Những nguy cơ “rình rập” người bệnh suy tim độ 3

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Suy tim độ 3 là giai đoạn gần cuối trong các cấp độ suy tim và là một trong những cấp độ suy tim tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người bệnh. Cùng tìm hiểu về cấp độ suy tim này và những nguy cơ “rình rập” người bệnh qua bài viết sau.

1. Suy tim độ 3 là gì?

Suy tim là tình trạng tim suy yếu, không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là các vấn đề tim mạch như bệnh động mạch vành, huyết áp cao. Các bệnh lý này gây thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim hoặc khiến tim phải co bóp nhiều hơn, dần dần làm cho tim xơ cứng hoặc suy yếu, không thể bơm máu hiệu quả. Điều này dẫn đến máu lưu thông qua tim chậm cũng như không đủ cung cấp đủ khắp cơ thể.

Ở mỗi mức độ suy tim, các triệu chứng biểu hiện của bệnh nhân sẽ khác nhau và ảnh hưởng tới người bệnh cũng không giống nhau.

Theo cách phân loại suy tim của Hiệp hội tim mạch New York (NYHA) dựa vào mức độ hạn chế vận động, suy tim độ 3 là giai đoạn suy tim mà người bệnh bị hạn chế nhiều các vận động thể lực. Tức là dù chỉ vận động nhẹ nhưng người bệnh cũng xuất hiện các triệu chứng suy tim. Tuy nhiên các triệu chứng này không xuất hiện khi nghỉ ngơi. Đây được coi là giai đoạn gần cuối của suy tim, cũng là giai đoạn phổ biến nhất.

Ngoài ra, dựa vào mức độ khó thở của người bệnh, suy tim được chia thành 5 cấp độ từ 0 – 5. Trong đó khi bị suy tim ở cấp độ 3, người bệnh thường bị khó thở cả khi làm những công việc, sinh hoạt thường ngày như đánh răng, rửa mặt…

Suy tim độ 3 là gì?

Suy tim độ 3 là giai đoạn suy tim mà người bệnh bị hạn chế nhiều các vận động thể lực.

2. Các triệu chứng của người bị suy tim giai đoạn 3

– Cơ thể mệt mỏi, uể oải: Nguyên nhân do thiếu máu nuôi cơ thể, biểu hiện rõ nhất khi người bệnh cố gắng làm việc. Bệnh càng trở nặng, tình trạng mệt mỏi, uể oải càng trở nên rõ ràng.

– Phù nề chân tay: Người bị suy tim giai đoạn này thường gặp tình trạng dịch tích tụ, gây phù ở tứ chi, bụng, thậm chí ở phổi. 

– Nhịp tim bất ổn: Thường gặp nhất là tình trạng tim đập nhanh, mạnh và dồn dập khiến bệnh nhân cảm thấy lo lắng và hoảng sợ.

– Chán ăn: Không muốn ăn, ăn không có cảm giác ngon miệng, hay đầy bụng, buồn nôn,.. là những biểu hiện của người bị suy tim giai đoạn 3. Tình trạng này kéo dài có thể khiến cơ thể suy dinh dưỡng và kiệt sức.

– Khó thở và ho khan: Người suy tim cấp độ 3 có thể gặp phải các triệu chứng khó thở, thở khò khè, có đờm trắng hoặc hồng. Bên cạnh đó là những cơn ho khan khi nằm ngủ khiến họ bị tỉnh giấc vào ban đêm.

– Suy giảm trí nhớ: Khi tim hoạt động không hiệu quả, não sẽ bị thiếu máu, đồng thời nồng độ natri có trong máu cũng giảm, khiến trí nhớ của người bệnh bị suy giảm.

3. Suy tim độ 3 có nguy hiểm không? Người bệnh sống được bao lâu?

3.1 Suy tim độ 3 có nguy hiểm không?

Suy tim giai đoạn 3 là giai đoạn các triệu chứng suy tim đã bắt đầu rõ rệt hơn và người bệnh đã bị hạn chế vận động nhiều, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe. 

Thời gian sống của các bệnh nhân này phụ thuộc nhiều vào thời gian phát hiện ra bệnh cũng như mức độ hiệu quả của quá trình chăm sóc và điều trị. Cụ thể, nếu được phát hiện sớm và chăm sóc tốt, người bệnh có thể sống thêm được 15 – 20 năm. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, suy tim giai đoạn 3 có thể tiến triển xấu trong thời gian rất nhanh, trở thành suy tim độ 4 và gây ra một số biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng của suy tim giai đoạn 3

Ở giai đoạn này, người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, ngay cả khi làm việc nhẹ. 

3.2 Các biến chứng của suy tim độ 3

– Phù phổi cấp: Đây là cấp cứu nội khoa khẩn cấp, xảy ra phổi bị ứ dịch nghiêm trọng dẫn đến rối loạn hô hấp. Nếu không điều trị ngay, người bệnh có thể rơi vào trạng thái suy hô hấp nặng, rối loạn ý thức dẫn đến tử vong.

– Tổn thương thận: Suy tim khiến máu không được cung cấp đủ đến các cơ quan, trong đó có thận. Khi thận không nhận được đủ lượng máu nuôi dưỡng, các chức năng thải, lọc chất cặn bã và dịch dư thừa sẽ kém hiệu quả.

– Tổn thương gan: Máu ứ tại gan không được đào thải lâu ngày có thể gây giảm chức năng gan, gây to gan, xơ gan,…

Rối loạn nhịp tim: Khả năng co bóp của tim giảm có thể gây rối loạn hoạt động điện của tim, gây đánh trống ngực, ngất xỉu,..

– Nhồi máu cơ tim, đột quỵ: Biến chứng này thường liên quan đến sự hình thành và phát triển các cục máu đông dễ xuất hiện do ứ trệ tuần hoàn sẽ gây ra tắc mạch, dẫn tới nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,…

4. Làm thế nào để cải thiện các triệu chứng, giúp người bệnh sống lâu hơn

4.1 Suy tim giai đoạn 3 có chữa khỏi được không?

Khả năng chữa khỏi của bệnh giai đoạn này thường rất thấp do cơ tim đã suy yếu nhiều và mất khả năng bù trừ. Dù vẫn có các biện pháp can thiệp giúp khôi phục chức năng van tim như thay van tim (đối với bệnh nhân suy tim do hở van tim), đặt stent (đối với người mắc bệnh mạch vành), tuy nhiên không phải trường hợp nào các bệnh nhân cũng có thể áp dụng các phương pháp này. Đặc biệt nếu bệnh nhân mắc các bệnh nền khác hoặc không đáp ứng được các điều kiện. Hơn nữa dù có thực hiện thành công các phương pháp này thì khả năng tái phát vẫn tồn tại. 

Do vậy, hiện nay, phương pháp điều trị chủ yếu vẫn là dùng thuốc và thay đổi lối sống. 

Điều trị bệnh suy tim mức độ 3

Độ 3 là giai đoạn suy tim nặng, người bệnh cần điều trị tích cực để kiểm soát, tránh các biến chứng nguy hiểm.

4.2 Các phương pháp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh

– Dùng thuốc đều đặn 

Tùy theo tình trạng của người bệnh, các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc kiểm soát triệu chứng suy tim như: thuốc lợi tiểu, thuốc trợ tim, thuốc hạ áp…

Người bệnh nên tuân thủ nghiêm đơn thuốc theo chỉ định, không tự ý ngưng sử dụng thuốc hoặc thay đổi loại thuốc vì làm như vậy có thể khiến bệnh suy tim trở nặng rất nhanh.

– Quản lý căng thẳng

Thay vì căng thẳng, lo lắng về bệnh tật, bạn nên giữ tinh thần thoải mái, thư giãn bằng nghe nhạc nhẹ, đọc sách, tập hít thở sâu, ngồi thiền… Nên tạo thói quen đi ngủ vào những giờ cố định, giữ môi trường thoải mái, tránh các thiết bị điện tử như TV, Ipad…

– Ăn uống lành mạnh

Người bệnh suy tim, đặc biệt là suy tim độ 3 nên ăn nhạt tối đa, cố gắng cho ít gia vị chứa natri như muối, mì chính, hạt nêm, nước mắm, xì dầu, tương bần… nhất có thể khi chế biến. Các loại thực phẩm ăn liền, đồ hộp, đồ cũng là những sản phẩm chứa rất nhiều muối cần tránh.

Ngoài ra việc bổ sung nhiều rau củ quả tươi, cá, các chất béo từ thực vật cũng rất tốt cho quá trình phục hồi của tim.

– Tập thể dục đều đặn

Những người suy tim cấp độ 3 nên thực hiện đều đặn các bài tập nhẹ nhàng vừa sức khoảng 30 phút/ngày. Điều này giúp cải thiện chức năng của tim, giúp trái tim khỏe mạnh hơn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital