Nội soi đại tràng gây mê và những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Đỗ Thị Hương 

Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi

Để phát hiện ra những tổn thương bất thường hay thực hiện tầm soát ung thư đại tràng và các vùng liên quan thì nội soi đại tràng luôn là phương pháp an toàn và hiệu quả nhất. Giờ đây việc nội soi gây mê đại tràng ngày càng hiện đại và không hề đem lại cảm giác đau đớn, khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về phương pháp nội soi này. Vậy phương pháp nội soi gây mê đại tràng là gì và được thực hiện như thế nào?

1. Tìm hiểu chi tiết về phương pháp nội soi đại tràng gây mê

1.1. Nội soi gây mê đại tràng là gì?

Nội soi gây mê đại tràng là phương pháp sử dụng một ống nội soi mềm với đường kính khoảng 1cm từ hậu môn đi lên đại tràng để quan sát toàn bộ cấu trúc bên trong đại tràng. Trong quá trình thực hiện thì bác sĩ sẽ tiến hành gây mê cho người bệnh. Toàn bộ quá trình nội soi sẽ diễn ra trong khi bệnh nhân chìm vào giấc ngủ, khoảng tầm 30 đến 45 phút.

Phương pháp này giúp phát hiện những bất thường ở đại tràng như loét, polyp, khối u và những vùng bị viêm hay chảy máu. Trong quá trình thực hiện nội soi, bác sĩ có thể làm sinh thiết để chẩn đoán bệnh chính xác. Bên cạnh đó, nội soi đại trực tràng cũng là phương pháp hiệu quả giúp tầm soát ung thư đại tràng, phát hiện sớm và cắt bỏ những tổn thương tiền ung thư hay các khối u nhỏ trong đường ruột.

Nội soi còn có thể được thực hiện để theo dõi sau điều trị. Cụ thể:

– Sau khi cắt polyp, người bệnh thường được chỉ định soi kiểm tra sau 3 năm, sau đó cứ 5 năm một lần để xác định diễn tiến hoặc tình trạng tái phát của bệnh.

– Việc nội soi cũng là phương pháp hữu hiệu để theo dõi diễn tiến bệnh nhằm theo dõi và có phương án điều trị kịp thời.

Nội soi gây mê đại tràng là gì?

Phương pháp nội soi gây mê đại tràng ngày càng hiện đại và không hề đem lại cảm giác đau đớn, khó chịu cho người bệnh

1.2. Ưu điểm vượt trội mà phương pháp nội soi đại tràng gây mê mang lại

So với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp CT Scan hay cộng hưởng từ MRI tuy hiện đại nhưng thường ít được sử dụng để chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa vì độ chính xác không cao. Do vậy, hiện nay nội soi đại tràng gây mê vẫn là kỹ thuật chính để tầm soát và điều trị các bệnh lý tiêu hóa với hiệu quả rõ rệt. Không những vậy, nội soi gây mê đại tràng còn mang lại những ưu điểm như:

– Không mang đến cảm giác đau, không khó chịu, không mất sức, người bệnh có thể phục hồi nhanh sau khi nội soi.

– Giảm tâm lý lo lắng, sợ hãi, tạo tinh thần thoải mái cho người bệnh bởi chỉ cần qua một giấc ngủ ngắn là đã thực hiện xong quá trình nội soi.

– An toàn và không ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Đặc biệt quá trình nội soi sử dụng ống mềm nên không gây tổn thương niêm mạc đại tràng.

– Bệnh nhân nằm im trong suốt quá trình nội soi, giúp cho hình ảnh chính xác hơn, hiệu quả chẩn đoán cao hơn.

– Trong trường hợp bác sĩ phải thực hiện các thủ thuật khác như cắt polyp, sinh thiết,… cũng sẽ dễ dàng và hiệu quả cao hơn, đặc biệt người bệnh cũng không thấy đau đớn.

1.3. Quy trình chi tiết thực hiện nội soi đại tràng gây mê

Trước khi nội soi, bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra sức khỏe để đảm bảo người bệnh đủ điều kiện gây mê. Sau khi đảm bảo đủ điều kiện để thực hiện nội soi, quy trình sẽ bao gồm các bước dưới đây:

– Bước 1: Người bệnh sẽ được hướng dẫn nằm đúng tư thế, nghiêng một bên, chân co lại.

– Bước 2: Sau khi người bệnh đã nằm ổn định trên giường, bác sĩ sẽ tiêm/truyền thuốc gây mê qua đường tĩnh mạch.

– Bước 3: Người bệnh hoàn toàn tiến vào tình trạng mê, bác sĩ sẽ đưa ống soi vào qua đường hậu môn và tiến hành nội soi.

– Bước 4: Thông qua camera nhỏ trên đầu ống soi truyền hình ảnh về máy tính, bác sĩ sẽ quan sát và xác định tình trạng và các dấu hiệu bất thường bên trong đại tràng. Ngoài ra, trong quá trình này, nếu phát hiện vấn đề cần can thiệp, bác sĩ có thể thực hiện cắt polyp hoặc sinh thiết cùng lúc.

– Bước 5: Sau khi đã kiểm tra xong, bác sĩ rút ống nội soi ra. Quá trình thường diễn ra trong 30 đến 60 phút, tùy theo tình trạng cụ thể của từng người bệnh.

– Bước 6: Bệnh nhân sẽ tỉnh lại nhanh chóng sau khi kết thúc nội soi, nhưng cần ở lại phòng bệnh nghỉ ngơi, thư giãn, theo dõi trong khoảng 20 đến 30 phút.

Quy trình thực hiện nội soi gây mê đại tràng

Trước khi thực hiện, người bệnh sẽ được kiểm tra thông tin và gửi vật dụng cá nhân vào tủ đồ

2. Các trường hợp chỉ định nội soi đại tràng gây mê

2.1. Chỉ định phương pháp nội soi gây mê đại tràng

Nội soi gây mê đại tràng sẽ được bác sĩ chỉ định khi người bệnh có triệu chứng nghi ngờ bệnh lý liên quan đại trực tràng.

– Đau bụng, thay đổi thói quen đi đại tiện thường là các biểu hiện như tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài, sụt cân,…

– Phát hiện các dấu hiệu bất thường trên kết quả hình ảnh như chụp cắt lớp CT, cộng hưởng từ MRI, X-quang,..

– Thiếu máu nhược sắc.

– Phát hiện máu lẫn trong phân hay phân có màu đậm giống như bã cà phê.

– Bị bệnh viêm đường tiêu hóa như viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn….

Chỉ định nội soi vùng đại tràng bằng phương pháp gây mê

Những người bị bệnh viêm đường tiêu hóa như viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn…. thường được chỉ định nội soi để xác định chính xác tình trạng bệnh

Bên cạnh đó, nội soi cũng đc dùng tầm soát ung thư đại trực tràng. Mọi đối tượng từ 45 tuổi trở lên đều nên nội soi đại tràng định kỳ để tầm soát ung thư. Đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ ung thư nên tầm soát sớm hơn, cụ thể:

– Tiền sử gia đình từng có người bị polyp hoặc ung thư đại trực tràng.

– Người bệnh đang mắc các bệnh lý liên quan như bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm loét đại tràng, viêm loét trực tràng, polyp đại trực tràng.

– Mang gen làm tăng nguy cơ ung thư như hội chứng Lynch, hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Gardner hoặc bệnh đa polyp gia đình.

– Có chế độ ăn nhiều thịt, mỡ động vật, nạp ít chất xơ, thiếu vitamin và canxi. Ăn những thực phẩm chứa benzopyrene, nitrosamine.

Ngoài ra, phương pháp này cũng được sử dụng để theo dõi kiểm tra những người có tiền sử polyp hay đã từng điều trị ung thư đại tràng trước đây.

2.2. Chống chỉ định phương pháp nội soi gây mê đại tràng

Với những trường hợp sau, người bệnh không nên thực hiện:

– Có các bệnh lý tim mạch, hô hấp hoặc chức năng tim phổi không bình thường.

– Huyết áp cao, thiếu máu não hoặc có bệnh động mạch vành.

– Người bị bệnh trĩ ở giai đoạn nặng hoặc xuất huyết cấp tính đường tiêu hóa, tụ huyết gây trở ngại cho việc quan sát.

– Người có bệnh viêm màng bụng hoặc viêm đường tiêu hóa do trúng độc cấp tính.

– Người mới thực hiện phẫu thuật đường ruột hoặc người mới điều trị xạ vùng ổ bụng và vùng khoang chậu trong thời gian gần đây.

– Trong ruột có chỗ bị co thắt hoặc bị hẹp hậu môn và xung quanh hậu môn bị viêm cấp tính.

Nếu bạn đọc có nhu cầu, có thể thử cân nhắc địa chỉ thăm khám sau. Với hệ thống máy móc nội soi hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đại tràng, Hệ thống y tế Thu Cúc TCI sẽ là nơi khám lý tưởng mà người khám có thể an tâm thực hiện. Trên đây là những thông tin hữu ích về phương pháp nội soi đại tràng gây mê mà bài viết muốn cung cấp. Mong rằng những thông tin trên phần nào đã giúp bạn đọc hiểu hơn về phương pháp hiệu quả này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital