Siêu âm tuyến giáp – công cụ hữu hiệu phát hiện sớm bệnh tuyến giáp

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Trần Hoàng Tùng

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Siêu âm tuyến giáp là phương pháp dễ áp dụng, ít tốn kém, không xâm lấn, an toàn cho người bệnh. Hình ảnh thu được từ siêu âm có thể đánh giá những bất thường ở tuyến giáp, phát hiện sớm bệnh lý tuyến giáp, hướng dẫn thủ tục xâm lấn tối thiểu như sinh thiết kim và chọc hút dịch. 

1. Tuyến giáp là gì? Vai trò của tuyến giáp?

Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng và lớn nhất trong cơ thể. Có hình dạng như hình con bướm. Vị trí ở phía trước cổ, ngang hàng với các đốt xương sống C5-T1. Tuyến giáp có 2 thùy (thùy trái và thùy phải) và 1 eo tuyến nối với 2 thùy. Mỗi thùy áp vào mặt trước bên của sụn giáp và phần trên khí quản. 

Tuyến giáp tiết hormone T4 (thyroxine) và T3 (triidothyronine) có chức năng điều hòa chuyển hóa trong cơ thể, đồng thời nhận ảnh hưởng điều hòa của hormone TSH từ tuyến yên trên não.

tuyến giáp là gì

Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng, lớn nhất trong cơ thể, hình dạng như hình con bướm.

Cụ thể: 

  • Chịu sự có chức năng điều tiết lượng canxi, photpho trong máu luôn duy trì ở mức ổn định
  • Tăng cường trao đổi chất
  • Kích thích sinh trưởng phát dục
  • Kích thích hoạt động của tim
  • Tác động đến hoạt động của tuyến sinh dục và tuyến sữa
  • Tăng trưởng quá trình tạo nhiệt
  • Kích thích sự phát triển và hoàn thiện hệ thần kinh. 

2. Các bệnh lý tuyến giáp hay gặp 

Khi tuyến giáp bị rối loạn hay hoạt động không tốt có thể làm “xáo trộn” sự chuyển hóa trong cơ thể. Nếu không được xử trí sớm, có thể gây nhược năng tuyến giáp (suy giảm chức năng tuyến giáp) hay bệnh Basedo (hội chứng cường giáp). 

Một số bệnh lý tuyến giáp hay gặp phải như: 

  • Suy giáp
  • Cường giáp
  • U, nang tuyến giáp
  • Ung thư tuyến giáp

3. Siêu âm tuyến giáp là gì? 

siêu âm tuyến giáp

Sóng âm thanh tần số cao được phát ra từ máy siêu âm không gây hại cho sức khỏe của người bệnh.

Đây là phương pháp sử dụng công nghệ sóng âm thanh tần số cao được phát ra từ máy siêu âm, quét qua tuyến giáp cho hình ảnh cụ thể và chi tiết trên màn hình. Từ đó giúp bác sĩ đánh giá và chẩn đoán sớm các bệnh lý tuyến giáp. Sử dụng để hướng dẫn các thủ thuật xâm lấn như tiêm, sinh thiết tế bào, chọc hút dịch. Ngoài ra, phương pháp này còn được sử dụng để kiểm tra kích thước tuyến giáp, tổn thương tại tuyến giáp, xác định nhân tuyến giáp là lành tình hay cần phải làm sinh thiết. Theo dõi khu vực vùng cổ có liên quan, đồng thời theo dõi mức độ tiến triển của bệnh lý về tuyến giáp (nếu có).

4. Ưu điểm của siêu âm tuyến giáp

  • Kỹ thuật này tương đối dễ thực hiện, cho kết quả nhanh, không xâm lấn nên không gây đau đớn cho người bệnh. 
  • Sóng siêu âm là sóng âm thanh nên an toàn cho người bệnh. 
  • Độ phân giải siêu âm cao có thể quan sát các cấu trúc mô mềm mà chụp x quang không thấy rõ. 
  • An toàn cho tất cả đối tượng kể cả trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và đang cho con bú. 
  • Phát hiện sớm những bất thường tuyến giáp kể cả các nang giáp có kích thước nhỏ. Định hướng cho các thủ thuật xâm lấn như tiêm, sinh thiết tế bào, chọc hút dịch,…

5. Khi nào bạn cần siêu âm tuyến giáp?

khi nào cần siêu âm tuyến giáp

Cẩn trọng với những dấu hiệu như đau họng, nuốt vướng, sút cân hoặc tăng cân bất thường, rối loạn kinh nguyệt,…

Bạn có thể thực hiện định kỳ khi thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những tổn thương và theo dõi, có biện pháp xử trí hay can thiệp sớm. Bên cạnh đó, khi cơ thể có một số dấu hiệu “cảnh báo” bệnh lý tuyến giáp, người bệnh nên đi siêu âm  vì chi phí tương đối rẻ mà có thể phát hiện sớm, nếu có vấn đề ở tuyến giáp thì việc điều trị cũng dễ dàng hơn và giúp người bệnh an tâm hơn so với việc đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng. 

Một số dấu hiệu cảnh báo bạn nên đi siêu âm tuyến giáp

  • Căng thẳng, run tay
  • Rối loạn tri giác, kém tập trung
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Phù, cơ thể tích nước
  • Nhịp tim nhanh, hồi hộp, lo lắng
  • Đau nhức cơ
  • Tăng cân
  • Cholesterol cao
  • Chịu lạnh kém, không thể chịu nóng

6. Cần chuẩn bị gì khi siêu âm tuyến giáp?

  • Người bệnh nên mặc quần, áo rộng rãi, thoải mái để thuận tiện cho quá trình siêu âm.
  • Tháo bỏ những đồ trang sức, vật dụng bằng kim loại trên người để đảm bảo sóng siêu âm không bị ảnh hưởng, cho kết quả chính xác.
  • Khi siêu âm nên nằm yên, hít thở đều, thả lỏng cơ thể, thoải mái, hạn chế cử động.
  • Không ngậm kẹo hay ngậm thức ăn, nước trong miệng khi đang siêu âm vì có thể gây sặc, ho, ảnh hưởng đến quá trình và kết quả siêu âm. 
  • Khai báo cho bác sĩ siêu âm về tiền sử bệnh nếu có. 
  • Sau khi siêu âm xong nên lấy giấy mềm, sạch lau sạch phần dịch bôi trên người ở khu vực vừa siêu âm. 

Hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, các loại hình siêu âm liên tục được cải tiến và ra đời như siêu âm đen trắng, siêu âm màu, siêu 2D, 3D, 4D, 5D, siêu âm đàn hồi,… Tuy nhiên siêu âm 2D vẫn có thể giúp phát hiện chính xác tình trạng bệnh lý tuyến giáp. Các loại hình siêu âm 3D, 4D, 5D thường được dùng để siêu âm thai nhi là chủ yếu. Không chỉ cho kết quả giúp chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp mà siêu âm còn giúp định hướng các thủ thuật can thiệp, điều trị như bơm, hút dịch, lấy mẫu bệnh phẩm làm sinh thiết ung thư,…

Người bệnh khi có các biểu hiện bất thường ở tuyến giáp nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được khám, siêu âm tuyến giáp, chẩn đoán đúng và có biện pháp can thiệp kịp thời, giữ gìn sức khỏe tốt nhất. 

7. Bệnh tuyến giáp ở nữ giới cao gấp 10 lần nam giới

Sự khác biệt về cấu trúc giải phẫu cơ thể và chức năng sinh lý của nữ giới có liên quan mật thiết với hormone tuyến giáp so với nam giới, đó là: nữ giới phải trải qua nhiều cột mốc biến động về nội tiết tố hơn nam giới như quá trình dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, sau khi sinh con cho con bú, thời kỳ mãn kinh. Chính nguyên nhân này đã khiến tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ giới cao gấp nhiều lần (theo một số tài liệu thống kê là gấp từ 6-10 lần) so với nam giới.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác cũng làm ảnh hưởng tới hormone tuyến giáp như sử dụng thuốc tránh thai, uống thuốc an thần, thuốc kháng sinh, sử dụng liệu pháp hormone điều tiết,…

8. Một số biện pháp phòng ngừa bệnh tuyến giáp

  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường bổ sung trái cây tươi, rau xanh.
  • Chế độ ăn bổ sung đầy đủ lượng I-ốt giúp tuyến giáp có đủ nguyên liệu để sản sinh hormone và phòng bệnh tuyến giáp.
  • Tập thể dục đều đặn
  • Hạn chế ăn đồ chiên rán, đồ ăn khó tiêu, đồ ăn nhiều dầu mỡ
  • Hạn chế bia, rượu, đồ uống có gas, chất kích thích
  • Hạn chế hút thuốc lá
  • Tránh thức khuya, căng thẳng, stress

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital