Tìm hiểu bệnh ung thư buồng trứng di căn ổ bụng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

Bệnh ung thư buồng trứng thường không được phát hiện sớm do các triệu chứng mờ nhạt, khó nhận biết ở giai đoạn đầu cũng như bởi sự chủ quan của người bệnh chưa có phương pháp theo dõi sức khỏe phù hợp. Hầu hết các trường hợp phát hiện bệnh khi tế bào ung thư buồng trứng đã lan rộng ra ở vùng bụng và chậu. Đây cũng là giai đoạn bệnh đã có biến chứng và bắt đầu di căn. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về giai đoạn ung thư buồng trứng di căn ổ bụng.

1. Tổng quan: Ung thư buồng trứng giai đoạn di căn ổ bụng

1.1 Ung thư buồng trứng di căn ổ bụng là gì?

Ung thư buồng trứng là tình trạng khối u ác tính bắt nguồn từ buồng trứng. Sau khi hình thành và phát triển trong một khoảng thời gian nhất định, khối u gia tăng kích thước, các tế bào ác tính phát triển và vượt ra ngoài phạm vi buồng trứng. Thông thường sẽ di chuyển đến các cơ quan lân cận vùng chậu và di căn đến ổ bụng. Cột mốc để đánh dấu thời điểm này là khi ung thư buồng trứng ở giai đoạn 3.

Tìm hiểu bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn di căn ổ bụng

Ung thư buồng trứng được phân chia thành 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 là lúc các tế bào ung thư bắt đầu lan ra khu vực ổ bụng

1.2 Triệu chứng nào là điển hình của giai đoạn di căn ổ bụng

Do lúc này ung thư đang ở giai đoạn tiến triển nên sẽ ảnh hưởng ít hoặc nhiều tùy mức độ khác nhau đến cơ quan bị xâm lấn và phát tín hiệu nhận diện cho người bệnh.

Khi ung thư buồng trứng đã xâm nhập đến ổ bụng có thể tạo dịch ổ bụng hay còn được biết đến là dịch cổ trướng hoặc nước báng. Điều này sẽ làm bụng to lên, xuất hiện cảm giác đầy hơi, chướng bụng, khó ăn, khó tiêu, phù nề ở mặt, các chi. Đây là những dấu hiệu điển hình khi ung thư buồng trứng đã xâm lấn đến khu vực ổ bụng của người bệnh.

Tìm hiểu bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn di căn ổ bụng

Đầy hơi, chướng bụng là một triệu chứng điển hình của ung thư buồng trứng giai đoạn di căn ổ bụng

2. Điều trị bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn di căn ổ bụng

2.1 Ung thư buồng trứng đã di căn ổ bụng có phải là án tử?

Tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh mắc ung thư buồng trứng di căn ổ bụng – giai đoạn 3 là khoảng 39%. Tuy nhiên, đây chỉ là con số mang tính chất tham khảo bởi vì để điều trị bệnh hiệu quả ở giai đoạn này thì còn cần phụ thuộc vào các yếu tố như: Mức độ đáp ứng điều trị, loại ung thư buồng trứng, phác đồ điều trị… Đây cũng là một con số khả quan, bệnh nhân vẫn có thể chiến đấu lại với căn bệnh ác tính ở giai đoạn này chứ không hoàn toàn mất đi cơ hội sống.

Tìm hiểu bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn di căn ổ bụng

Tuân thủ phác đồ điều trị sẽ giúp bệnh nhân có cơ hội thoát bệnh

2.1 Phương hướng điều trị

Sau khi có kết quả chẩn đoán xác định mắc ung thư buồng trứng di căn ổ bụng, thì phẫu thuật kết hợp với hóa trị liệu là phác đồ được ưu tiên chỉ định thực hiện cho người bệnh.

Bệnh nhân có thể cần trải qua một vài đợt hóa trị trước khi tiến hành phẫu thuật. Mục đích là để thu nhỏ kích thước khối u, diện tích phần cần được loại bỏ để quá trình thực hiện phẫu thuật sau này được triệt để và thuận lợi hơn.

Phẫu thuật sẽ được tiến hành bằng cách loại bỏ buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, mạc nối, các hạch bạch huyết gần đó… Việc thực hiện điều trị ung thư buồng trứng bằng phẫu thuật cắt bỏ những phần nào sẽ được bác sĩ xác định thông qua những xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cụ thể về tình trạng bệnh, mức độ xâm lấn, di căn của khối u, tình trạng sức khỏe, tuổi tác, nhu cầu và mong muốn của người bệnh.

Chưa hết, để có thể tiêu diệt triệt để và toàn diện các tế bào ung thư nhỏ lẻ, các tế bào ác tính còn sót lại mà phẫu thuật cắt bỏ không loại bỏ được hoàn toàn, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân tiếp tục thực hiện hóa chất bổ trợ. Hóa chất có thể được sử dụng thêm thành nhiều đợt bằng các hình thức truyền tĩnh mạch hoặc hóa trị tại chỗ trong ổ bụng.

2.3 Chăm sóc bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn di căn ổ bụng

Trong quá trình điều trị bằng phẫu thuật và hóa chất, người bệnh chắc hẳn sẽ gặp một số triệu chứng và tác dụng phụ ít nhiều bởi phương pháp điều trị. Tuy nhiên không cần quá lo lắng mà hãy tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, theo dõi tình trạng sức khỏe sát sao, ghi lại chi tiết và báo lại cho bác sĩ biết.

Một số tác dụng phụ có thể được điều trị giảm nhẹ bằng các loại thuốc hỗ trợ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Một số khác có thể được cải thiện ngay bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt.

Chế độ ăn uống

Người nhà cần giúp bệnh nhân đảm bảo đầy đủ dưỡng chất trong khẩu phần ăn: Đạm, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, giảm lượng chất béo trong bữa ăn. Nên sử dụng chế độ ăn mềm lỏng để cảm thấy dễ nuốt hơn khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn. Hãy chia nhỏ các bữa ăn để quá trình ăn uống không trở thành áp lực đối với người bệnh.

Tham vấn bác sĩ về bổ sung các loại vitamin, khoáng chất để cơ thể đảm bảo dinh dưỡng, dưỡng chất nhanh chóng phục hồi sau mỗi đợt hóa trị liệu.

Hoạt động thể chất

Tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe có thể giúp người bệnh ăn ngon hơn, ngủ tốt hơn, tăng cường sức khỏe. Trò chuyện có thể giúp tinh thần người bệnh thêm lạc quan, không bi quan về tình trạng sức khỏe của bản thân…

Bên cạnh việc tuân thủ sử dụng phác đồ điều trị, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của bệnh nhân cũng sẽ giúp nâng cao cơ hội thành công trong điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn 3 di căn ổ bụng.

Ung thư buồng trứng giai đoạn xâm lấn ổ bụng là thời điểm quan trọng đối với người bệnh. Bởi nếu giai đoạn này không được kịp thời điều trị triệt để bệnh sẽ dễ tiến triển sang giai đoạn cuối – tế bào ung thư di căn sang các cơ quan xa trên cơ thể. Lúc này việc điều trị ung thư buồng trứng để thoát khỏi bệnh là rất khó khăn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital