Đặc điểm giai đoạn 2 của sốt xuất huyết

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Hằng

Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

Bệnh sốt xuất huyết thường trải qua 3 giai đoạn: sốt, nguy hiểm và phục hồi. Trong đó giai đoạn 2 của sốt xuất huyết là giai đoạn nguy hiểm với nhiều triệu chứng nghiêm trọng. Cùng tìm hiểu về giai đoạn 2 của căn bệnh này qua bài viết sau đây.

1. Tổng quan về sốt xuất huyết và các giai đoạn của bệnh

Sốt xuất huyết là căn bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi virus Dengue. Bệnh có thể tự khỏi sau 5 – 7 ngày nhưng cũng có thể kéo dài đến 14 ngày, kèm theo những triệu chứng và hậu quả nặng nề. Người bệnh có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh sốt xuất huyết thường trải qua 3 giai đoạn:

– Giai đoạn 1: Giai đoạn sốt với các triệu chứng tương tự như cúm, thường kéo dài trong 2 – 7 ngày.

– Giai đoạn 2: Giai đoạn nguy hiểm với các dấu hiệu từ nhẹ đến nặng, bao gồm cả xuất huyết với nhiều mức độ khác nhau.

– Giai đoạn 3: Giai đoạn phục hồi, đặc trưng của sự dần trở lại bình thường của các chỉ số, người bệnh thèm ăn, đi tiểu nhiều hơn. Thời gian thường từ 24 – 48h sau khi hết sốt.

Sốt xuất huyết trải qua 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2 là nguy hiểm nhất

Sốt xuất huyết trải qua 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2 là nguy hiểm nhất.

2. Giai đoạn 2 của sốt xuất huyết có đặc điểm gì?

2.1 Giai đoạn 2 của sốt xuất huyết rơi vào thời gian nào?

Giai đoạn 2 hay còn gọi là giai đoạn nguy hiểm, giai đoạn xuất huyết, thường diễn ra vào ngày thứ 3 – 7 từ khi xuất hiện triệu chứng của bệnh.

2.2 Biểu hiện của người bệnh ở giai đoạn 2 của sốt xuất huyết

Ở giai đoạn 2, người bệnh có thể giảm hoặc vẫn còn sốt. Các dấu hiệu xuất huyết biểu hiện đa dạng với các mức độ từ nhẹ đến nặng. Nguyên nhân là do giảm tiểu cầu trong máu. Đây cũng là giai đoạn người bệnh dễ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Các dấu hiệu xuất huyết ở giai đoạn 2 gồm:

Xuất huyết dưới da: Xuất hiện các điểm xuất huyết dưới da, có thể kèm theo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.

– Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu cam, chảy máu chân răng là các dạng điển hình nhất. Ngoài ra phụ nữ có thể chảy máu không liên quan tới chu kỳ kinh hay rong kinh.

– Xuất huyết đường tiêu hóa: Đi ngoài ra phân đen, phân lẫn máu. Người bệnh nôn ra máu tươi hoặc máu đông.

Nặng hơn, người bệnh có thể bị xuất huyết não, xuất huyết trong ổ bụng gây nguy hiểm đến tính mạng. Máu bị cô đặc, nếu không bù đủ dịch thì bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp, sốc do mất máu quá nhiều.

Các biểu hiện nặng nề cần cảnh giác ở giai đoạn này:

– Vật vã, li bì

– Nôn nhiều có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng

Đau bụng, chán ănkhông rõ nguyên nhân

– Đau đầu dữ dội

–  Tái, lạnh các đầu chi

– Bệnh nhân đi tiểu ít

– Dễ bị kích thích, hoảng loạn

Khi thấy dấu hiệu xuất huyết, cần đưa người bệnh đến viện để được điều trị kịp thời.

3. Điều trị và chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết giai đoạn 2

Giai đoạn 2 được đánh giá là giai đoạn nguy hiểm nhất đối với người bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên nhiều người lại chủ quan bởi ở giai đoạn này, sốt và các triệu chứng mệt mỏi thường đã thuyên giảm. Lúc này, sự chăm sóc và theo dõi của người nhà là vô cùng quan trọng.

Để hạn chế những tình trạng xấu nhất, khi chăm sóc người bệnh cần hết sức lưu ý theo dõi sát để phát hiện các triệu chứng tiền sốc do mất máu. Đặc biệt từ ngày thứ 3 của bệnh, nếu bệnh nhân có các biểu hiện bất thường như vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng vùng gan, nôn nhiều, tiểu ít, hoặc xuất huyết nội tạng thì phải cấp tốc đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị với chuyên khoa.

Biểu hiện ở giai đoạn 2 của sốt xuất huyết

Ở giai đoạn 2, người bệnh có thể còn hoặc hết sốt, kèm theo đó là tình trạng xuất huyết với các mức độ khac nhau như xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết nội tạng, xuất huyết não, xuất huyết ổ bụng…

3.1 Cách điều trị triệu chứng của bệnh

Đến nay vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu điều trị sốt xuất huyết. Mục tiêu của việc điều trị là hạ sốt, bù dịch, chống sốc. Các phương pháp điều trị sốt xuất huyết cụ thể gồm:

– Hạ sốt: Nếu người bệnh sốt dưới 38,5 độ C thì chỉ cần chườm khăn ấm vào các vị trí như trán, nách, bẹn, cùng với mặc quần áo thoáng mát nhất có thể. Nếu sốt trên 38,5 độ C thì dùng Paracetamol để hạ sốt. Lưu ý không dùng ibuprofen hoặc aspirin cho những người bệnh này vì chúng có thể gây xuất huyết trầm trọng hơn.

– Bù nước và điện giải: Cho bệnh nhân uống nhiều nước, dùng oresol hoặc hydrit để bù điện giải. Nếu bệnh nhân nôn nhiều, mất nước nhiều và không uống được nước thì cần truyền NaCl 0.9% để bù dịch.

3.2 Cách chăm sóc người bị sốt xuất huyết ở giai đoạn 2

– Việc quan trọng nhất trong điều trị sốt xuất huyết là nghỉ ngơi. Người bệnh nên nghỉ ngơi tại giường, hạn chế để người bệnh đi lại, chỉ di chuyển khi thực sự cần thiết.

– Cố gắng bù dịch bằng cách cho người bệnh uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, oresol. Ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa, mềm, dạng lỏng như sữa, cháo loãng.

– Tránh ăn những thực phẩm có màu nâu đỏ, nâu đen để tránh nhầm lẫn với những dấu hiệu của xuất huyết đường tiêu hóa.

– Khi điều trị tại nhà, người bệnh sốt xuất huyết cần được theo dõi kỹ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường. Nếu bệnh trở nặng hoặc tình trạng bệnh không được cải thiện, cần đưa ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế ngay để được xử trí.

Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết giai đoạn 2

Uống nhiều nước, oresol, nước trái cây giúp bù dịch và tăng sức đề kháng cho bệnh nhân sốt xuất huyết giai đoạn 2.

3.3 Phòng ngừa lây nhiễm sốt xuất huyết

Bên cạnh việc điều trị cho người bệnh, cũng cần có những biện pháp phòng tránh lây bệnh cho những người xung quanh như:

– Cho người bệnh sốt xuất huyết nằm trong màn để tránh bị muỗi đốt, tránh muỗi lây bệnh cho người khác

– Áp dụng các biện pháp ngăn muỗi đốt khác như mặc quần áo dài tay, xịt thuốc muỗi,…

– Tích cực làm sạch, thông thoáng nơi ở bằng cách đậy các vật dụng chứa nước, phát quang bụi rậm, xử lý rác thải tránh tù đọng nước, đốt hương muỗi, phun thuốc diệt muỗi,…

Trên đây là những thông tin cơ bản về giai đoạn 2 của bệnh sốt xuất huyết. Đây là giai đoạn nguy hiểm nên cần điều trị tích cực với sự giám sát của các chuyên gia y tế và sự chủ động của người bệnh. Nếu có nhu cầu thăm khám hoặc cần tư vấn về sốt xuất huyết, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được hỗ trợ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital