Với tỷ lệ mắc các bệnh lý tiêu hóa ngày càng gia tăng, đặc biệt là ung thư đại trực tràng đang có xu hướng trẻ hóa, việc nội soi định kỳ càng trở nên cần thiết để bảo vệ sức khỏe và nâng cao hiệu quả phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về kỹ thuật nội soi đại tràng và những lưu ý quan trọng người bệnh cần biết trước khi thực hiện.
Menu xem nhanh:
1. Chỉ định nội soi đại tràng khi nào?
Đây là kỹ thuật thường được bác sĩ chỉ định trong nhiều tình huống khác nhau, từ kiểm tra các dấu hiệu bất thường cho đến tầm soát ung thư. Cụ thể, những trường hợp phổ biến cần thực hiện kỹ thuật này bao gồm:
– Người có triệu chứng bất thường đường tiêu hóa: Những dấu hiệu như đau bụng kéo dài không rõ nguyên nhân, đi ngoài ra máu, phân có màu đen, rối loạn đại tiện (táo bón, tiêu chảy kéo dài), sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc thiếu máu nhược sắc… đều là các cảnh báo tiềm ẩn về vấn đề ở đại tràng và cần nội soi để kiểm tra chính xác.
– Người đã được chẩn đoán viêm đường ruột hoặc viêm loét đại trực tràng: Đây là những bệnh lý mạn tính cần theo dõi diễn tiến qua nội soi định kỳ để kiểm soát biến chứng và kịp thời phát hiện tổn thương nguy hiểm.
– Khi hình ảnh X-quang hoặc CT phát hiện bất thường: Nếu các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp X-quang, CT scan đại tràng cho thấy có tổn thương, hẹp lòng đại tràng hoặc hình ảnh nghi ngờ khối u, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi để quan sát rõ hơn và có thể sinh thiết nếu cần.
– Người có yếu tố nguy cơ cao ung thư đại trực tràng: Bao gồm những người có tiền sử từng mắc polyp đại tràng, ung thư đại trực tràng; người có người thân trong gia đình bị ung thư đại trực tràng; hoặc người bị viêm loét đại tràng lâu năm có dấu hiệu loạn sản niêm mạc.
– Người khỏe mạnh từ 40 tuổi trở lên có nhu cầu tầm soát ung thư: Ngay cả khi không có triệu chứng rõ ràng, nội soi định kỳ vẫn được khuyến nghị cho nhóm đối tượng này để phát hiện sớm những bất thường, đặc biệt là polyp – yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến ung thư nếu không được can thiệp kịp thời.

Nôi soi tiêu hóa là kỹ thuật thường được bác sĩ chỉ định trong nhiều tình huống khác nhau
2. Kỹ thuật nội soi này có gây cảm giác đau không?
Trong hầu hết các trường hợp, kỹ thuật này không gây cảm giác đau đớn nghiêm trọng. Người bệnh có thể chỉ cảm thấy một chút khó chịu, căng tức nhẹ ở vùng bụng do ống nội soi và luồng khí được bơm vào để làm căng đại tràng. Những cảm giác này thường thoáng qua và sẽ nhanh chóng biến mất sau khi kết thúc thủ thuật.
Tuy nhiên, mức độ khó chịu hoặc đau còn phụ thuộc vào ngưỡng chịu đau và tâm lý của từng người. Một số người nhạy cảm, lo lắng hoặc từng có trải nghiệm nội soi không thoải mái trước đó có thể cảm thấy đau hoặc hoang mang khi thực hiện thủ thuật. Đối với những trường hợp như vậy, nội soi gây mê là một lựa chọn lý tưởng. Với phương pháp này, bệnh nhân được gây mê ngắn trong suốt quá trình nội soi, không nhận thức được bất kỳ cảm giác nào và hoàn toàn không thấy đau. Thủ thuật diễn ra nhẹ nhàng, an toàn và mang lại trải nghiệm thoải mái hơn cho người bệnh.
Tóm lại, nội soi thông thường không gây đau, nhưng để đảm bảo sự dễ chịu tối đa, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về lựa chọn phương pháp nội soi phù hợp với tình trạng sức khỏe và tâm lý cá nhân.

Trong hầu hết các trường hợp, kỹ thuật này không gây cảm giác đau đớn
3. Tư vấn thực phẩm nên ăn và kiêng ăn sau khi nội soi cho đại tràng?
3.1. Những thực phẩm nên ưu tiên sau nội soi đại tràng
Ngay sau khi nội soi, đặc biệt nếu bạn vừa trải qua nội soi có gây mê, cơ thể cần thời gian để hồi phục, do đó cần lựa chọn các món ăn dễ tiêu, nhẹ nhàng và ít kích ứng. Dưới đây là một số gợi ý:
– Các món mềm, lỏng và dễ tiêu như cháo loãng, súp, canh rau nấu nhừ. Nên để món ăn nguội bớt đến mức âm ấm trước khi ăn để không làm tổn thương niêm mạc ruột vừa được làm sạch. Khi nấu, hạn chế tối đa các loại gia vị cay, chua hoặc quá nhiều dầu mỡ.
– Trứng gà là nguồn bổ sung protein chất lượng cao và các vitamin thiết yếu như A, E, D rất có lợi trong việc tái tạo và phục hồi mô, đặc biệt sau các can thiệp nội soi.
– Trái cây mềm, dễ tiêu như chuối chín, táo hấp, lê… có tác dụng cung cấp chất xơ hòa tan, vitamin và chất chống oxy hóa, giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động ổn định. Tuy nhiên, nên tránh các loại quả có vị chua như cam, chanh, dứa,…
3.2. Những thực phẩm nên hạn chế sau nội soi đại tràng
Để tránh gây áp lực lên hệ tiêu hóa đang trong giai đoạn hồi phục, bạn nên tạm thời tránh các loại thực phẩm sau:
– Đồ ăn cứng, dai, khó nhai hoặc khó tiêu, ví dụ như thịt nướng, đồ khô, các loại hạt… Những thực phẩm này có thể làm tăng nhu động ruột và gây khó chịu sau nội soi.
– Món ăn cay, quá nóng hoặc quá lạnh vì chúng dễ gây kích ứng niêm mạc đại tràng.
– Thức ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa làm chậm quá trình tiêu hóa và dễ gây đầy bụng.
– Đồ uống có chất kích thích đều là những yếu tố khiến niêm mạc ruột bị tổn thương lâu hồi phục hơn, đồng thời làm gia tăng nguy cơ viêm loét hoặc rối loạn tiêu hóa.
Việc ăn uống đúng cách sau nội soi không chỉ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn mà còn hỗ trợ tối ưu cho việc hồi phục của đường ruột. Nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào sau nội soi như đau bụng kéo dài, buồn nôn, hoặc chảy máu, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Món ăn cay, quá nóng hoặc quá lạnh vì chúng dễ gây kích ứng niêm mạc đại tràng
Dù bạn đang gặp vấn đề tiêu hóa hay chỉ đơn giản là muốn kiểm tra sức khỏe đường ruột định kỳ, đừng chần chừ việc thực hiện nội soi dạ dày – đại tràng. Hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ giỏi và trang thiết bị hiện đại để đảm bảo quá trình nội soi diễn ra nhẹ nhàng, chính xác và an toàn. Chủ động kiểm soát sức khỏe chính là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước những nguy cơ tiềm ẩn.