Viêm họng vi khuẩn liên cầu: Tổng quan và Cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm họng vi khuẩn liên cầu là bệnh nhiễm trùng cổ họng do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho trẻ nếu không được điều trị kịp thời.

1. Tổng quan về bệnh viêm họng vi khuẩn liên cầu

1.1. Viêm họng vi khuẩn liên cầu là bệnh như thế nào?

Đối tượng hay mắc viêm họng vi khuẩn liên cầu nhất là trẻ em từ 5 đến 15 tuổi.

Viêm họng vi khuẩn liên cầu là bệnh nhiễm trùng cổ họng do vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây nên

Viêm họng vi khuẩn liên cầu, hay còn gọi là viêm họng liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, là một bệnh nhiễm trùng ở cổ họng do vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây nên. So với bệnh viêm họng do virus, viêm họng do liên cầu khuẩn thường có triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh lý này, tuy nhiên, đối tượng hay mắc nhất là trẻ em từ 5 đến15 tuổi.

Trẻ bị viêm họng liên cầu khuẩn có thể phát tán lây nhiễm khi các triệu chứng trở nặng. Vi khuẩn gây viêm họng liên cầu thường tồn tại trong mũi, họng, do đó, bệnh có thể lây lan từ người này sang người khác thông qua các hành vi hắt hơi, sổ mũi, ho, … Môi trường trường học được nhận định là nơi dễ gây phát tán bệnh lý này.

1.2. Bệnh viêm họng liên cầu khuẩn có nguy hiểm hay không?

Viêm họng liên cầu khuẩn có thể khỏi trong vài ngày nếu chăm sóc, điều trị đúng cách. Tuy nhiên, nếu trẻ không được điều trị kịp thời thì bệnh có thể gây nên một số biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng đường hô hấp (viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm đa xoang,…); nhiễm trùng máu; sốt thấp khớp, phát ban đỏ, viêm thận, viêm hạch mủ, bệnh Osler, thấp tim, … Trong đó, nhiễm trùng máu (hay nhiễm trùng huyết) là biến chứng nặng nhất của viêm họng liên cầu khuẩn, nếu không điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng của trẻ.

2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm họng vi khuẩn liên cầu

Sưng hạch hầu, cổ họng xuất hiện những mảng trắng là một trong những triệu chứng của bệnh viêm họng vi khuẩn liên cầu

Khi trẻ bị viêm họng liên cầu khuẩn, cổ họng sẽ xuất hiện những đốm trắng

Sau khi trẻ bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus pyogenes, các triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện sau khoảng 2 – 5 ngày. Các triệu chứng thường gặp khi trẻ bị viêm họng liên cầu khuẩn gồm:

– Đau họng, khó nuốt, trẻ thấy đau khi nuốt nước bọt hoặc thức ăn

Hạch bạch huyết ở cổ bị sưng, gây đau nhức

– Sốt cao trên 38°C, ớn lạnh

– Phát ban rải rác cơ thể

– Sưng hạch hầu, xuất hiện những mảng trắng trong cổ họng hoặc những chấm đỏ nhỏ trên vòm họng. Amidan bị sưng đỏ.

– Đau nhức hoặc co cứng cơ

– Đau nhức đầu, khó chịu

– Đau bụng, đau dạ dày, đôi khi nôn mửa

Tùy vào thể trạng và sức đề kháng của từng trẻ mà mỗi trẻ sẽ có những biểu hiện bệnh khác nhau. Có trẻ chỉ bị các triệu chứng nhẹ như đau họng, có trẻ sẽ bị các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Cũng bởi vậy, ba mẹ nên đưa con đi khám để các bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh của con và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

3. Cách điều trị viêm họng liên cầu khuẩn ở trẻ

Vì viêm họng liên cầu khuẩn do vi khuẩn Streptococcus gây ra nên phương pháp điều trị chủ yếu mà các bác sĩ đang áp dụng là sử dụng kháng sinh kết hợp với thuốc điều trị triệu chứng và chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

3.1. Điều trị viêm họng liên cầu khuẩn bằng thuốc Tây y

Phác đồ điều trị viêm họng liên cầu khuẩn bằng thuốc Tây y bao gồm 2 nhóm chính, đó là thuốc điều trị nguyên nhân và thuốc giúp giảm nhẹ triệu chứng. Hầu hết với mọi đối tượng, bác sĩ đều chỉ định sử dụng kết hợp 2 nhóm thuốc này để đem lại hiệu quả điều trị cao nhất.

3.1.1. Thuốc điều trị nguyên nhân

Thuốc điều trị nguyên nhân gây viêm họng liên cầu khuẩn chính là các loại thuốc kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn streptococcus. Hiện nay các bác sĩ thường kê một số loại kháng sinh phổ biến như:

– Kháng sinh Penicillin: loại kháng sinh này có thể sử dụng dưới dạng uống hoặc dạng tiêm, do đó tùy vào đối tượng sử dụng, bác sĩ sẽ chỉ định dạng bào chế phù hợp cho người bệnh. Cụ thể, với trẻ nhỏ hoặc trẻ dễ bị kích ứng đường tiêu hóa, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc tiêm. Với trẻ lớn hơn, bác sĩ có thể kê thuốc dưới dạng uống.

– Kháng sinh Amoxicillin: đây là kháng sinh cùng loại với Penicillin nhưng thường được các bác sĩ ưu tiên sử dụng cho trẻ em do mùi vị dễ uống hơn.

– Trong trường hợp trẻ bị dị ứng với nhóm thuốc Penicillin, bác sĩ có thể chỉ định một số kháng sinh khác thay thế như: Cephalexin, Clindamycin, Erythromycin, hay Azithromycin,…

Ngoài ra, việc lựa chọn kháng sinh nào còn phụ thuốc vào vấn đề kháng thuốc của vi khuẩn. Nhìn chung, hầu hết trẻ em bị viêm họng liên cầu khuẩn sẽ cải thiện bệnh nhanh chóng khi được điều trị bằng kháng sinh. Khi trẻ hết sốt, hết đau họng và cảm thấy khỏe hơn, trẻ có thể trở lại trường học để học tập.

Khi thấy con có triệu chứng đau họng, ba mẹ nên đưa con đi khám để các bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh của con và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp

Nội soi cổ họng tại Hệ thống y tế Thu Cúc TCI giúp chẩn đoán bệnh chính xác

3.1.2. Thuốc điều trị triệu chứng

Tùy thuộc vào triệu chứng của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê thêm các loại thuốc phù hợp để điều trị triệu chứng. Sau đây là một số loại thuốc thường được kê dùng:

– Thuốc hạ sốt: các thuốc chứa hoạt chất paracetamol hoặc NSAIDs

– Thuốc chống viêm giảm đau: Alphachymotrypsin hoặc các thuốc nhóm NSAIDs như Ibuprofen, Diclofenac,…

– Thuốc giảm ho, tiêu đờm: Dextromethorphan, Acetylcystein, Alimemazin, Bromhexin,…

– Thuốc giảm dị ứng, co mạch: Ephedrin, Loratadine,…

Bố mẹ lưu ý tuyệt đối không tự ý mua thuốc về điều trị cho con, bởi tất cả các loại thuốc Tây đều có thể gây nguy hiểm cho trẻ nếu không được sử dụng đúng liều lượng và đúng cách. Bố mẹ tuyệt đối chỉ mua và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

3.2. Điều trị viêm họng vi khuẩn liên cầu bằng chăm sóc

Thời gian điều trị viêm họng liên cầu khuẩn thường kéo dài khoảng 10 ngày. Để trẻ cải thiện bệnh được tốt và nhanh hơn, bố mẹ cần chăm sóc con kỹ lưỡng với các lưu ý sau:

– Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc để cơ thể khỏe mạnh, chống nhiễm trùng tốt hơn.

– Chế biến thức ăn mềm, lỏng, đủ dinh dưỡng, dễ nuốt cho trẻ như: súp, nước canh, sữa chua, nước ép hoa quả, vv…

– Cho trẻ uống nhiều nước để giữ ẩm cho cổ họng, giúp giảm đau khi nuốt; đồng thời giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước ở trẻ.

– Súc miệng cho trẻ bằng nước muối ấm nhiều lần trong ngày để làm sạch và giảm đau ở cổ họng

– Tạo môi trường nghỉ ngơi trong lành cho trẻ, giúp trẻ tránh xa các chất kích thích như khói thuốc lá, khói bụi, …

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh viêm họng liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A ở trẻ, hy vọng sẽ giúp bố mẹ có thể nhận biết sớm dấu hiệu và điều trị bệnh kịp thời cho con.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital