Hẳn bất kỳ ai trong chúng ta đều nhận thức được mức độ nguy hiểm của ung thư nhưng không nhiều người hiểu và có những hiểu nhầm về tầm soát ung thư. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Menu xem nhanh:
1. Những hiểu lầm liên quan tới đối tượng tầm soát ung thư
Tầm soát ung thư (hay sàng lọc ung thư) là việc thực hiện các bài kiểm tra chuyên khoa nhằm đánh giá nguy cơ mắc ung thư hoặc phát hiện ung thư. Những đối tượng có nguy cơ ung thư cao chắc chắn là những người nên thực hiện khám tầm soát sớm và thường xuyên. Tuy nhiên, cũng có không ít những hiểu lầm liên quan tới các đối tượng cần phải khám đánh gia nguy cơ ung thư mà bạn có thể sẽ rất bất ngờ đấy.
1.1. Hiểu lầm 1 – Người trẻ tuổi không cần tầm soát ung thư
Đây là một hiểu nhầm thể hiện sự chủ quan của của nhiều người. Thực tế, người lớn tuổi vẫn là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và có tỷ lệ ung thư cao nhất. Nguyên nhân chính là do người già có sức đề kháng yếu, quá trình lão hóa có thể làm gia tăng các yếu tố gây bệnh nghiêm trọng, trong đó có ung thư. Tuy nhiên, ung thư đang ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa, người trẻ cũng có nguy cơ cao mắc ung thư bởi lối sống thiếu lành mạnh.
Tại Việt Nam, nhóm tuổi 15 – 29 thường gặp 3 loại bệnh ung thư phổ biến nhất đó là ung thư máu, ung thư tuyến giáp và ung thư vú. Trong đó, 20% ca mắc ung thư vú được phát hiện trước tuổi 30. Đặc biệt, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư vú trẻ tuổi lại thường thấp hơn phụ nữ lớn tuổi.
1.2. Hiểu lầm 2 – Phụ nữ mang thai thì không cần tầm soát ung thư
Phụ nữ có thai không được khuyến khích thực hiện tầm soát nguy cơ ung thư. Nguyên nhân là vì một số phương pháp tầm soát như chụp X-quang, chụp CT sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi, thậm chí là gây dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên bất cứ khi nào có dấu hiệu bất thường, bạn phải đi khám ngay. Hãy lưu ý với bác sĩ nếu bạn nghi ngờ bản thân mang thai hoặc nói rõ bạn đã mang thai tới giai đoạn nào. Dựa trên điều kiện thực tế, các bác sĩ sẽ có những chỉ định dành riêng cho bạn.
2. Hiểu lầm về việc có triệu chứng bất thường mới cần sàng lọc ung thư
Nhiều người cho rằng kiểm tra nguy cơ ung thư chỉ dành cho người có dấu hiệu bất thường về sức khỏe và người khỏe mạnh thì không cần khám tầm soát. Đây là một quan niệm sai lầm bởi hầu hết các bệnh ung thư giai đoạn khởi phát thường không có biểu hiện hoặc triệu chứng không rõ ràng. Đôi khi, các dấu hiệu ban đầu còn bị nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường khác.
Chính vì vậy, tầm soát nguy cơ ung thư được khuyến khích cho tất cả mọi người ngay cả khi chưa có triệu chứng. Điều này ngắm phát hiện ra ung thư ở giai đoạn sớm, tăng cơ thội điều trị thành công. Những đối tượng nên thực hiện tầm soát là người trên 40 tuổi và người có các yếu tố nguy cơ ung thư, ví dụ như: hút thuốc lá, uống rượu bia, gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư…
3. Hiểu lầm về việc tầm soát 1 lần/năm là đủ
Các chuyên gia khuyến cáo chúng ta nên tầm soát định kỳ 1 lần/năm. Điều này gây ra hiểu nhầm đối với nhiều người, họ cho rằng với tần suất tầm soát như vậy thì chắc chắn không bị ung thư. Tuy nhiên, việc tầm soát chỉ có mục đích là đánh giá nguy cơ mắc bệnh hoặc phát hiện bệnh. Do đó việc thực hiện tầm soát định kỳ không thể đảm bảo chắc chắn bạn không bị mắc ung thư.
Đối với những đối tượng có kết quả thăm khám bình thường, không có yếu tố nguy cơ ung thư thì tần suất khám tầm soát nên là 1 lần/năm. Những đối tượng có kết quả bất thường thì nên kiểm tra nhiều hơn để theo dõi biểu hiện của vấn đề. Bên cạnh đó, bất kỳ khi nào cảm thấy có các triệu chứng bất thường, chẳng hạn như ho khan kéo dài, nổi hạch không rõ nguyên nhân, chảy máu bất thường, sụt cân đột ngột… thì bạn nên đi khám ngay, không nhất thiết phải chờ đủ thời gian 1 năm.
4. Hiểu lầm về việc chỉ cần xét nghiệm máu là có thể phát hiện được ung thư
Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư là một phương pháp khám tầm soát nguy cơ ung thư khá phổ biến. Ưu điểm của phương pháp tầm soát thông qua xét nghiệm máu chính là đơn giản, nhanh gọn, ít gây đau đớn cho bệnh nhân. Cùng với một mẫu xét nghiệm, chúng ta có thể đồng thời kiểm tra nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là tính chính xác không cao. Vì thế, kết quả xét nghiệm máu chỉ mang tính gợi ý nhằm phát hiện sớm ung thư. Để bổ sung, củng cố cho kết quả ung thư máu, các bác sĩ thường sẽ kết hợp thêm nhiều phương pháp tầm soát khác tùy theo nguy cơ mắc ung thư của từng bệnh nhân.
5. Hiểu lầm về việc đã tiêm phòng HPV thì không cần tầm soát ung thư cổ tử cung
Hiện nay có vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung và loại vaccine này được khuyến khích dùng cho trẻ gái và phụ nữ trẻ từ 9 – 26 tuổi, chưa quan hệ tình dục. Đây là một “lá chắn” giúp bảo vệ phụ nữ khỏi nguy cơ ung thư, nhưng cũng nhiều người lại nghĩ rằng đã tiêm vaccine thì sẽ không mắc bệnh nên việc ra soát nguy cơ ung thư cổ tử cung là thừa thãi.
Theo các chuyên gia, tiêm phòng không thể thay thế vai trò của khám tầm soát, bởi vaccine chỉ giúp chúng ta chống lại các loại virus HPV 16 và 18 (là 2 loại virus HPV gây ra 70% trường hợp ung thư cổ tử cung). Bên cạnh đó, vaccine HPV còn giúp người được tiêm giảm nguy cơ mắc virus 6 và 11 gây bệnh mụn cóc sinh dục. Nhưng có khoảng hơn 13 loại HPV khác nhau có thể gây ra ung thư cổ tử cung. Vì vậy, dù đã tiêm phòng vaccine HPV, bạn cũng không nên bỏ qua việc tầm soát.
Hy vọng với bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về tầm soát ung thư và vai trò của nó. Hãy chủ động phòng tránh trước khi ung thư gõ cửa. Chúc bạn sức khỏe!