Suy tim có nguy hiểm không và cách phòng bệnh

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Suy tim là hậu quả của nhiều bệnh lý tim mạch, đặc trưng bởi sự suy giảm khả năng co bóp và thực hiện các chức năng. Biểu hiện của bệnh gồm khó thở, ho khan, sưng phù nhiều nhưng cũng có thể không có bất cứ dấu hiệu gì. Vậy bệnh suy tim có nguy hiểm không và cách hạn chế những ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe ra sao, cùng tìm hiểu qua bài viết sau. 

1. Suy tim gây ảnh hưởng thế nào đến người bệnh?

Suy tim là tình trạng tim suy yếu do những tổn thương thực thể hoặc rối loạn chức năng. Điều này khiến tâm thất không nhận đủ máu để cung cấp cho tim cũng như cả cơ thể. Suy tim giai đoạn đầu có thể không biểu hiện và không gây ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe. Nhưng nếu để tình trạng này kéo dài, người bệnh có thể gặp những triệu chứng như:

– Khó thở, tức ngực, hụt hơi, thở dốc, mệt mỏi khi gắng sức hoặc mang vác nặng

– Luôn cảm thấy mệt mỏi như suy nhược cơ thể do máu nuôi cơ thể không đủ

– Khó ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon giấc do máu lên não kém

– Hoa mắt, chóng mặt, có thể ngất xỉu, đặc biệt là khi quá mệt mỏi và gắng sức

– Hay bị hồi hộp, tim đập thình thịch, nhịp nhanh

– Sưng phù chân thường gặp ở các bệnh nhân suy tim nặng

– Tăng cân bất thường do máu lưu thông kém, thận giảm khả năng thải dịch gây tích nước

– Tiểu đêm nhiều hơn bình thường, chán ăn, buồn nôn. 

Các triệu chứng này có thể hết sức nhẹ nhàng nhưng cũng có thể dữ dội khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe.

Bệnh suy tim có nguy hiểm hay không nếu ở giai đoạn nhẹ

Ở giai đoạn nhẹ, bệnh nhân có thể chưa bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt nhưng không thể chủ quan.

2. Tìm hiểu bệnh suy tim có nguy hiểm không?

2.1 Bệnh suy tim có nguy hiểm không nếu ở giai đoạn nhẹ

Bệnh tim ở giai đoạn nhẹ thường không nguy hiểm, ít gây ảnh hưởng đến cuộc sống và tính mạng của người bệnh. Các triệu chứng có thể không biểu hiện hoặc biểu hiện không rõ ràng nên người bệnh thường không cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, điều này cũng khiến người bệnh dễ bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo, dẫn đến bệnh suy tim tiến triển sang giai đoạn nặng với tốc độ nhanh chóng và gây biến cố nguy hiểm. 

2.2 Bệnh suy tim có nguy hiểm không nếu ở giai đoạn nặng

Khi bước sang giai đoạn nặng, những biến chứng suy tim có thể đột ngột xảy ra khiến người bệnh bị đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng. Sau đây là các biến chứng suy tim nguy hiểm mà người bệnh thường gặp phải:

– Hỏng van tim

Tim có 4 van với nhiệm vụ giữ cho máu chảy theo một chiều nhất định. Ở người bệnh suy tim, cấu trúc van tim có thể thay đổi theo thời gian. Nguyên nhân là do tim phải gắng sức mỗi ngày để bù lượng máu bị thiếu hụt, các dây chằng xung quanh van tim bị giãn, đứt, gây hỏng van.

– Chức năng thận suy giảm

Khi tim suy yếu, khả năng bơm máu của tim giảm sút khiến thận không được cung cấp đầy đủ máu. Điều này khiến thận giảm chức năng lọc, đào thải độc tố, muối và nước ra khỏi cơ thể. Muối bị giữ lại trong cơ thể gây tăng huyết áp, dẫn tới tình trạng phù nề.

Suy giảm chức năng thận cũng khiến người bệnh suy tim tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng tim mạch, tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong.

– Cơ thể bị thiếu máu

Đây là hậu quả tất yếu của việc suy giảm chức năng thận ở bệnh nhân suy tim. Thận yếu khiến cơ thể không thể sản xuất đầy đủ hormone tạo hồng cầu trong tủy xương gây thiếu máu. Đồng thời thiếu máu cũng khiến cho bệnh suy tim ngày càng trầm trọng, tạo thành vòng luẩn quẩn.

– Tổn thương gan

Ở người bệnh suy tim, nhất là người bị suy tim phải, tim giảm khả năng hút máu, dẫn đến gan buộc phải tăng kích thước để chứa máu, gây tổn thương nghiêm trọng cho gan, tiềm ẩn nguy cơ xơ gan, suy gan.

– Phù phổi cấp

Người bệnh suy tim có thể gặp cơn phù phổi cấp do dịch ứ trệ tại phổi. Các triệu chứng gồm: da nhợt nhạt, khó thở, ho ra bọt màu hồng, cảm giác được mô tả như chết đuối,…

– Rối loạn nhịp tim

Các rối loạn nhịp tim thường gặp ở bệnh nhân suy tim nặng là: rung tâm nhĩ, block nhánh trái, nhịp tim nhanh thất và rung thất.

– Đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Khi chức năng bơm máu của tim giảm, máu bị ứ lại tại các buồng tim, tạo cơ hội thuận lợi hình thành cục máu đông. Các cục máu đông này có thể gây tắc nghẽn động mạch vành dẫn tới cơn nhồi máu cơ tim cấp, tắc nghẽn tại mạch máu não, dẫn tới đột quỵ.

Bệnh suy tim có nguy hiểm không nếu ở giai đoạn nặng và gây biến chứng?

Khi tiến triển nặng, suy tim có thể gây những biến chứng nguy hiểm như hỏng van tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim

3. Làm thế nào để giảm thiểu nguy hiểm do suy tim?

Để giảm thiểu những nguy cơ do suy tim gây ra, người bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị tích cực bằng các biện pháp:

3.1 Dùng thuốc

Đây là việc cần làm suốt đời để “sống chung” với căn bệnh suy tim. Các loại thuốc bao gồm thuốc tăng cường chức năng tim, giúp giảm các triệu chứng, thuốc điều trị nguyên nhân gây suy tim và các bệnh lý đi kèm. Người bệnh cần tuân thủ điều trị để sống lâu hơn và giảm nguy cơ tử vong đột ngột.

3.2 Can thiệp hoặc phẫu thuật

Trong trường hợp bệnh suy tim chuyển xấu hoặc không đáp ứng điều trị nội khoa, hay suy tim do các nguyên nhân bệnh lý như bệnh mạch vành, bệnh van tim, rung nhĩ, rung thất, các bác sĩ có thể xem xét các phương án can thiệp, phẫu thuật để sửa chữa cấu trúc tim.

3.3 Thực hiện lối sống lành mạnh

Thay đổi lối sống ở bệnh nhân suy tim gồm:

– Ăn theo chế độ dinh dưỡng thích hợp, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ

– Từ bỏ thuốc lá, rượu bia

– Thường xuyên luyện tập, tham gia hoạt động thể chất

– Duy trì cân nặng trong mức giới hạn quy định

– Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như huyết áp và bệnh tiểu đường.

Làm thế nào để hạn chế sự nguy hiểm của bệnh suy tim

Hầu hết các trường hợp suy tim phải điều trị bằng thuốc.

Đến đây chắc hẳn bạn đã có thể phần nào trả lời câu hỏi “Suy tim có nguy hiểm không?”. Nếu được chẩn đoán suy tim, hãy điều trị sớm nhất có thể và thay đổi lối sống lành mạnh, suy nghĩ lạc quan để giảm thiểu nguy hiểm từ căn bệnh này. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital