Giai đoạn ung thư cho biết mức độ phát triển, lan rộng của tế bào ác tính, từ đó đưa ra được phương hướng điều trị phù hợp cho mỗi bệnh nhân. Vậy bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn 2 diễn biến ra sao, điều trị như thế nào sẽ có đầy đủ trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Mô tả ung thư buồng trứng giai đoạn 2
Nếu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn 2, điều này có nghĩa là ung thư xuất hiện ở một hoặc cả hai buồng trứng hoặc ống dẫn trứng và đã lan sang các cơ quan khác (chẳng hạn như tử cung, bàng quang, đại tràng, trực tràng) trong khu vực khung chậu. Hoặc cũng có thể có tế bào ung thư trong ổ bụng. Nhưng tế bào ung thư buồng trứng chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận xa khác trên cơ thể.
Ước tính có khoảng 19% ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn 2.
– Giai đoạn 2A: Ung thư đã lan đến hoặc xâm lấn đến tử cung hoặc ống dẫn trứng cũng như trong buồng trứng. Ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận di căn xa.
– Giai đoạn 2B: Ung thư xuất hiện trên bề mặt hoặc phát triển vào các cơ quan vùng chậu và chưa vượt ra khỏi khu vực này, ung thư cũng chưa lan đến các hạch bạch huyết và di căn xa.
2. Tỷ lệ sống đối với ung thư buồng trứng giai đoạn 2
Ung thư buồng trứng giai đoạn 2 thường được coi là thời điểm lan rộng trong khu vực, có tỷ lệ sống tương đối sau 5 năm trung bình là khoảng 74%.
Tỷ lệ sống này sẽ thay đổi và khác nhau ở mỗi người bệnh phụ thuộc vào kích thước, vị trí khối u, sức khỏe của người bệnh, phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng phác đồ của bệnh nhân…
Ung thư là căn bệnh gây nhiều lo lắng cho người bệnh, chính vì vậy khi được phát hiện ở giai đoạn 2 hay bất kỳ giai đoạn nào của ung thư buồng trứng, chị em phụ nữ vẫn nên lạc quan, suy nghĩ tích cực và tham khảo ý kiến bác sĩ, theo sát phác đồ đúng hướng để có cơ hội lấy lại được sức khỏe của bản thân.
3. Phương hướng điều trị điển hình cho ung thư buồng trứng giai đoạn 2
Phương pháp điều trị chính đối với ung thư buồng trứng giai đoạn 2 là phẫu thuật và hóa trị. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ xem xét một số yếu tố trước khi quyết định liệu bệnh nhân có đủ khả năng thực hiện phẫu thuật hay không. Bệnh nhân nên thực hiện hóa trị trước hay sau khi phẫu thuật. Các yếu tố này là:
– Vị trí ung thư đã xâm lấn đến
– Bác sĩ phẫu thuật có khả năng loại bỏ hết tất cả ung thư hay không
– Sức khỏe chung của người bệnh tại thời điểm hiện tại.
3.1 Hóa trị sau phẫu thuật điều trị bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn 2
Phẫu thuật có thể được chỉ định như là một phương pháp điều trị đầu tiên của bạn nếu bạn đủ sức khỏe, bác sĩ nhận định có thể loại bỏ tất cả các khối u.
Trong quá trình phẫu thuật bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ càng nhiều tổ chức ung thư càng tốt. Sau khi phục hồi sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được hóa trị – hay còn gọi là hóa trị bổ trị.
Hóa trị bổ trợ nhằm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng quay trở lại, tiêu diệt các vi tế bào ung thư không thể nhìn thấy bằng mắt thường để thực hiện cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật.
3.2 Hóa trị trước và sau phẫu thuật điều trị bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn 2
Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng hóa trị liệu như một phương pháp điều trị ban đầu. Bác sĩ sẽ xem xét hình ảnh phim chụp và khẳng định không thể loại bỏ tất cả ung thư bằng hình thức phẫu thuật, bệnh nhân không đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật cắt bỏ.
Hóa trị trước phẫu thuật được gọi là hóa trị liệu tân bổ trợ, nhằm mục đích thu nhỏ kích thước khối u, từ đó giúp cho việc thực hiện phẫu thuật cắt bỏ hiệu quả và dễ dàng hơn.
Trong quá trình hóa trị điều trị ung thư buồng trứng, người bệnh cũng sẽ được thực hiện các xét nghiệm kiểm tra ở giữa chu trình hóa trị. Nếu kết quả cho thấy ung thư đang được thu nhỏ lại, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện phẫu thuật giảm tổng khối u giữa kỳ điều trị (IBS). Sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ thực hiện phần còn lại của quá trình hóa trị.
4. Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân mắc ung thư buồng trứng giai đoạn 2
Khi được xác định mắc bệnh ung thư buồng trứng nói chung và ung thư buồng trứng giai đoạn 2 nói riêng, người bệnh có thể sợ hãi, lo lắng và choáng ngợp. Xoay quanh luôn là những câu hỏi về làm thế nào để bản thân có thể vượt qua điều trị. Điều quan trọng nhất trong khoảng thời gian này là luôn ưu tiên bản thân, chăm sóc và đảm bảo cho bản thân có sức khỏe tốt nhất để hoàn thành và vượt qua quá trình điều trị.
Chế độ ăn uống, mức độ vận động, cách bạn quản lý tác dụng phụ, các thói quen sinh hoạt lành mạnh đều có thể ảnh hưởng tích cực đến cảm nhận của bạn và cơ hội thuyên giảm bệnh.
Điều trị bằng hóa chất người bệnh có thể phải chịu những tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, thể chất. Phẫu thuật cắt bỏ cũng là một quá trình điều trị mất sức rất lớn, do đó người bệnh cần nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng để có thể chống lại ung thư và phục hồi sức khỏe
Duy trì hoạt động, vận động nếu mắc ung thư buồng trứng ngay cả khi đang điều trị là cần thiết ở mỗi người bệnh. Vận động nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe của mỗi bệnh nhân sẽ giúp tăng mức năng lượng và hệ thống miễn dịch, đồng thời giúp cải thiện tâm trạng và mức độ căng thẳng.