Bệnh quai bị là bệnh do virus có thể gây sốt, đau nhức cơ thể, đau đầu mệt mỏi, sưng tuyến nước bọt hoặc đau khi nhai, nuốt. Quai bị hay gặp ở lứa tuổi học đường, lây lan trực tiếp qua đường hô hấp, có thể gây thành dịch ở trẻ em, thanh thiếu niên.
Menu xem nhanh:
Nên làm gì khi đã tiếp xúc với vi rút gây bệnh quai bị?
Nhớ lại xem bản thân đã tiêm phòng bệnh quai bị hay chưa đồng thời tìm hiểu các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Đi khám ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh quai bị.
Nên làm gì nếu có các triệu chứng của bệnh quai bị?
- Tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị kịp thời.
- Nghỉ làm ở nhà, nghỉ học, ngừng tham gia các hoạt động tập thể ít nhất là 5 ngày sau khi các triệu chứng bệnh quai bị bắt đầu xuất hiện.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước.
Bệnh quai bị lây lan như thế nào?
Bệnh quai bị thường lây lan khi người bệnh ho hoặc hắt hơi và người khỏe mạnh xung quanh có thể hít phải không khí có chứa vi rút. Bệnh cũng thể lây lan qua tiếp xúc với nước bọt, chẳng hạn như cùng ăn cùng uống, dùng chung đũa, gắp thức ăn cho người khác…
Nguy cơ lây nhiễm lớn nhất là thời điểm ngay trước khi các triệu chứng xuất hiện.
Triệu chứng của quai bị là gì?
Gần một nửa số người mắc bệnh quai bị có triệu chứng rất nhẹ hoặc thậm chí không có bất cứ triệu chứng nào.Vì thế nhiều người không hề biết mình đang mắc bệnh. Các triệu chứng phổ biến nhất thường là:
- Vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, lan ra vùng trước tai, mỏm chũm, lan xuống dưới hàm.
- Sốt
- Đau đầu
- Đau cơ
- Mệt mỏi
- Ăn mất ngon
Quai bị có thể gây ra những vấn đề gì?
Người mắc bệnh quai bị thường hồi phục sau 1 hoặc 2 tuần nhưng trong một số trường hợp bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Biến chứng thường gặp nhất là viêm tin hoàn ở nam giới. Các biến chứng hiếm gặp khác bao gồm viêm não và/hoặc màng não và tủy sống, viêm buồng trứng và/hoặc ngực ở phụ nữ, điếc.
Bệnh quai bị được điều trị như thế nào?
Hiện tại chưa có thuốc để điều trị vi rút quai bị. Thay vào đó, điều trị tập trung vào việc làm giảm triệu chứng cho đến khi hệ thống miễn dịch của cơ thể đẩy lùi sự lây nhiễm.
Để hạn chế các triệu chứng khó chịu, người bệnh có thể thử một số biện pháp sau:
- Nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen và ibuprofen…để hạ sốt.
- Làm giảm sưng vùng tuyến nước bọt bằng cách chườm nước đá.
- Uống nhiều nước để tránh mất nước do sốt.
- Ăn đồ mềm, dễ nhai nuốt như cháo, súp…
- Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có tính axit có thể khiến tình trạng viêm tuyến nước bọt trở nên tồi tệ, người bệnh đau đớn hơn.
Làm thế nào để ngăn chặn lây lan bệnh quai bị cho những người xung quanh?
- Ở nhà ít nhất là 5 ngày khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện (viêm tuyến nước bọt), tránh tụ tập nơi đông người, nghỉ việc, nghỉ học, tạm ngừng tham gia các hoạt động xã hội…
- Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch nước rửa tay có chứa cồn.
- Tránh dùng chung bát, đĩa, dao, nĩa… không ăn chung uống chung.
Hiện đã có vắc xin phòng bệnh quai bị chưa?
Vắc xin phòng bệnh quai bị có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp với các vắc xin khác như vắc xin tam liên MMR (Measles-mump-rubella) ngừa bệnh sởi, quai bị và sởi Đức (Rubella).
Trẻ từ 12 – 14 tháng tuổi nên được tiêm ngừa mũi vắc xin tam liên MMR, liều thứ 2 nhắc lại khi trẻ từ 4 – 6 tuổi.