Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu là một số các dạng ung thư có tỷ lệ điều trị thành công cao nhất, con số có thể lên tới 100%. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin hữu ích về ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm, từ đó giúp người bệnh có thể chủ động trong việc phát hiện và có phương hướng đối phó với căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Chi tiết về giai đoạn đầu của ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là một căn bệnh ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuyến giáp có vai trò kiểm soát trao đổi chất và chuyển hóa trong cơ thể.
Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu là thời điểm các tế bào ung thư khu trú ở tuyến giáp mới bắt đầu hình thành và phát triển, chưa xâm lấn đến bất kỳ cơ quan nào. Nếu được phát hiện trong giai đoạn này thì cơ hội chữa khỏi bệnh là rất cao, có thể lên đến 100%. Tuy nhiên đây là giai đoạn thường không có biểu hiện rõ ràng, dễ bị bỏ sót, khó phát hiện nếu không đi thăm khám sức khỏe định kỳ.
Dựa vào đặc điểm mô bệnh học, ung thư tuyến giáp được chia thành 2 thể chính là thể biệt hóa và không biệt hóa. Đa số các trường hợp ung thư tuyến giáp được chẩn đoán ở thể biệt hóa. Đây là thể bệnh có tiến triển chậm, thường được phát hiện ở giai đoạn sớm và có tiên lượng điều trị tốt. Trong khi đó ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa thường có tiến triển rất nhanh, chủ yếu được phát hiện ở giai đoạn muộn, có tiên lượng xấu.
2. Dấu hiệu của ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm
Như đã đề cập ở trước đó, ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu gây ra ít những triệu chứng điển hình, nhưng người bệnh vẫn có thể nhận thấy những thay đổi đối với cơ thể nếu theo dõi chặt chẽ.
– Có hạch nhỏ mềm tại vùng cổ
– Khối u vùng cổ cứng chắc ít di động
– Có cảm giác nuốt khó, khàn giọng
3. Phải làm gì khi có biểu hiện nghi ngờ ung thư tuyến giáp?
3.1 Thăm khám kịp thời xác định bệnh lý ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu
Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường tại vùng cổ, bạn nên nhanh chóng đi thăm khám tại các bệnh viện uy tín để có thể phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn càng sớm càng tốt. Trước tiên bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, các dấu hiệu nghi ngờ, thăm khám tuyến giáp, sau đó sẽ chỉ định các xét nghiệm, kiểm tra cận lâm sàng để xác định bệnh.
– Siêu âm tuyến giáp: Cho phép xác định những bất thường tại tuyến giáp, đánh giá vị trí, kích thước, đặc điểm khối u…
– Các xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp.
– Chụp CT hoặc MRI giúp đánh giá các tổn thương hiện có tại tuyến giáp đầy đủ.
– Sinh thiết được chỉ định bằng cách chọc hút tế bào để làm xét nghiệm, mô bệnh sẽ được quan sát, kiểm tra dưới kính hiển vi.
3.2 Điều trị kịp thời ung thư tuyến giáp ở giai đoạn đầu
Nếu bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc ung thư tuyến giáp đang ở giai đoạn sớm thì cần tiếp nhận điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Các phương pháp điều trị sẽ được xây dựng chuyên biệt dựa trên tình trạng riêng ở mỗi người bệnh.
– Phẫu thuật: Bệnh nhân có thể được chỉ định cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp hoặc cắt bỏ thùy giáp, eo giáp để ngăn chặn sự phát triển rộng hơn nữa của tế bào ung thư, điều trị triệt căn loại bỏ triệt để khối u.
– Xạ trị i-ốt: Thường được chỉ định thực hiện bổ trợ sau phẫu thuật nhằm mục đích tiêu diệt các mô giáp ác tính còn sót lại sau phẫu thuật cắt bỏ.
– Điều trị nội tiết sau phẫu thuật: Bệnh nhân cần bổ sung hormone tuyến giáp sau phẫu thuật và xạ trị i-ốt. Liều lượng thuốc và thời gian sử dụng sẽ được bác sĩ chỉ định tùy thuộc vào mỗi người bệnh.
4. Biện pháp phòng tránh mắc ung thư tuyến giáp hiệu quả
4.1 Phòng tránh ung thư tuyến giáp bằng chế độ sinh hoạt
– Nên tránh tiếp xúc với tia bức xạ, trong trường hợp làm việc tại môi trường có chứa hóa chất độc hại, tia bức xạ cần tuân thủ các quy định bảo hộ nghiêm ngặt.
– Sử dụng chế độ ăn uống hợp lý: Cần hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, nên bổ sung rau xanh, trái cây, khoáng chất thiết yếu, cân bằng lượng i-ốt trong cơ thể…
– Duy trì mức cân nặng hợp lý: Thừa cân, béo phì là những yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến bệnh ung thư tuyến giáp. Lời khuyên dành cho người bệnh là nên vận động thể dục thường xuyên để duy trì mức cân nặng hợp lý.
– Chú ý đến các dấu hiệu bệnh, chủ động quan tâm sát sao đến sức khỏe, sự thay đổi trên cơ thể để từ đó kịp thời đi thăm khám và kiểm tra.
4.2 Tầm soát ung thư tuyến giáp
Dấu hiệu ung thư tuyến giáp ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng để người bệnh có thể nhận thấy được. Phần lớn được phát hiện khi bệnh nhân đi khám sức khỏe định kỳ hoặc tình cờ phát hiện khi kiểm tra một bệnh lý khác. Do vậy, việc tầm soát ung thư tuyến giáp đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện bệnh, đặc biệt cần sàng lọc, tầm soát ung thư tuyến giáp ở những đối tượng sau:
– Đối tượng từng có tiền sử xạ trị hoặc tiếp xúc với tia bức xạ lúc còn nhỏ.
– Người sống gần biển có lượng i-ốt cao trong cơ thể, hoặc người thiếu i-ốt.
– Người gặp tình trạng u đơn nhân hoặc đa nhân tuyến giáp.
– Người có người thân trong gia đình từng mắc ung thư tuyến giáp.
Trên đây là các thông tin về bệnh ung thư tuyến giáp ở giai đoạn đầu tiên trong chu trình diễn biến từ khi hình thành đến khi vượt ra ngoài tuyến giáo, di căn sang các cơ quan khác. Lời khuyên cho người bệnh là nên đi thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư sớm bởi càng phát hiện bệnh ở các giai đoạn đầu sẽ càng gia tăng cơ hội điều trị đơn giản và đạt kết quả thành công.