Điều trị ngoại khoa sỏi tiết niệu thường áp dụng với các trường hợp sỏi có kích thước khá lớn, can thiệp điều trị nội khoa nhưng sỏi không thể tự đào thải ra ngoài. Hiện nay có 2 phương pháp điều trị sỏi tiết niệu ngoại khoa: phẫu thuật và tán sỏi. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn điều trị ngoại khoa với sỏi tiết niệu hiệu quả và an toàn nhất.
Menu xem nhanh:
1.Khái quát về bệnh sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu là những tinh thể cứng hình thành trong hệ tiết niệu do sự lắng đọng khoáng chất trong nước tiểu lâu ngày. Sỏi tiết niệu có thể hình thành ở tất cả các vị trí trong hệ tiết niệu như: thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo… Trong đó, hầu hết trường hợp sỏi hình thành tại thận sau đó di chuyển theo dòng nước tiểu xuống các cơ quan phía dưới của hệ tiết niệu, hình thành sỏi bàng quang, sỏi niệu quản, sỏi niệu đạo…
Sỏi tiết niệu là tình trạng thường gặp ở nam giới hơn so với nữ giới, tỉ lệ điều trị thành công của căn bệnh này lên tới 99%, tuy nhiên sỏi có thể tái phát nhiều lần nếu người bệnh không có chế độ kiêng cữ, điều trị hợp lý.
Dựa theo thành phần hóa học, sỏi tiết niệu có thể chia thành các dạng như sau:
– Sỏi canxi: Sỏi canxi là loại sỏi phổ biến nhất trong các loại sỏi hệ tiết niệu, chiếm khoảng 80% tổng số ca sỏi tiết niệu.
– Sỏi struvite chiếm khoảng 10% tổng số ca sỏi tiết niệu.
– Sỏi uric acid chiếm khoảng 8% tổng số ca sỏi tiết niệu.
– Sỏi cystin chiếm khoảng 1%.
– Các loại sỏi khác chiếm khoảng 1%.
2.Các phương pháp điều trị ngoại khoa bệnh sỏi tiết niệu
2.1 Điều trị ngoại khoa sỏi tiết niệu bằng phẫu thuật mổ mở
Mổ mở lấy sỏi đường tiết niệu thường được chỉ định khi sỏi có kích thước lớn và người bệnh gặp phải nhiều biến chứng. Đồng thời, điều trị nội khoa và nội soi tán sỏi không còn đạt hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, trường hợp người bệnh mắc phải các biến chứng như: sỏi thận gây ứ nước tại thận, thận nhiễm mủ, sốc nhiễm trùng hay suy thận.
Phương pháp này được thực hiện qua phúc mạc hoặc theo đường bên sau phúc mạc để đi vào thận sau đó lấy sỏi qua nhu mô thận hoặc bể thận. Trước đây, mổ mở được coi là phương pháp duy nhất điều trị sỏi nếu không can thiệp được nội khoa. Đây được đánh giá là phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn, tuy nhiên có thể phá hủy chức năng của thận, thời gian phục hồi lâu và người bệnh có khả năng gặp phải một số biến chứng như: chảy máu, nhiễm trùng…
2.2 Điều trị ngoại khoa sỏi tiết niệu bằng tán sỏi
Điều trị tán sỏi từ khi ra đời đã trở thành sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu của bác sĩ và nhiều bệnh nhân bởi độ an toàn và những ưu điểm vượt trội phương pháp này mang lại. Tùy vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp, tuy nhiên hiện nay có 3 phương pháp điều trị tán sỏi nổi bật:
Tán sỏi ngoài cơ thể
Đây là kỹ thuật sử dụng sóng xung kích tập trung tại vị trí có sỏi và tán vỡ chúng, vụn sỏi sẽ theo dòng nước tiểu trôi ra ngoài. Đồng thời, sóng xung kích được phát với cường độ phù hợp, máy tán sỏi đời mới lên đến 3000 nhịp/ 1 liệu trình điều trị nên đảm bảo tỉ lệ sạch sỏi cao mà không gây hại đến cơ thể.
