Sốt xuất huyết uống ibuprofen là tự hại mình

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Hằng

Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

Nhiều người nghĩ ibuprofen là thuốc hạ sốt nên có thể dùng trong trường hợp sốt cao, kể cả sốt xuất huyết. Nhưng nếu bị sốt xuất huyết uống ibuprofen là tự “rước” biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ nguyên nhân và nhận diện các loại thuốc không được dùng khi mắc sốt xuất huyết.

1. Tác hại khi sốt xuất huyết uống ibuprofen

1.1 Sốt xuất huyết uống ibuprofen dễ gây xuất huyết tiêu hóa

Ibuprofen là một loại thuốc hạ sốt thuộc dòng nonsteroid, có thành phần kháng viêm. So với thuốc hạ sốt paracetamol thì ibuprofen có tác dụng hạ sốt mạnh và kéo dài thời gian hạ sốt hơn. Chính vì vậy, mà nhiều người vội cho rằng nếu sốt cao thì dùng ibuprofen hạ sốt là tốt nhất dù chưa biết nguyên nhân gây sốt có phải là sốt xuất huyết hay không, điều này thật sự rất nguy hiểm.

Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, mặc dù Ibuprofen có tác dụng hạ sốt hiệu quả như trên nhưng lại thuộc nhóm thuốc chống chỉ định với bệnh nhân sốt xuất huyết. Bởi vì, nếu bệnh nhân sốt xuất huyết uống thuốc hạ sốt ibuprofen dễ gây tình trạng xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện cấp cứu.

Uống thuốc hạ sốt ibuprofen.

Sệnh nhân sốt xuất huyết uống thuốc hạ sốt ibuprofen dễ gây tình trạng xuất huyết tiêu hóa.

1.2 Sốt xuất huyết uống ibuprofen gây nhiều tác hại “ghê gớm” khác

Ibuprofen có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm như xuất huyết, đau dạ dày. Đặc biệt là trẻ em, nếu sử dụng ibuprofen để hạ sốt trong 3 ngày đầu bị sốt, trẻ dễ đối mặt với biến chứng như giãn mạch, giảm tiểu cầu, chảy máu nội tạng (đi ngoài ra máu, xuất huyết vùng gan).

Mỗi năm vẫn có nhiều ca bệnh nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa do sử dụng thuốc hạ sốt ibuprofen khi trị bệnh sốt xuất huyết. Cần lưu ý dùng ibuprofen phải có chỉ định và sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ, bởi loại thuốc hạ sốt này có rất nhiều tác dụng phụ. Đặc biệt, chống chỉ định (không được dùng) trong các trường hợp nghi ngờ bị sốt xuất huyết, loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, người có tiền sử dị ứng với thuốc.

2. Sốt xuất huyết tuyệt đối không uống aspirin

Aspirin cũng là một loại thuốc hạ sốt, giảm đau liều cao, chống kết tập tiểu cầu. Aspirin chống chỉ định ở bệnh nhân bị mắc sốt xuất huyết là vì tác dụng chống tập kết tiểu cầu, chống đông máu dễ dẫn tới chảy máu ồ ạt do sốt xuất huyết (chảy máu không cầm được), điển hình như xuất huyết tiêu hóa khiến bệnh càng thêm nghiêm trọng hơn.

Ngoài xuất huyết đường tiêu hóa, aspirin dùng trong bệnh lý sốt xuất huyết có thể gây hội chứng Reye (phù não, suy gan nhiễm mỡ, thậm chí tử vong), suy hô hấp do co thắt phế quản và nặng thêm bệnh hen suyễn. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo không được sử dụng thuốc hạ sốt aspirin cho người lớn, trẻ em bị sốt xuất huyết, đặc biệt là trẻ em.

Ngoài việc sốt xuất huyết uống ibuprofen hay aspirin là tự “rước” hại thì nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) còn có diclofenac, piroxicam cũng không được khuyên dùng trong điều trị triệu chứng bệnh sốt xuất huyết.

3. Không dùng thuốc kháng sinh khi bị sốt xuất huyết

Trong sốt xuất huyết, việc dùng kháng sinh là không có ý nghĩa gì bởi kháng sinh chỉ sử dụng điều trị trong trường hợp bệnh lý do vi khuẩn hoặc có bội nhiễm, còn sốt xuất huyết là do virus dengue gây bệnh. Việc sử dụng thuốc kháng sinh còn khiến nồng độ kháng sinh trong máu cao dễ gây tai biến. Ngoài ra, lạm dụng kháng sinh chỉ làm tăng khả năng kháng thuốc (kháng kháng sinh) rất nguy hiểm về sau.

Khi bị sốt xuất huyết uống ibuprofen là không nên.

Không dùng thuốc kháng sinh khi bị sốt xuất huyết.

4. Dùng đúng thuốc hạ sốt khi bị sốt xuất huyết

Paracetamol là thuốc hạ sốt an toàn được các chuyên gia khuyến cáo sử dụng cho người lớn, trẻ em kể cả trong trường hợp nghi ngờ không biết có phải bị sốt xuất huyết hay không.

Thuốc paracetamol dùng để điều trị trong bệnh sốt xuất huyết và một số trường hợp sốt do nguyên nhân khác với liều dùng khuyến cáo 15mg/kg thể trọng (750mg cho người 50kg), mỗi ngày dùng 2-3 lần. Và chỉ nên dùng trong thời gian ngắn khoảng 2-5 ngày để hạ sốt.

Nếu sử dụng paracetamol liều cao (15g/ngày với người lớn) và/hoặc dùng lâu dài hay khi dùng cùng với bia rượu sẽ gây độc cho gan và thận. Do đó, bạn nên dùng hạ sốt paracetamol theo đúng khuyến cáo của bác sĩ hoặc dược sĩ, tránh lạm dụng thuốc sẽ gây nguy hiểm.

5. Sốt xuất huyết có được khuyến cáo truyền dịch không?

Nhiều người nghĩ rằng bị sốt xuất huyết chủ yếu là cần truyền dịch mới nhanh khỏi, tuy nhiên các chuyên gia thì luôn ưu tiên bù dịch bằng đường uống, chỉ truyền dịch khi cần thiết. Vốn dĩ người bệnh sốt xuất huyết rất nhạy cảm, rất dễ bị sốc phản vệ. Nên nếu chỉ sốt xuất huyết ở mức độ I, II thì trước hết cần ưu tiên bù dịch bằng đường uống (cho người bệnh uống oresol).

Chỉ truyền dịch khi người bệnh sốt xuất huyết ở cuối độ II, đầu độ III, khi tình trạng huyết tương thoát ra ngoài mạch nhiều, thể tích máu trong lòng mạch giảm, sốt cao khiến cơ thể mất nước, máu bị cô đặc lại, tụt huyết áp, tim đập nhanh dẫn đến trụy mạch tim.

Dịch mà người bệnh bị mất khi bị sốt xuất huyết chủ yếu là nước, muối cũng có nhưng ít. Vì vậy, dung dịch truyền phải chứa ít muối. Việc lựa chọn dịch truyền nào và truyền như thế nào, với hàm lượng bao nhiêu nên được thực hiện tại cơ sở y tế hoặc có thể tại nhà nhưng phải có sự giám sát theo dõi của nhân viên y tế.

Theo thống kê cho thấy, nếu có 100% người bệnh dùng oresol (đường uống) ngay khi nhập viện thì số người còn lại cần truyền dịch sẽ chỉ khoảng 15%. Vì vậy, nếu có biểu hiện sốt xuất huyết bạn nên bổ sung dung dịch điện giải oresol để tránh mất nước và hạn chế nguy cơ phải truyền dịch.

Người bệnh không được tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

Người bệnh nên thăm khám bác sĩ, không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

6. Có thể bạn chưa biết: sốt xuất huyết có sốc và không sốc

Sốt xuất huyết không sốc biểu hiện thường nhẹ hơn như sự giãn mạch nhẹ, huyết tương thoát ra ngoài thành mạch ít. Sốt xuất huyết có sốc thường có biểu hiện nặng, đó là sự giãn mạch mạnh, khiến huyết tương thoát ra ngoài thành mạch nhiều, dễ dẫn đến máu bị cô đặc, lượng máu lưu thông giảm, gây tụt huyết áp, tim đập nhanh rồi trụy mạch.

Sốc do sốt xuất huyết nếu chậm trễ xử trí diễn biến nguy kịch, thậm chí tử vong rất cao. Do đó, nếu nghi ngờ bị sốt xuất huyết tuyệt đối không được chủ quan, nên đến ngay cơ sở y tế ngay để được thăm khám, điều trị kịp thời hiệu quả, ngăn biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital