Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị sỏi thận, sỏi niệu quản hữu hiệu, mang lại hiệu quả điều trị cao, thời gian nằm viện ngắn, ít gây biến chứng cho người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp một số biến chứng khi tán sỏi qua ngoài cơ thể, người đọc tìm hiểu ngay những biến chứng này qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu chung về tán sỏi ngoài cơ thể
1.1 Tán sỏi ngoài cơ thể là gì?
Đây là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu hiện đại, không xâm lấn và nhanh phục hồi bậc nhất hiện nay. Phương pháp này sử dụng sóng xung kích chiếu hội tụ từ bên ngoài cơ thể vào viên sỏi để phá vỡ sỏi thành nhiều mảnh vụn nhỏ. Vụn sỏi sẽ được đào thải ra ngoài thông qua đường tiểu.
1.2 Trường hợp chỉ định và chống chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể
Những trường hợp chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể
Không phải ai cũng phù hợp và điều trị hiệu quả khi sử dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Những trường hợp bệnh nhân sau thường được chỉ định sử dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể:
– Sỏi thận kích thước nhỏ hơn 2cm
– Sỏi niệu quản đoạn ⅓ trên sát bể thận kích thước nhỏ hơn 1cm
– Sỏi thận tái phát hoặc sỏi còn sót lại sau phẫu thuật
Những trường hợp chống chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể
Ngoài ra, để đảm bảo quá trình tán sỏi thành công và thuận lợi, hạn chế các biến chứng sau tán sỏi; nhiều trường hợp bệnh nhân chống chỉ định với tán sỏi ngoài cơ thể, trong đó:
– Phụ nữ đang mang thai
– Bị chứng rối loạn đông máu
– Người bệnh có dị dạng về đường niệu(hẹp niệu quản, hẹp niệu đạo…)
– Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu chưa khỏi
– Người có bệnh suy gan, suy thận hoặc có bệnh lý toàn thân nặng
2. Những biến chứng của tán sỏi ngoài cơ thể cần lưu ý
Tán sỏi ngoài cơ thể có tỉ lệ biến chứng nhất định nên trước khi tiến hành tán sỏi ngoài cơ thể bệnh nhân phải được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo đủ điều kiện tán và tỉ lệ thành công cao. Một số biến chứng mà người bệnh có thể gặp phải sau quá trình tán sỏi ngoài cơ thể như sau:
2.1 Biến chứng ngoài cơ thể
Xuất hiện vết bầm tím ở lưng(gần khu vực được điều trị)
Một số trường hợp, bệnh nhân có thể xuất hiện một số vết bầm tím ở quanh khu vực tán sỏi. Người bệnh hoàn toàn không cần lo lắng, bởi vết bầm sẽ tự biến mất sau một thời gian ngắn.
Tiểu ra máu hoặc tiểu buốt
Một vài bệnh nhân có thể thấy một lượng nhỏ máu hòa lẫn trong nước tiểu. Ngoài ra, một số bệnh nhân cũng có thể cảm thấy buốt nhẹ khi đi tiểu do các mảnh sỏi đào thải ra ngoài cùng nước tiểu. Hai triệu chứng này thường biến mất sau vài ngày.
Đau nhức lưng nhẹ trong 1-2 ngày đầu
Ngay sau khi tán sỏi hoặc sau vài giờ, người bệnh có thể cảm thấy căng cứng hoặc đau nhức lưng. Đây là biến chứng hoàn toàn bình thường và sẽ tự khỏi sau 1-2 ngày.
2.2 Biến chứng trong cơ thể
Tăng huyết áp
Nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp có thể là biến chứng muộn của tán sỏi ngoài cơ thể. Tác động gây thay đổi huyết áp tâm trương do sóng xung kích tán sỏi vẫn tiếp tục diễn ra ngay cả khi đã được bác sĩ kiểm soát. Ngoài ra, tuổi tác, giới tính, bệnh về huyết áp trước điều trị và số lần điều trị tán sỏi… cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Tụ máu tại thận
Sóng xung kích có thể gây tổn thương nhẹ đến thận và chức năng của thân. Đi tiểu ra máu hồng nhạt chính là biểu hiện của tổn thương thận sau tán sỏi, tuy nhiên tình trạng này sẽ tự hết sau một vài ngày. Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân sẽ bị tụ máu trong nhu mô thận, tụ máu dưới vỏ thận; tình trạng này cần được can thiệp để giải quyết khối máu tích tụ.
Tắc nghẽn niệu quản
Sau khi tán sỏi, trường hợp các mảnh sỏi tụ lại một chỗ hoặc các mảnh sỏi lớn sẽ ngăn dòng nước tiểu đi qua niệu quản dẫn đến “tắc” niệu quản.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Tỷ lệ nhiễm khuẩn đường niệu không cao, tuy nhiên cũng có một số trường hợp sau tán sỏi, vi khuẩn giải phóng từ sỏi hoặc sỏi cọ xát gây tổn thương đường tiểu dẫn tới nhiễm trùng.
Sỏi tái phát
Tình trạng sỏi không phải chỉ sau một lần tán sỏi là có thể khỏi hoàn toàn. Các mảnh sỏi còn sót lại chưa được đào thải hết có thể kết tinh với những khoáng chất trong nước tiểu tạo thành sỏi mới.
Đặc biệt, bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, đặc biệt là:
– Cục máu đông trong nước tiểu.
– Sốt.
– Cơn đau ngày một tăng dần về cấp độ.
– Không đi tiểu được.
– Buồn nôn hoặc nôn.
3. Phòng ngừa biến chứng sau khi tán sỏi ngoài cơ thể
Trong quá trình hồi phục sau tán sỏi ngoài cơ thể, người bệnh có thể:
– Thu thập các mảnh sỏi sau mỗi lần đi tiểu: Người bệnh có thể được bác sĩ cung cấp dụng cụ lọc nước tiểu(hình dạng giống một chiếc phễu có lưới) để thu thập mảnh sỏi. Qua đó, các bác sĩ có thể có các biện pháp ngăn ngừa sỏi mới.
– Phân tích các mẫu sỏi: Trong lần tái khám, người bệnh có thể mang mẫu sỏi trong cơ thể đến để tổng phân tích nguyên nhân hình thành, kết cấu để tránh tái phát.
Bên cạnh đó, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, bảo vệ cơ thể qua một số lưu ý sau:
– Giảm lượng thức ăn có nhiều oxalat, canxi
– Uống một số loại thuốc kiểm soát lượng khoáng chất phát triển trong nước tiểu
– Tránh ăn các thực phẩm dễ tạo sỏi như: Đồ ăn nhiều dầu mỡ, ăn nhiều muối…
– Uống nhiều nước mỗi ngày, nên uống nhiều nước có tính mát, lợi tiểu, thải canxi như: nước bột sắn, nước đỗ đen, nước ép hoa quả…
Tuy có một số biến chứng sau phẫu thuật nhưng không thể phủ nhận độ hiệu quả, an toàn, nhanh chóng mà phương pháp này mang lại. Mong rằng những chia sẻ trên đã cung cấp cho người đọc thêm kiến thức hữu ích về những biến chứng của tán sỏi ngoài cơ thể và phương pháp phòng tránh phù hợp nhất.