Với những người có vấn đề sức khỏe về gan, khái niệm nồng độ AFP không còn xa lạ. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ ý nghĩa, vai trò của xét nghiệm AFP và tầm soát ung thư AFP.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu đúng về tầm soát ung thư AFP
AFP (Alpha foeto protein) là protein huyết tương được hình thành trong tế bào gan non của bào thai và giảm dần trong quá trình phát triển.
Người trưởng thành có nồng độ AFP trong máu nhỏ hơn 25 UI/ml. Trường hợp chất này tăng cao có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề về sức khỏe như:
- Các bệnh về gan: Ung thư gan, xơ gan, viêm gan B, viêm gan C,…
- Các bệnh ung thư đường tiêu hóa
- Một số ung thư khác như ung thư buồng trứng, ung thư tinh hoàn,…
- Thai nhi có dấu hiệu dị tật hoặc các triệu chứng bệnh lý bất thường
Như vậy, xét nghiệm AFP được thực hiện cho các bà mẹ mang thai và người trưởng thành có bất thường sức khỏe. Ở tháng thứ 4 thai kỳ, người mẹ cần làm xét nghiệm AFP nhằm phát hiện các khuyết tật có thể xuất hiện với thai nhi như đa thai, nứt đốt sống,… từ đó có hướng xử lý kịp thời.
Với người lớn, AFP được coi là chất chỉ điểm khối u, đặc biệt là ung thư gan. Khi kết quả xét nghiệm nồng độ AFP trong máu bệnh nhân lớn hơn 300 UI/ml, bác sĩ có cơ sở nghi ngờ người bệnh mắc ung thư gan. Trong y học, tầm soát AFP được coi là phương pháp hỗ trợ trong việc phát hiện và điều trị bệnh ung thư gan.
2. Có thể phát hiện ung thư gan qua xét nghiệm AFP không?
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của xét nghiệm AFP trong tầm soát ung thư gan. Tuy nhiên, thực hiện xét nghiệm AFP đơn lẻ không thể kết luận được bệnh nhân có mắc ung thư gan hay không. Bởi nồng độ AFP trong máu tăng cao không chỉ là dấu hiệu của ung thư gan, mà có thể là xơ gan, viêm gan, hoặc các bệnh ung thư khác. Một trường hợp khác, khi ung thư gan ở giai đầu không làm thay đổi nồng độ AFP, khiến kết quả xét nghiệm có thể âm tính giả hoặc dương tính giả. Nếu vội kết luận ung thư gan sẽ dẫn tới nhầm lẫn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh về sau.
Do vậy, khi kết quả xét nghiệm nồng độ AFP trong máu bệnh nhân tăng cao, bác sĩ nghi ngờ người bệnh mắc ung thư gan cần chỉ định thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu khác như siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính, công nghệ siêu âm đàn hồi mô gan… Từ kết quả tổng hợp của các danh mục thăm khám, bác sĩ mới có thể kết luận chính xác nhất về tình trạng bệnh lý của người bệnh.
Với bệnh nhân đã có kết luận mắc ung thư gan từ trước đó, xét nghiệm AFP là phương pháp hỗ trợ, giúp bác sĩ theo dõi được tiến trình phát triển của bệnh, đưa ra phác đồ điều trị hợp lý cho từng giai đoạn.
Hiện nay, tại các bệnh viện, cơ sở y tế có dịch vụ tầm soát ung thư, các bước thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh được chuyên gia y học tổng hợp và thiết kế thành gói tầm soát ung thư. Những gói này cần đảm bảo tính khoa học, đầy đủ danh mục khám, phù hợp với từng lứa tuổi, giới tính, thể trạng của từng người, mới có thể cho ra được kết quả sàng lọc ung thư chính xác nhất.
Như vậy, tầm soát ung thư AFP chỉ là phương pháp xét nghiệm chỉ điểm dấu ấn trong toàn bộ quy trình khám – tầm soát ung thư gan. Bạn không nên thực hiện đơn lẻ xét nghiệm AFP mà cần lựa chọn gói tầm soát ung thư phù hợp tại các cơ sở y tế uy tín, chất lượng. Đồng thời, quá trình tầm soát ung thư gan nói riêng, tầm soát ung thư nói chung cần được thực hiện định kỳ 1-2 lần/ năm, vừa giúp theo dõi được tình trạng sức khỏe bản thân, vừa đảm bảo kết quả khám được chính xác, logic.
3. Xét nghiệm tầm soát ung thư gan thích hợp với những ai?
Theo khuyến cáo từ y học, mọi người cần thực hiện tầm soát ung thư gan định kỳ đúng, đủ. Với những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường lại cần đặc biệt chú ý như:
- Người có tiền sử mắc các bệnh về gan, xơ gan, viêm gan, tim mạch, tiểu đường
- Gia đình có người mang tiền sử bệnh lý mắc ung thư gan
- Người nghiện rượu, bia lâu năm, có lối sống và chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học
- Người mắc gan nhiễm mỡ
Với những trường hợp kể trên, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm nồng độ AFP trong máu bệnh nhân kèm theo các biện pháp thăm khám phù hợp khác. Việc tầm soát ung thư gan giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý, từ đó bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị kịp thời, tăng khả năng chữa trị thành công, giảm tỉ lệ tử vong đáng kể cho bệnh nhân.
4. Xét nghiệm AFP tiến hành như thế nào?
4.1. Quy trình thực hiện xét nghiệm
Trước khi tiến hành xét nghiệm, bệnh nhân cần chuẩn bị đầy đủ cả về hồ sơ và tâm lý, đồng thời lưu ý theo chỉ dẫn tại các cơ sở y tế. Mỗi địa điểm thăm khám sẽ có những khác biệt trong quy trình thăm khám. Do vậy, người bệnh cần trao đổi kỹ với nhân viên tư vấn của bệnh viện để buổi xét nghiệm diễn ra nhanh chóng, thành công.
Sau khi hoàn thiện và nộp hồ sơ tại cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tới khu vực lấy máu xét nghiệm. Mẫu máu được nhân viên y tế lấy từ tĩnh mạch tại cánh tay, lưu trữ trong điều kiện tiêu chuẩn, đảm bảo không ảnh hưởng tới kết quả chẩn đoán. Sau khi kết thúc quá trình kiểm tra, người bệnh được bệnh viện trả và phân tích kết quả trực tiếp. Tùy thuộc vào các danh mục khám bệnh nhân đã lựa chọn, hay thực tế buổi xét nghiệm, mà quá trình xét nghiệm – trả kết quả có thể diễn ra nhanh hay lâu, trung bình thời gian từ 15-30 phút. Kết thúc buổi xét nghiệm AFP, bệnh nhân có thể quay về chế độ sinh hoạt bình thường mà không bị ảnh hưởng.
4.2 Lưu ý cần biết trước khi xét nghiệm
Một số lưu ý thay đổi nhỏ về thói quen mà bệnh nhân cần lưu ý trước buổi lấy máu như:
- Không ăn sáng trước khi lấy máu
- Không hút thuốc, uống rượu bia, các chất kích thích từ 12-24h trước khi lấy máu
- Không ăn đồ chiên rán, dầu mỡ, đồ có nhiều chất béo
- Uống nhiều nước
- Đặt lịch khám trước để tiết kiệm thời gian, không phải chờ đợi
Trên đây là một số thông tin tham khảo về chỉ số AFP trong xét nghiệm tầm soát ung thư gan. Hy vọng mọi người có cái nhìn tổng quát về vấn đề này, cũng như tích lũy kinh nghiệm để tầm soát ung thư sao cho đúng – đủ – chuẩn xác.