình mắc bệnh trong giai đoạn này.
Thời gian ủ bệnh của sốt xuất huyết dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào cơ địa và sức đề kháng của mỗi người, trung bình thường là 4 – 7 ngày nhưng cũng có thể dao động từ 3 – 14 ngày.
1.2 Giai đoạn sốt – Giai đoạn biểu hiện triệu chứng đầu tiên trong các giai đoạn của sốt xuất huyết
Sốt thường là triệu chứng đầu tiên mà bệnh nhân gặp phải sau thời gian ủ bệnh. Người bệnh thường sốt cao, khoảng 39 – 40 độ C, nhiều người không giảm sốt dù đã uống thuốc hạ sốt.
Các triệu chứng sốt xuất huyết kèm theo ở giai đoạn này bao gồm:
– Mệt mỏi, cơ thể rũ rượi, thiếu sức sống
– Đau họng
– Đau tức vùng thượng vị, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy
– Đau đầu và sau hốc mắt
– Da xung huyết, xuất hiện các nốt phát ban
– Đau nhức các cơ, đau khớp,…
Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ở trẻ em là sốt đi kèm đau họng và đau bụng. Sốt thường hạ sau 3 ngày. Đến ngày thứ 8, bệnh nhân có thể xuất huyết nhẹ, xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi. Khi hạ sốt, tình trạng nổi ban ở thân mình có thể xảy ra, sau đó lan đến mặt, tay, chân, lòng bàn tay và gây ngứa.
1.3 Giai đoạn nguy hiểm – Một trong các giai đoạn của sốt xuất huyết
Giai đoạn này diễn ra từ ngày thứ 3 – 7 sau ngày sốt đầu tiên. Người bệnh lúc này có thể đã giảm sốt nhưng cũng có thể vẫn sốt cao. Biểu hiện rõ nhất của giai đoạn này là hạ tiểu cầu và cô đặc máu.
Một số triệu chứng trong giai đoạn nguy hiểm mà bệnh có thể gặp như:
– Tình trạng thoát huyết tương do tính thấm thành mạch tăng
– Đau ngực, khó thở do tràn dịch màng phổi; trướng bụng, bụng to nhanh do tràn dịch màng bụng
– Đau tức hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị do gan phình to
– Vật vã, li bì, lạnh chân tay, da lạnh ẩm, tiểu ít
– Xuất huyết dưới da ở mu bàn chân, lòng bàn tay, đùi, bụng, mạng sườn,…
– Viêm gan, viêm cơ tim, viêm não, suy thận, thậm chí nhiều trường hợp nặng
– Nôn hoặc ho ra máu, đi tiểu hoặc đi ngoài ra máu, ra máu bất thường ở âm đạo, rong kinh,… do xuất huyết nội tạng đường tiêu hóa, xuất huyết ở phổi và não
Người bệnh cần được chăm sóc tốt trong giai đoạn này, nếu có các triệu chứng trở nặng cần đưa đến bệnh viện cấp cứu.
1.4 Giai đoạn phục hồi
Khoảng 1 – 2 ngày sau giai đoạn nguy hiểm, người bệnh sẽ hết sốt, sức khỏe dần hồi phục, huyết áp ổn định, tiểu nhiều và thèm ăn. Các chỉ số xét nghiệm ở giai đoạn này cũng dần trở về mức bình thường.
Tuy nhiên, nếu không chăm sóc kỹ trong giai đoạn này thì người bệnh có thể bị phù phổi hoặc suy tim. Vì thế tuyệt đối không nên chủ quan mà cần chăm sóc cẩn thận, đúng cách và đưa người bệnh đi khám ngay khi có các triệu chứng lạ.
2. Cách điều trị và chăm sóc hiệu quả cho bệnh nhân sốt xuất huyết
Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết nên việc điều trị nhằm mục đích chủ yếu là cải thiện triệu chứng kết hợp với chế độ chăm sóc tốt để người bệnh sớm hồi phục.
2.1 Điều trị triệu chứng
– Hạ sốt: Hạ sốt là một việc quan trọng cần làm khi bị sốt xuất huyết. Khi sốt < 38,5 độ C, bệnh nhân cần chườm bằng nước ấm vào các vùng trán, nách, bẹn, mặc quần áo rộng rãi thoáng mát. Nếu sốt từ 38,5 độ C, ngoài chườm ấm cần uống thuốc Paracetamol liều 10-15mg/kg, 4-6 giờ/ lần để hạ sốt.
– Bù nước và điện giải: Uống nhiều nước, dùng oresol để bù nước và điện giải. Nếu mất nước vừa và nặng, nôn nhiều, bệnh nhân cần được truyền dung dịch Nacl 0,9%… để bù nước và điện giải.
2.2 Chế độ chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết
Cho người bệnh nghỉ ngơi, thư giãn tại giường
Bệnh nhân sốt xuất huyết thường rất yếu, cơ thể luôn trong tình trạng uể oải, mệt mỏi. Vì vậy cần cho người bệnh nghỉ ngơi tại giường. Không để người bệnh tự đi lại vì rất dễ té ngã, chấn thương nghiêm trọng do choáng.
Cung cấp đủ chất điện giải
Tăng cường cho người bệnh uống sữa, nước dừa, nước cam, nước chanh, nước cháo loãng để bù lượng dịch đã mất. Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân sốt xuất huyết cần uống đủ từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày.
Chế độ ăn hợp lý
Người bệnh sốt xuất huyết đang rất yếu, vì vậy cần bổ sung thêm nhiều protein (từ thịt, cá, trứng, sữa) vào khẩu phần ăn của người bệnh… Nên chia nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn quá nhiều trong 1 bữa để tránh gây khó chịu khi ăn, chán ăn và nôn. Có thể ăn từ 4 đến 6 bữa/ngày đối với người lớn, 6 đến 8 bữa đối với trẻ em. Ăn những món ăn lỏng, mềm, dễ nuốt như súp, cháo loãng, món hầm,…
Theo dõi thường xuyên sức khỏe người bệnh
Khi điều trị tại nhà, bạn cần theo dõi sát sao các biểu hiện của người bệnh để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường. Khi bệnh nhân chuyển biến nặng cần phải đưa đến bệnh viện sớm để được cấp cứu kịp thời.
Tắm rửa bằng nước ấm
Khi bị sốt xuất huyết người bệnh vẫn được tắm gội bình thường nhưng phải tắm bằng nước ấm và tắm nhẹ nhàng. Vì tắm nước lạnh sẽ làm người bệnh sốt xuất huyết dễ tử vong. Việc kỳ cọ mạnh cũng có thể gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ.
Tái khám đầy đủ
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân phải tái khám theo lịch của bác sĩ để kiểm soát tình trạng bệnh, đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Trên đây là những thông tin về các giai đoạn sốt xuất huyết và những lưu ý khi điều trị và chăm sóc giúp người bệnh nhanh khỏi. Khi người bệnh có dấu hiệu bất thường, cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh nguy hiểm đến tính mạng.