Mất ngủ ở người trẻ ngày càng phổ biến và gây nhiều ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe của người bệnh. Cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây mất ngủ chủ yếu ở người trẻ và cách khắc phục qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây mất ngủ thường gặp ở những người trẻ tuổi
1.1 Áp lực công việc, học tập
Cuộc sống hiện đại nhiều áp lực công việc (deadline, báo cáo…), học tập (bài vở, thi cử…) khiến những người trẻ trở nên quay cuồng. Điều này khiến hệ hệ thần kinh luôn ở trạng thái kích thích, gây ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ.
1.2 Sử dụng quá mức các thiết bị công nghệ
Sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, ipad… là thói quen của rất nhiều người trẻ trước khi đi ngủ. Có thể bạn chưa biết ánh sáng xanh và sóng phát ra từ các thiết bị này rất có hại cho hệ thần kinh, gây nhức mắt, mỏi mắt… và dẫn tới mất ngủ, khó ngủ.
1.3 Nguyên nhân gây mất ngủ do không gian phòng ngủ
Phòng chật hẹp, không khí ngột ngạt có thể gây thiếu lượng oxy cần thiết, khiến người trẻ bị mất ngủ. Bên cạnh đó, phòng ngủ không sạch sẽ, ẩm thấp, quá nóng hoặc quá lạnh cũng làm bạn khó chịu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ.
1.4 Ăn uống không điều độ
Thói quen ăn uống không khoa học như ăn quá no hoặc ăn đồ ăn khó tiêu (đồ chiên rán, thức ăn cay nóng) trước khi ngủ sẽ khiến cơ thể tăng cường làm việc để có thể tiêu hóa lượng thức ăn đã nạp vào, gây căng thẳng, mất ngủ.
1.5 Sử dụng chất kích thích
Giới trẻ thường có thói quen sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà, thuốc lá… để tăng sự tỉnh táo trong công việc. Tuy nhiên nicotin, cafein trong các loại đồ uống này nếu sử dụng quá nhiều có thể khiến bộ não hưng phấn, tỉnh táo và không có cảm giác muốn ngủ, gây mất ngủ và những loại rối loạn giấc ngủ khác.
1.6 Mất khả năng kiểm soát sự hưng phấn và ức chế
Cuộc sống sôi động khiến người trẻ có lịch sinh hoạt bao gồm ăn uống, ngủ nghỉ,… không cố định, không theo giờ sinh học. Điều này gây rối loạn các loại hormone, gây ra chứng mất ngủ ở người trẻ.
1.7 Các bệnh lý – Nguyên nhân gây mất ngủ ít gặp ở người trẻ
Bệnh thần kinh, suy nhược cơ thể, bệnh dị ứng, xương khớp… là các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến thần kinh và gây mất ngủ.
2. Giấc ngủ bị gián đoạn gây ảnh hưởng như thế nào đến người trẻ?
2.1 Không có cảm giác được nghỉ ngơi, mất tập trung
Giấc ngủ được chia ra thành nhiều giai đoạn, trong đó REM (giai đoạn ngủ sâu và mơ) là trạng thái này là vô cùng cần thiết giúp đầu óc được nghỉ ngơi trong lúc ngủ. Ở những người bị mất ngủ, não thường dành rất ít thời gian cho trạng thái REM. Điều này khiến người bệnh không có cảm giác được nghỉ ngơi, luôn chậm chạp và khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ và giảm khả năng ghi nhớ. Bởi vậy, mất ngủ gây mất tập trung, giảm hiệu suất công việc của người bệnh.
2.2 Tăng huyết áp
Mất ngủ có thể gây căng thẳng cho người bệnh. Lúc này, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Mất ngủ kéo dài, không điều trị sẽ gây ra bệnh tăng huyết áp mạn tính.
2.3 Gia tăng nguy cơ trầm cảm
Mất ngủ là một trong những nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, đặc biệt có xu hướng gia tăng trong giới trẻ.
Mất ngủ có thể kích thích trung tâm cảm xúc của não, khiến tâm trạng của người bệnh trở nên cáu kỉnh, thậm chí gây rối loạn tâm thần. Theo một số chuyên gia Nội thần kinh, chỉ cần một đêm mất ngủ sẽ khiến chức năng hoạt động của não thay đổi, đặc biệt là ở những người hay lo âu. Việc này sẽ làm tăng nguy cơ bệnh trầm cảm.
2.4 Nguy cơ tăng cân
Cơ chế gây tăng cân của thiếu ngủ bao gồm; Mất ngủ làm tăng lượng đường trong máu, từ đó gia tăng nguy cơ béo phì. Hơn nữa, theo các chuyên gia về sức khỏe, mất ngủ khiến tầm nhìn ở vùng não trung tâm bị che mờ, dẫn đến lựa chọn thực phẩm không lành mạnh. Khi giấc ngủ bị thiếu hụt, người bệnh có xu hướng tìm và tiêu thụ những thực phẩm kém chất lượng, dễ dẫn đến béo phì.
2.5 Ung thư do mất ngủ
Mất ngủ cũng làm gia tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Các nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ ngủ ít hơn 6 giờ/ngày có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú và làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Nguyên nhân là do hormone melatonin chống lại sự tăng trưởng của các tế bào khối u bị ức chế trong khi mất ngủ.
2.6 Ảnh hưởng đến hôn nhân và hạnh phúc
Khi bạn mất ngủ, người nằm bên cạnh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí họ có thể mất ngủ theo. Các nghiên cứu chỉ ra việc nằm cùng giường với một người mắc chứng mất ngủ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống hôn nhân.
Ngoài ra, những căng thẳng, rối loạn tâm lý do mất ngủ nếu kéo dài có thể gây trầm cảm, lo âu cho người bạn đời của bạn và là nguyên nhân của những xung đột trong hôn nhân.
3. Cách khắc phục mất ngủ ở người trẻ
– Lên lịch học tập, làm việc khoa học, tránh làm việc quá khuya
– Có thời gian nghỉ thư giãn hằng ngày và vào cuối tuần
– Hạn chế các chất kích thích trước khi ngủ, đặc biệt là cà phê, trà đặc, thuốc lá…
– Tập luyện yoga, đi bộ, nghe nhạc, đọc sách, tắm nước ấm…
Với người trẻ tuổi khi gặp vấn đề mất ngủ nên đi khám bác sĩ Nội thần kinh. Khi đi khám, các bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng, bệnh sử… và có thể cho bạn làm thêm một số xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng, từ đó chẩn đoán và tư vấn điều trị hiệu quả.
Như vậy, nguyên nhân mất ngủ ở người trẻ rất đa dạng nhưng chủ yếu do các thói quen sinh hoạt, ăn uống không hợp lý. Do vậy biện pháp cải thiện quan trọng là thay đổi những thói quen xấu, tạo cho mình thói quen sinh hoạt lành mạnh. Nếu các triệu chứng kéo dài, nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.