Đồng thời, đây là phương pháp không xâm lấn, không mổ nên người bệnh không cảm thấy đau đớn. Thời gian điều trị được rút ngắn tối đa(chỉ khoảng 30-45 phút) và thời gian hồi phục nhanh chóng. Người bệnh chỉ cần ở lại theo dõi khoảng 30 phút là có thể ra về, không cần lưu viện tốn kém chi phí. Thậm chí, bệnh nhân có thể ngồi dậy ngay sau khi điều trị tán sỏi nên người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm khi điều trị với phương pháp này.
Tán sỏi ngoài cơ thể áp dụng với các trường hợp sau:
– Sỏi thận <1.5cm
– Sỏi niệu quản ⅓ trên ở sát bể thận và có kích thước < 1cm
Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser
Tán sỏi qua da là kỹ thuật điều trị sỏi đường tiết niệu thông qua một đường hầm nhỏ kích thước khoảng 5mm chạy từ ngoài da từ vùng lưng hoặc hông lưng đi vào trong thận hoặc vị trí có sỏi. Sau đó đưa máy nội soi và dây laser vào hầm và tán vỡ sỏi.
Phương pháp được chỉ định khi:
– Sỏi đài bể thận hoặc sỏi niệu quản ở vị trí ⅓ trên, kích thước trên 15mm.
– Sỏi thận > 1.5cm;
– Sỏi niệu quản ⅓ trên và > 1.5cm
Bên cạnh đó, phương pháp này cũng chống chỉ định với:
– Người bệnh mắc phải bệnh rối loạn đông máu, nhiễm khuẩn niệu, phụ nữ mang thai hoặc người bệnh mắc phải bệnh lý nền quá nặng.
Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ chỉ can thiệp với vết mổ 5mm nên hạn chế tối đa xâm lấn, vết mổ nhỏ nên không ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, không để lại sẹo sau điều trị. Toàn bộ quá trình thực hiện điều trị, tình trạng của người bệnh được thể hiện trên màn hình lớn với độ phân giải cao nên hạn chế tối đa tình trạng sỏi sót, tỉ lệ điều trị khỏi cao. Thời gian điều trị chỉ từ 45 đến 60 phút, thời gian hồi phục sau điều trị khoảng 3 ngày, người bệnh có thể nhanh chóng xuất viện.
Tán sỏi nội soi lội ngược dòng
Đây là kỹ thuật đi “ngược dòng” nước tiểu để tán vỡ sỏi, cụ thể là đi từ niệu đạo lên bàng quang, niệu quản, thận… để tiếp cận và tán vỡ sỏi. Phương pháp này áp dụng cho:
– Sỏi niệu quản ⅓ giữa và ⅓ dưới
– Sỏi bàng quang > 1cm hoặc < 1cm mà không thể thoát ra ngoài theo đường nước tiểu.
Tán sỏi nội soi ngược dòng được đánh giá là phương pháp an toàn, thay thế cho mổ mở truyền thống. Do can thiệp hoàn toàn theo đường “tự nhiên” của cơ thể nên không đau, không có vết mổ và không để lại sẹo. Sau 1 ngày lưu viện, bệnh nhân có thể về nhà ngay, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, để điều trị ngoại khoa hiệu quả, trước khi tiến hành điều trị, bệnh nhân cũng cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Thận – Tiết niệu để được tư vấn phương pháp điều trị. Đồng thời thực hiện một số xét nghiệm chuyên sau để bác sĩ nắm được cụ thể tình trạng, vị trí, kích thước của sỏi.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt, tái khám… sau điều trị để vụn sỏi đào thải ra bên ngoài nhanh chóng và tránh tái phát sỏi về sau.