Những dấu hiệu trẻ còi xương là gì và cách xử lý

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trẻ dưới 3 tuổi là đối tượng hay bị còi xương. Những dấu hiệu trẻ còi xương là gì và làm sao để cải thiện tình trạng này đang là thắc mắc và mối quan tâm của rất nhiều bậc cha mẹ.

Bệnh còi xương có thể không gây nguy hiểm tức thời cho trẻ nhưng hoàn toàn có thể dẫn đến những hệ lụy không tốt cho trẻ về sau này như xương sông bị biến dạng, gù lưng, hay bị viêm phổi hoặc các bệnh liên quan đến miễn dịch. Chính vì vậy cần sớm nhận biết những dấu hiệu bệnh để có thể nhanh chóng khắc phục sớm.

1. Những thông tin cơ bản về căn bệnh còi xương

1.1. Khái niệm còi xương ở trẻ em

Bệnh còi xương là một bệnh liên quan đến loạn dưỡng xương do trẻ bị thiếu vitamin D hoặc trẻ bị rối loạn chuyển hóa vitamin D ở trong cơ thể. Bệnh này thường hay xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

Vitamin có khả năng tan trong chất béo, có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật như: trứng, sữa, cá, gan,…Vitamin D bao gồm 1 nhóm từ D2 đến D7 trong đó D2 và D3 có hoạt tính mạnh nhất. Vitamin D có tác dụng làm tăng hấp thụ canxi và phốt pho ở đường ruột, sau đó là tăng tái hấp thụ canxi ở thận, nó còn có vai trò thúc đẩy quá trình canxi hóa sụn tăng trưởng nên đặc biệt quan trọng trong sự phát triển hệ xương của trẻ. Khi cơ thể trẻ bị thiếu vitamin D hoặc không chuyển hóa được thì khi canxi máu bị giảm, canxi trong xương sẽ bị huy động tiết vào máu, từ đó gây ra thiếu hụt canxi xương, dẫn tới trẻ bị còi xương, chậm lớn, chậm phát triển các hoạt động thể chất, vận động, ảnh hưởng đến hệ xương khớp của trẻ.

1.2. Dấu hiệu trẻ còi xương giai đoạn sơ sinh

Ở trẻ sơ sinh (được tính từ giai đoạn mới sinh cho đến trước 6 tháng), có thể quan sát và nhận thấy một số dấu hiệu của trẻ bị còi xương đó là:

– Trẻ bị đổ nhiều mồ hôi khi ngủ mặc dù thời tiết mát mẻ

– Trẻ khó ngủ, trằn trọc, ngủ không yên giấc và dễ giật mình

– Trẻ bị rụng tóc nhiều, nhất là vùng sau gáy mà người xưa thường gọi là “rụng tóc vành khăn”

dấu hiệu trẻ còi xương

Những dấu hiệu còi xương ở trẻ sơ sinh rất dễ nhận biết

– Trẻ thường hay quấy khóc

– Ở vùng xương đầu có những bất thường như: thóp rộng mềm, lâu đóng, thóp không đầy và hay phập phồng theo nhịp thở của bé, đầu bẹt và trán dô cao.

– Trẻ chậm mọc răng, thường hay bị táo bón

– Các kỹ năng vận động như lẫy, bò trườn chậm hơn so với lứa tuổi.

Đối với trẻ sơ sinh, nếu nhận thấy đồng thời những dấu hiệu trên thì nên nghĩ đến vấn đề trẻ bị còi xương và đưa con đến các chuyên khoa dinh dưỡng để được làm các xét nghiệm cần thiết.

1.3. Dấu hiệu trẻ còi xương ở giai đoạn sau sơ sinh đến 36 tháng

Những trẻ sau 6 tháng cũng sẽ có những dấu hiệu điển hình của bệnh còi xương đó là: Hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, khó đi vào giấc ngủ, tóc rụng nhiều hình vành khăn. Những trẻ bị còi xương cấp tính thường có những tiếng thở rít, hay bị nôn trớ, nấc, có nhiều cơn khóc lặng người, thậm chí trẻ còn có thể bị co giật khi lượng canxi trong máu xuống quá thấp ở mức báo động. Có những trẻ bụ bẫm nhưng vẫn bị còi xương, gọi là còi xương thể bụ. Vì thế không chỉ nhìn vào cân nặng của trẻ mà đánh giá được trẻ có bị còi xương hay không. Những trẻ đủ cân, thậm chí là thừa cân vẫn có thể bị còi xương do không hấp thụ được vitamin D.

Đối với trẻ lớn hơn, quan sát thấy có sự biến đổi trong xương lồng ngực như xuất hiện những chuỗi hạt sườn hai bên, các xương tay chân xuất hiện vòng xương, Các cơ của trẻ bị còi xương thường nhẽo nên khả năng vận động như bò, trườn, đi sẽ bị chậm hơn nhiều so với mốc phát triển của lứa tuổi. Nếu như trong giai đoạn này mà không sớm phát hiện và điều trị cho trẻ có thể dẫn đến những di chứng như: lồng ngực bị biến dạng, ngực bị nhô ra phía trước hoặc bị gù lưng, chân tay cong, vòng kiềng, chân chữ bát, cột sống bị vẹo, khung chậu bị hẹp có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này đối với bé gái. Bên cạnh đó, trẻ bị còi xương còn xanh xao, sức khỏe không tốt, hay bị viêm phổi tái đi tái lại, thiếu máu…

2. Cách điều trị khi trẻ đã bị còi xương

Nếu cha mẹ quan sát thấy con mình có những dấu hiệu kể trên của căn bệnh còi xương thì cần sớm đưa trẻ đến những cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán.

dấu hiệu trẻ còi xương

Cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và đưa ra cách điều trị

Phương pháp điều trị chính dành cho căn bệnh này là bổ sung thêm vitamin D và canxi cho trẻ tương ứng với nguyên nhân chính gây nên bệnh. Những phương pháp mà cha mẹ có thể áp dụng để cải thiện tình trạng của con mình như sau:

2.1. Cho trẻ được tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời trong thời gian thích hợp

Tiền chất của vitamin D có tên là 7-dehydro-cholesterol có sẵn và nằm dưới da. Tiền chất trên sẽ bị hoạt hóa nhờ tác động của tia tử ngoại có trong ánh sáng mặt trời, nhờ đó hình thành nên vitaminD. Vitamin D sẽ giúp cho việc hấp thu canxi và phốt pho trong máu được dễ dàng hơn.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý về thời gian và thời điểm nên cho trẻ tắm nắng đó là trước 9 giờ sáng và phơi nắng trong khoảng 10- 30 phút tùy theo mức độ nắng ngày hôm đó. Khi tắm nắng nên cố gắng để da trẻ được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, không nên che chắn quần áo quá kỹ sẽ giảm bớt tác dụng của việc phơi nắng.

Ở những vùng khí hậu lạnh, không có nhiều ánh sáng hoặc những khu vực không khí ô nhiễm nặng, phải hạn chế hoạt động ngoài trời thì có thể đưa trẻ đến những bệnh viện có dịch vụ chiếu ánh sáng mặt trời nhân tạo.

2.2. Bổ sung vitamin V và canxi theo đường uống hoặc tiêm

Liều lượng để uống hoặc tiêm vitamin D tham khảo là 4000 UI/ngày trong vòng từ 4 đến 8 tuần. Nhưng vẫn cần tuân theo những chỉ định của bác sĩ trong một số trường hợp trẻ bị tiêu chảy, viêm phổi hoặc tùy vào thể trạng của trẻ mà điều chỉnh mức độ vitamin D sao cho phù hợp. Ngoài phương pháp uống còn có phương pháp tiêm vitamin D với liều 200.000 UI/ống, tiêm nhắc lại 3 tháng trong vòng 1 năm.

dấu hiệu trẻ còi xương

Bổ sung vitamin D và canxi theo liều lượng chỉ định của bác sĩ

Bổ sung canxi sau khi đã xét nghiệm và theo sự chỉ định của bác sĩ. Lưu ý: không nên tự ý bổ sung hoặc nghe theo những lời quảng cáo không được xác thực mà cho con mình uống canxi mà có thể gây ra những nguy cơ bất ổn cho sức khỏe của trẻ.

Ngoài việc bổ sung vitamin D và canxi trực tiếp, nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. Nên đa dạng các loại thực phẩm, nhất là những loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin D và canxi như trứng, sữa, gan, hải sải,…Thêm vào đó cần bổ sung thêm dầu mỡ vào khẩu phần ăn hàng ngày cho trẻ.

3. Phòng bệnh còi xương

Để trẻ ngay khi sinh ra không mắc bệnh còi xương, phụ nữ mang thai nên bổ sung vitamin D từ khi mang bầu theo đúng liều lượng chỉ dẫn của bác sĩ. Đồng thời có một chế độ ăn uống đầy đủ các nhóm thực phẩm, đa dạng các món ăn khác nhau.

Sau khi sinh, nên cho trẻ được tắm nắng ngoài trời hàng ngày. Trong trường hợp không thể tắm nắng trực tiếp cần bổ sung vitamin D bằng đường uống trong những năm đầu đời của trẻ.

Bệnh còi xương không phải bệnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể để lại những di chứng không tốt cho trẻ nếu như không được điều trị kịp thời. Cha mẹ nên nắm rõ những dấu hiệu trẻ còi xương để có thể giúp trẻ sớm khắc phục được vấn đề, không để lại ảnh hưởng cho tương lai trẻ sau này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital