Nứt kẽ hậu môn ở trẻ nhỏ không chỉ khiến bé gặp khó khăn trong quá trình đi đại tiện như đau rát, chảy máu, vệ sinh không sạch sẽ có thể gây viêm nhiễm ở vùng hậu môn, con cảm thấy sợ hãi khi mỗi lần phải đi đại tiện. Nếu không xử trí sớm sẽ kéo theo một vòng luẩn quẩn: táo bón – nứt kẽ hậu môn – táo bón nặng hơn và thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác ở vùng hậu môn như bệnh trĩ.
Menu xem nhanh:
1. Nứt kẽ hậu môn ở trẻ là gì?
Nứt kẽ hậu môn là tình trạng lớp niêm mạc ống hậu môn của con có một vết rách nhỏ (nứt kẽ), gây đau và chảy máu khi đại tiện. Vết nứt hậu môn là nguyên nhân chính gây tình trạng đi ngoài phân có máu ở trẻ nhỏ.
2. Nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn ở trẻ nhỏ
- Nguyên nhân chủ yếu gây tình trạng nứt kẽ hậu môn ở trẻ là do hậu quả của táo bón.
Táo bón kéo dài khiến khối phân trở nên to, khô, cứng. Khi đi đại tiện, bé sẽ phải lấy sức để rặn khiến hậu môn bị giãn quá căng, tăng áp lực lên lớp niêm mạc ống hậu môn, khối phân to, cứng sẽ cọ xát với lớp niêm mạc ở hậu môn gây tình trạng “nứt” chảy máu, đau khi đi ngoài, phân có máu.
- Bên cạnh đó, phân lỏng (tiêu chảy) nhiều lần cũng là một trong những nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn.
- Những trẻ có cơ thắt hậu môn (cơ vòng hậu môn) chặt sẽ có nguy cơ bị nứt kẽ hậu môn cao hơn so với trẻ cơ cơ vòng hậu môn bình thường.
- Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như viêm, nhiễm khuẩn hay u vùng hậu môn,… cũng là nguyên nhân gây tình trạng nứt kẽ hậu môn ở trẻ.
3. Biểu hiện của trẻ bị nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn ở trẻ em thường khiến các phụ huynh và bé hoảng loạn vì đi đại tiện phân có máu. Dễ nhầm lẫn với bệnh trĩ. Các biểu hiện của trẻ bị nứt kẽ hậu môn, tương tự với trẻ bị táo bón lâu ngày.
Đó là:
- Bé khó chịu và khóc khi đi đại tiện vì có cảm giác đau rát
- Có máu tươi bên ngoài khối phân
- Có vết rách dọc theo vùng da của ống hậu môn
- Trẻ thường sợ hãi, cố nhịn đại tiện để tránh bị đau
4. Chẩn đoán và xử trí nứt kẽ hậu môn ở trẻ như thế nào?
4.1 Chẩn đoán
Khám lâm sàng và khai thác các triệu chứng như: tiền sử bị táo bón, tiêu chảy, đại tiện có đau không, có chảy máu không, phân có lẫn máu không.
Khi đó các bác sĩ có thể soi đại tràng ống mềm, hoặc đo áp lực hậu môn để xác định nguyên nhân và loại trừ các bệnh phối hợp khác (viêm loét, ung thư đại trực tràng…)
4.2 Xử trí
Nứt kẽ hậu môn gồm 2 dạng: cấp tính (mới bị) và mãn tính (xuất hiện 1 thời gian dài). Với trường hợp trẻ bị nứt kẽ hậu môn mãn tính sẽ điều trị khó và lâu hơn với trẻ bị cấp tính.
Thông thường trẻ bị nứt kẽ hậu môn không cần phải phẫu thuật. Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng điều trị chứng táo bón (nguyên nhân chính gây nứt kẽ hậu môn). Bác sĩ có thể dùng thuốc làm mềm phân cho bé, đồng thời bổ sung chất xơ và dịch vào khẩu phần ăn. Kết hợp uống nhiều nước để làm mềm phân, giúp con đi đại tiện dễ hơn và tạo điều kiện cho vết nứt ở hậu môn mau lành.
Có thể sử dụng thuốc đặt tại chỗ giúp giảm đau, kháng viêm và ngâm hậu môn vào nước ấm nhiều lần trong ngày nhất là sau khi đi đại tiện để làm dịu, lỏng cơ thắt hậu môn, giúp quá trình liền vết nứt hậu môn được tốt hơn.
Ngoài ra, có thể sử dụng thêm một số loại thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ như vaselin hay thuốc mỡ oxit kẽm bôi vào vùng hậu môn cho tới khi vết rách lành hẳn. Điều này sẽ giúp cho con bớt đau hơn khi đi đại tiện.
Trong trường hợp nứt kẽ hậu môn mãn tính, các biện pháp điều trị nội khoa không có tác dụng. Bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật mở một phần cơ thắt hậu môn. Đây là phương pháp làm cho cơ thắt hậu môn lỏng hơn, giảm đau, giảm co thắt, giúp quá trình liền sẹo diễn ra tốt hơn. Tuy nhiên, biến chứng có thể xảy ra khi phẫu thuật điều trị nứt kẽ hậu môn là người bệnh sẽ bị giảm khả năng kiểm soát cơ thắt hậu môn với khí hoặc phân lỏng.
5. Nứt kẽ hậu môn có tái phát không?
Nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì thỉnh thoảng con lại bị táo bón, liệu mỗi lần như vậy thì bé có bị nứt kẽ hậu môn nữa hay không?
Và câu trả lời là: nếu nguyên nhân vẫn còn (táo bón vẫn xảy ra) thì tình trạng nứt kẽ hậu môn ở trẻ vẫn có thể tái phát.
Sau điều trị nứt kẽ hậu môn, phụ huynh cần duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện khoa học để không bị tình trạng táo bón tái phát. Nếu trẻ bị nứt kẽ hậu môn tiếp tục “làm phiền” phụ huynh hãy cho trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị.
Với những trẻ bị nứt kẽ hậu môn mãn tính, bé thường có phần da thừa ở vùng hậu môn và những u nhú nhỏ nằm ở trong ống hậu môn.
6. Nứt kẽ hậu môn ở trẻ em có gây ung thư không?
Nứt kẽ ở hậu môn KHÔNG gây ung thư. Nhưng biểu hiện đại tiện ra máu (phân có máu) có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý về đường tiêu hóa như trĩ,…và đặc biệt là ung thư đại trực tràng rất phổ biến hiện nay.
Chính vì vậy, trẻ cần được thăm khám càng sớm càng tốt để điều chỉnh chế độ ăn, uống, sinh hoạt, đặc biệt là điều trị hiệu quả tình trạng táo bón, ngăn ngừa táo bón tái phát.
Bên cạnh đó có thể phát hiện sớm các bệnh lý ở hậu môn trực tràng để có biện pháp xử trí và can thiệp kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm cho con.