Tại sao xét nghiệm máu không được ăn sáng?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Đỗ Thị Hằng

Trưởng khoa Xét nghiệm

Xét nghiệm máu là một trong những danh mục khám quan trọng được thực hiện trong hầu hết các quy trình thăm khám. Trong đó, có một số xét nghiệm máu yêu cầu bệnh nhân không được ăn sáng. Vậy đó là những xét nghiệm nào và tại sao xét nghiệm máu không được ăn sáng? Hãy cùng giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

1. Tại sao lại không được ăn sáng trước khi xét nghiệm máu?

Sau khi trải qua quá trình tiêu hóa, hầu hết thức ăn sẽ chuyển hóa thành các chất và được hấp thụ vào trong máu. Tiếp theo, máu sẽ vận chuyển các chất đó đến từng cơ quan chuyên biệt. 

Do đó, thành phần các chất trong máu sau khi ăn sẽ có sự thay đổi. Nếu bạn ăn trước khi đi xét nghiệm thì có thể dẫn tới kết quả không được chính xác. 

Các xét nghiệm máu sẽ được các bác sĩ chỉ định vào buổi sáng sớm. Điều này nhằm đảm bảo thời gian nhịn ăn mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh nhân. Đây cũng là thời gian thích hợp để đánh giá chính xác nồng độ một số chất hơn những thời điểm khác trong ngày. 

Vì vậy, trong một số trường hợp, bạn được yêu cầu hoặc hướng dẫn không ăn sáng trước khi đi xét nghiệm máu.

Tại sao xét nghiệm máu không được ăn sáng

Nhịn ăn sáng là yêu cầu bắt buộc trong một số xét nghiệm máu

2. Các xét nghiệm máu cần nhịn ăn sáng?

Trên thực tế, không phải xét nghiệm máu nào cũng cần nhịn ăn sáng. Đối với các xét nghiệm nhóm máu, bạn không cần nhịn ăn bởi việc phân loại nhóm máu dựa trên loại kháng nguyên có trên bề mặt hồng cầu trong máu. Kháng nguyên này được quy định bởi gen di truyền, không chịu tác động của các yếu tố bên ngoài. 

Ngược lại, có một số xét nghiệm chuyên biệt mà bạn cần nhịn ăn sáng bao gồm:

2.1 Xét nghiệm máu kiểm tra đường huyết

Xét nghiệm đường huyết là cơ sở quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh tiểu đường. Xét nghiệm đường huyết bao gồm: đo nồng độ glucose lúc đói, glucose sau khi ăn, glucose ngẫu nhiên, định lượng HbA1c.  Đối với xét nghiệm đo nồng độ glucose lúc đói và HbA1c, bạn không được ăn trong vòng 8 – 10 giờ trước khi làm xét nghiệm. 

Khi nhịn ăn, lượng đường trong máu sẽ được xác định chính xác nhất. Từ đó các bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán hoặc loại trừ được bệnh một cách nhanh chóng. 

2.2 Xét nghiệm sắt trong máu

Xét nghiệm này dùng để đo hàm lượng sắt chứa trong máu, nhờ đó xác định được các bệnh về máu do thiếu sắt. 

Sắt là thành phần có trong hầu hết trong thức ăn. Do đó, trước khi làm xét nghiệm này, bệnh nhân sẽ cần nhịn ăn vào buổi sáng để đảm bảo kết quả xét nghiệm không bị sai lệch. 

2.3 Xét nghiệm cholesterol máu

Bệnh mỡ máu sẽ được xác định dựa vào nồng độ cholesterol trong máu. Các chỉ số đánh giá bao gồm cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, HDL cholesterol và triglyceride

Xét nghiệm cholesterol máu giúp các bác sĩ dự đoán được mối nguy cơ cao đối với các bệnh về tim mạch. Từ đó, tư vấn cho bệnh nhân cách cải thiện hoặc phòng tránh.

Thông thường, lượng cholesterol sẽ tăng cao khi bạn vừa mới nạp thức ăn vào cơ thể. Để có kết quả chính xác, bạn không nên ăn trong vòng tối thiểu 9 tiếng trước khi xét nghiệm. 

Xét nghiệm mỡ máu là một trong những xét nghiệm mà bệnh nhân không được ăn sáng

Xét nghiệm mỡ máu là một trong những xét nghiệm mà bệnh nhân không được ăn sáng

2.4 Xét nghiệm chức năng thận

Thời gian nhịn ăn của bệnh nhân chuẩn bị thực hiện các xét nghiệm máu để đánh giá chức năng thận đều thường từ 8 đến 12 giờ. Tại sao xét nghiệm máu không được ăn sáng trong trường hợp này? Bởi sau thời gian nhịn ăn, lượng chất còn lại trong thận mới không bị lẫn các chất dư thừa trong cơ thể. Đồng thời, các chất dinh dưỡng cũng đã được hấp thu đến các cơ quan cần thiết. Kết quả xét nghiệm sau khi nhịn ăn trong khoảng thời gian này cho biết chính xác thận của bạn đã làm việc như thế nào. 

2.5 Xét nghiệm chức năng gan

Xét nghiệm chức năng gan là xét nghiệm thường được chỉ định đối với người bệnh để đánh giá các chức năng của gan, tình trạng tổn thương gan. Đặc biệt là khi bệnh nhân có các triệu chứng như sút cân không rõ nguyên nhân, nghiện bia, rượu, hoặc đang sử dụng thuốc điều trị bệnh gan.

Việc ăn uống trước khi xét nghiệm máu có thể khiến men gan và một số chỉ số khác tăng cao, dẫn đến kết quả không chính xác. Vì vậy, người bệnh được yêu cầu nhịn ăn sáng trước khi thực hiện xét nghiệm này.

2.5 Các xét nghiệm khác

Ngoài các xét nghiệm trên, một số xét nghiệm chuyển hóa cơ bản khác cũng được yêu cầu phải nhịn ăn như:

– Xét nghiệm cân bằng điện giải: Thời gian yêu cầu nhịn ăn đối với các trường hợp này là trong 10 – 12 giờ trước xét nghiệm. 

– Xét nghiệm hàm lượng vitamin B12: Với xét nghiệm này, người bệnh thường được yêu cầu nhịn ăn trong 6 – 8 giờ trước khi xét nghiệm. Ngoài ra, người bệnh cũng cần báo cho bác sĩ biết các loại thuốc đang dùng.

Ngoài nhịn ăn, bạn cũng không được uống gì ngoài nước lọc trước khi làm xét nghiệm máu

Ngoài nhịn ăn, bạn cũng không được uống gì ngoài nước lọc trước khi làm xét nghiệm máu

3. Những lưu ý khác khi xét nghiệm máu

– Đối với những trường hợp được yêu cầu nhịn ăn, bệnh nhân cũng không được uống bất cứ loại đồ uống nào ngoài nước lọc trước khi xét nghiệm.

Nếu lỡ ăn hay uống một thứ gì đó trong khoảng thời gian được yêu cầu nhịn ăn thì bạn hãy nói với bác sĩ để có phương án xử lý phù hợp cần thiết như dời lịch xét nghiệm chẳng hạn. 

Hi vọng các bạn đã hiểu tại sao xét nghiệm máu không được ăn sáng. Hãy tuân thủ theo những hướng dẫn của bác sĩ và các nhân viên y tế để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital