Những điều cần biết về bệnh viêm họng liên cầu khuẩn ở trẻ

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Bệnh viêm họng liên cầu khuẩn thường gặp ở trẻ nhỏ, có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm nếu trẻ không được điều trị sớm và khoa học. Hãy cùng tìm hiểu chí tiết hơn về viêm họng do liên cầu khuẩn và cách điều trị, phòng ngừa cho trẻ ngay sau đây.

1. Bệnh viêm họng liên cầu khuẩn

Viêm họng do liên cầu khuẩn là tình trạng viêm nhiễm ở vùng cổ họng do các tác nhân có hại gây ra. Bệnh phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là độ tuổi dưới 15 do sức đề kháng của trẻ còn kém.

So với các tác nhân gây viêm họng khác, viêm họng do liên cầu khuẩn biểu hiện thành các triệu chứng nặng và kéo dài hơn. Song đa phần trẻ được chăm sóc y tế đúng cách và nghỉ ngơi khoa học sẽ có thể nhanh chóng khỏi bệnh và không gặp các di chứng.

Bên cạnh đó, cũng có không ít trường hợp bệnh tiến triển nặng do chủ quan trong điều trị, điều trị sai cách, sử dụng các mẹo chưa kiểm chứng để chữa bệnh khiến trẻ gặp phải các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Do đó, điều trị sớm đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp trẻ có thể nhanh chóng khỏi bệnh, bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Viêm họng do liên cầu khuẩn gây ra, phổ biến ở trẻ em do sức đề kháng kém

Viêm họng do liên cầu khuẩn gây ra, phổ biến ở trẻ em do sức đề kháng kém

2. Nguyên nhân gây bệnh

Viêm họng do tác nhân chính là liên cầu khuẩn, có tên khoa học là Streptococcus Pyogenes gây nên. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, gây ra tình trạng viêm nhiễm, tổn thương ở niêm mạc vòm họng.

Bệnh có thể lây qua tiếp xúc từ trẻ này tới trẻ khác thông qua:

– Dịch nước bọt

– Dịch mũi

– Đồ dùng cá nhân

– Quần áo

– Đồ chơi

– Ăn uống chung

– Chơi chung…

Đó cũng là lý do, ở những nơi đông người thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn do vi khuẩn có thể tồn tại nhiều giờ ngoài tự nhiên. Đồng thời, những nơi có môi trường kém vệ sinh, ô nhiễm không khí, nguồn nước, ẩm thấp… sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ do đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn có hại phát triển.

Streptococcus Pyogenes là tác nhân chính gây bệnh viêm họng liên cầu khuẩn ở trẻ

Streptococcus Pyogenes là tác nhân chính gây bệnh viêm họng liên cầu khuẩn ở trẻ

3. Dấu hiệu mắc bệnh

Thời gian ủ bệnh ở trẻ kéo dài khoảng 2-5 ngày, sau đó biểu hiện thành các triệu chứng cha mẹ có thể nhận biết như sau:

– Đau họng

– Sưng đỏ amidan

– Có vệt trắng, mủ ở họng

– Sưng hạch bạch huyết cổ

– Sốt cao

– Đau đầu

– Phát ban

– Nôn mửa

– Người mệt mỏi, quấy khóc…

Biến chứng của viêm họng liên cầu khuẩn nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến trẻ mắc: Viêm cầu thận, viêm amidan, viêm khớp, viêm tai giữa, nhiễm trùng máu… Vì vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám từ sớm khi có các dấu hiệu bất thường trên và nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để con nhanh chóng khỏi bệnh.

Trẻ mắc bệnh thường bị đau họng nhiều, sưng đỏ amidan, sốt cao…

Trẻ mắc bệnh thường bị đau họng nhiều, sưng đỏ amidan, sốt cao…

4. Điều trị viêm họng cho trẻ

Bác sĩ sẽ kiểm tra, xét nghiệm để đánh giá tình trạng bệnh ở trẻ. Thông qua kiểm tra, bác sĩ sẽ có căn cứ để đưa ra phương án điều trị hiệu quả với từng trẻ. Hiện nay, bệnh viêm họng liên cầu khuẩn ở trẻ có thể điều trị bằng việc sử dụng thuốc và chăm sóc trẻ đúng cách để tăng cường đề kháng.

4.1. Điều trị y khoa

Một số loại thuốc được kê đơn để điều trị bệnh và giảm triệu chứng cho trẻ phải kể tới là:

– Thuốc kháng sinh: Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn nên thuốc kháng sinh có thể giúp đào thải một lượng vi khuẩn gây bệnh nhất định ở trẻ. Tuy nhiên kháng sinh không thể lạm dụng trong điều trị viêm họng cho trẻ bởi có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

– Thuốc giảm triệu chứng: Một số loại thuốc có tác dụng giảm đau, giảm sưng, hạ sốt… có thể được kê đơn để giúp trẻ có thể cảm thấy thoải mái, bớt khó chịu trong quá trình điều trị.

– Vitamin: Một số vitamin được bác sĩ chỉ định sử dụng cho trẻ để tăng cường đề kháng, giúp bé nhanh chóng khỏi bệnh và đào thải vi khuẩn ra khỏi cơ thể.

Thời gian khỏi bệnh và đáp ứng thuốc ở từng trẻ là khác nhau nên cha mẹ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không tự sử dụng thuốc để chữa  bệnh cho bé.

4.2. Chăm sóc đúng cách

Trong quá trình điều trị, một chế độ sinh hoạt khoa học sẽ giúp trẻ tăng cường đề kháng, nhanh chóng khỏi bệnh và hồi phục tốt hơn. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý tới một số vấn đề sau trong quá trình chăm sóc trẻ mắc viêm họng liên cầu khuẩn:

– Để trẻ nghỉ ngơi khoa học, nên cho trẻ nghỉ ở nơi sạch sẽ, thoáng đãng, không nên có gió lùa quá mạnh vào mùa đông xuân.

– Cách ly trẻ bệnh với trẻ khác, hạn chế cho trẻ tới nơi tập trung đông người như công viên, trường học, trung tâm thương mại, nên cho trẻ đeo khẩu trang khi bắt buộc phải tới nơi công cộng và phải vệ sinh tay sạch sẽ sau khi quay về nhà.

– Hướng dẫn trẻ súc miệng bằng nước muối loãng hằng ngày để làm sạch cổ họng và làm dịu vết thương.

và vệ sinh miệng hằng ngày để loại bỏ bớt vi khuẩn và làm sạch cổ họng.

– Nếu cần phải ra ngoài hoặc tới nơi đông người, hãy để trẻ đeo khẩu trang và sát khuẩn tay khi về nhà.

– Cho trẻ uống nước ấm và uống đủ nước để làm dịu cổ họng.

– Ưu tiên bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bằng các loại thực phẩm tươi xanh, mềm, dễ tiêu hoá và cân bằng dinh dưỡng.

– Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc, bụi bẩn, hạn chế các loại mỹ phẩm, phấn hoa để tránh gây dị ứng cho trẻ…

– Nếu trong quá trình điều trị mà trẻ không có dấu hiệu chuyển biến tích cực, cha mẹ nên đưa con đi khám lại ngay để được xử trí.

Điều trị bệnh cho trẻ bằng một số loại thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt…

Điều trị bệnh cho trẻ bằng một số loại thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt…

5. Phòng ngừa bệnh cho trẻ

Vi khuẩn gây viêm họng ở trẻ không chỉ tập trung nhiều ở dịch nước bọt, dịch mũi mà còn thường trú ngụ ở trên da, đồ dùng hằng ngày, đồ chơi… Do đó, để phòng ngừa trẻ mắc viêm họng liên cầu khuẩn, cha mẹ cần lưu ý:

– Rửa tay đúng cách, vệ sinh cơ thể khoa học mỗi ngày.

– Đeo khẩu trang cho trẻ, hướng dẫn trẻ che miệng khi ho, hắt hơi.

– Hạn chế để trẻ tiếp xúc nhiều với những trẻ đang mắc bệnh hoặc tới nơi đang bùng phát dịch.

– Không nên để trẻ dùng chung đồ cá nhân, cốc nước, khăn mặt, bát đũa… với trẻ khác.

– Đưa trẻ đi khám thường xuyên và tiêm phòng để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh theo khuyến cáo.

Bệnh viêm họng liên cầu khuẩn ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ và tiềm ẩn biến chứng nặng nề nên cha mẹ cần cẩn trọng trong việc chăm sóc con cái, nên đưa trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu lạ và tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital