Tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser là phương pháp hiện đại, ít xâm hại trong điều trị bệnh lý sỏi đường tiết niệu. Phương pháp này giúp bảo tồn tối đa chức năng của thận và giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng.
Menu xem nhanh:
1. Tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser là gì?
Sỏi thận hay sạn thận là hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng tại thận lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Nếu sỏi thận nhỏ, có thể tự đẩy ra ngoài theo đường tiểu. Tuy nhiên nếu sỏi lớn bị kẹt trong cuống đài thận sẽ gây tắc nghẽn đường tiểu, ứ đọng nước tiểu, thận ứ nước, thận hư. Khi này, can thiệp ngoại khoa là phương án điều trị bắt buộc.
Hiện nay, nội soi niệu quản ngày càng phát triển và dần là kỹ thuật thay thế phẫu thuật mở trong điều trị các bệnh hệ tiết niệu, nhất là các bệnh lý đường tiết niệu trên. Việc nội soi niệu quản bằng ống cứng hay bán cứng gặp nhiều khó khăn khi sỏi nằm ở niệu quản trên hoặc vùng bể thận quá cao khiến ống nội soi không vươn tới. Khi đó việc áp dụng nội soi niệu quản ống mềm sẽ phát huy tối đa hiệu quả điều trị.
Nội soi tán sỏi thận bằng ống mềm là kỹ thuật làm sạch sỏi theo đường “tự nhiên” (từ đường tiểu lên niệu quản – bể thận, vào các đài thận) kết hợp với nguồn năng lượng từ tia laser để “bắn phá” làm vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ rồi hút bỏ ra ngoài. Đây là phương pháp điều trị sỏi không phẫu thuật, hiệu quả cao. Nhờ đó mà phương pháp này đã dần thay thế một số phương pháp điều trị khác như mổ mở, mổ nội soi sau phúc mạc…
2. Chỉ định và chống chỉ định nội soi tán sỏi bằng ống mềm
2.1. Chỉ định tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser:
- Sỏi thận có kích thước dưới 25mm đơn thuần hoặc phối hợp, có một hoặc nhiều viên.
- Sỏi đài thận nhỏ hoặc ở vị trí khó tiếp cận bằng phương pháp nội soi tán sỏi qua da hoặc tán sỏi ngoài cơ thể.
- Sỏi thận còn sót hoặc tái phát sau phẫu thuật mở, tán sỏi qua da hoặc tán sỏi ngoài cơ thể.
- Sỏi niệu quản trên di chuyển trong thận sau nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống cứng, ống bán cứng.
- Sỏi niệu quản trên di chuyển vào thận trong phẫu thuật lấy sỏi nội soi sau phúc mạc.
- Sử dụng ống soi mềm trong trường hợp tán sỏi qua da khó tiếp cận hoặc trong trường hợp mở bể thận kết hợp ống soi mềm lấy sạch sỏi.
- Sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên chỉ định tán sỏi bằng ống soi mềm một thì.
2.2. Chống chỉ định tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser:
- Người bệnh bị hẹp niệu quản hoặc niệu quản bị gấp khúc, dị dạng hệ tiết niệu không đặt được máy nội soi.
- Sỏi đài bể thận trên 25mm.
- Người bệnh bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu chưa điều trị dứt điểm.
- Người bệnh bị thận ứ nước mất chức năng.
- Người bệnh chống chỉ định với gây mê hồi sức.
- Người bệnh bị rối loạn đông máu đang dùng thuốc chống đông
3. Kỹ thuật tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser
- Người bệnh được thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng để xác định chính xác vị trí, kích thước và số lượng sỏi. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm khác để kiểm tra chức năng đông máu và tình trạng đường tiết niệu.
- Sau khi xác định đủ điều kiện để nội soi tán sỏi ống mềm, tùy theo tình trạng cụ thể, người bệnh có thể được đặt ống thông niệu quản (sonde JJ) trước 10-15 ngày tán sỏi.
- Gây mê toàn thân nội khí quản, đặt bệnh nhân nằm ngửa ở tư thế sản khoa.
- Rút ống thông niệu quản và đánh giá niệu quản bằng cách soi bằng quang – niệu quản.
- Đưa dây dẫn hướng từ niệu đạo đến bể thận để thuận tiện cho việc đưa ống nội soi mềm lên tiếp cận sỏi. Xác định vị trí, số lượng và kích thước của sỏi.
- Sử dụng năng lượng laser để tán sỏi thận thành các mảnh nhỏ, bơm rửa và lấy các mảnh sỏi ra ngoài.
- Sau khi đã tán sạch sỏi sẽ rút ống soi mềm và đặt ống thông lại ống thông JJ và ống dẫn tiểu tại niệu đạo. Kết thúc quá trình tán sỏi.
4. Ưu và nhược điểm của kỹ thuật tán sỏi nội soi bằng ống mềm
4.1. Ưu điểm:
- Nội soi tán sỏi thận ống mềm bằng laser là kỹ thuật hiện đại, ít xâm lấn trong điều trị bệnh lý sỏi đường tiết niệu.
- Tán sỏi bằng ống mềm giúp bảo tồn tối đa chức năng của thận và giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng. Người bệnh có thể ra viện sau 2 ngày nằm viện.
- Người bệnh không có vết mổ, mọi thao tác được thực hiện qua đường tự nhiên.
- Người bệnh giảm thiểu đau đớn trong và sau quá trình điều trị, không để lại sẹo.
4.2. Nhược điểm:
- Ít hiệu quả đối với sỏi có kích thước trên 25mm.
- Không thực hiện được trong các trường hợp người bệnh bị hẹp niệu quản hoặc gấp khúc; người bệnh bị nhiễm trùng đường tiết niệu, người bệnh bị dị dạng thận hoặc niệu quản.
- Có thể gặp một số biến chứng sau phẫu thuật như: thận ứ nước bên tán sỏi, tiểu ra máu.
5. Chăm sóc người bệnh sau khi tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser
Chăm sóc người bệnh sau khi nội soi tán sỏi ống mềm bằng chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý:
- Uống đủ nước mỗi ngày để thanh lọc cơ thể, loại bỏ các chất độc hại, cặn bã tồn đọng ở thận ra khỏi cơ thể.
- Ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa: giúp người bệnh có thể hấp thu được tốt hơn, khả năng hồi phục nhanh hơn, không gây áp lực cho người bệnh khi đi vệ sinh.
- Không nhịn tiểu để tránh gây áp lực cho bàng quang và hệ tiết niệu.
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa nhiều oxalat để hạn chế nguy có tái hình thành sỏi.
- Không ăn mặn để giảm tải gánh nặng cho thận, giảm lượng oxalate trong nước tiểu.
- Tránh ăn nhiều thực phẩm chứa chất purin gây sỏi thận như cá khô, tôm khô, các loại mắm…
- Không hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia và đồ uống chứa chất kích thích.
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên giúp nâng cao sức khỏe và tăng sức đề kháng.
Tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser là phương pháp hiện đại, ít xâm lấn, bảo tồn tối đa chức năng thận. Tuy nhiên kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ giàu kinh nghiệm với trang thiết bị hiện đại. Do đó người bệnh nên tìm đến các bệnh viện lớn, uy tín để giảm thiểu các rủi ro và nâng cao kết quả điều trị.