Sỏi bàng quang là một trong những loại sỏi có trên đường tiết niệu nếu không loại bỏ kịp thời có thể khiến người bệnh gặp nhiều vấn đề với sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này những cách xử lý sỏi bàng quang đạt hiệu quả nhanh và an toàn.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao cần xử lý sớm sỏi bàng quang
Một trong những nguyên nhân khiến sỏi nằm tại bàng quang không di chuyển xuống niệu đạo và ra ngoài là bởi cổ bàng quang có đường kính hẹp nên không thể theo dòng nước tiểu đi xuống thấp hơn. Ở nam giới cổ bàng quang còn có tiền liệt tuyến bao bọc nên khó di chuyển qua hơn so với phụ nữ.
Khi không được tống xuất ra bên ngoài, sỏi sẽ tồn tại lâu trong bàng quang và có thể bám dính chắc vào niêm mạc và dần dần tăng kích thước. Đã từng có trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện và phát hiện sỏi to hàng chục centimet, kích thước lớn như quả trứng gà.
Không chỉ có kích thước sỏi gia tăng, mà người bệnh có thể phải đối mặt với những hệ lụy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không xử lý sớm sỏi. Những ảnh hưởng đơn giản nhất là gây ra các triệu chứng đau, tiểu khó trong quá trình sinh hoạt hàng ngày. Nặng nề hơn khiến sức khỏe suy giảm, gây khó khăn trong điều trị là viêm bàng quang, rò bàng quang, nước tiểu đẩy ngược dòng vào niệu quản thận gây giãn, ứ nước, ứ mủ, suy giảm chức năng thận…
2. Những cách xử lý sỏi bàng quang hiệu quả và an toàn
Để có phương hướng xử trí sỏi bàng quang người bệnh cần xác định rõ tình trạng bệnh của bản thân để từ đó sẽ có những định hướng và chỉ định điều trị mang đến hiệu quả nhất
2.1 Cách xử lý sỏi bàng quang bằng các bài thuốc dân gian
Hiệu quả của các bài thuốc dân gian trong chữa sỏi bàng quang là cao hay thấp phụ thuộc vào tình trạng sỏi, thể trạng, diễn biến bệnh, cách sử dụng những bài thuốc này của mỗi bệnh nhân. Thông thường những cách dân gian sẽ có hiệu quả tốt với những trường hợp sỏi nhỏ có khả năng di chuyển ra ngoài và chưa có các diễn biến nặng. Vậy nên trong các trường hợp chưa bắt buộc phải thực hiện điều trị ngoại khoa thì các bài thuốc dân gian cũng có thể là một lựa chọn đáng được cân nhắc.
Tuy nhiên, hiệu quả của cách này là người bệnh cần phải kiên trì áp dụng một thời gian dài và còn dựa vào khả năng đáp ứng thuốc của cơ thể. Vậy nên, khi lựa chọn chữa sỏi bàng quang theo hướng này, bạn nên gặp các thầy thuốc y học cổ truyền để tìm ra bài thuốc phù hợp với thể trạng của bản thân. Đặc biệt để đánh giá được sỏi bàng quang có thể sử dụng thuốc uống trong dân gian người bệnh cũng cần phải có những xét nghiệm chẩn đoán cụ thể về kích thước, tình trạng sỏi. Tránh trường hợp tự ý sử dụng, hoặc nghe theo mách bảo, việc này có thể khiến sỏi không bài xuất ra ngoài mà còn làm tình trạng bệnh nặng thêm.
Một số bài thuốc dân gian người bệnh có thể áp dụng thực hiện là sử dụng râu ngô, kim tiền thảo, xa tiền tử, hoàng bá, nhọ nồi, rau mã đề…
2.2 Cách xử lý sỏi bàng quang bằng y học hiện đại
Bên cạnh những bài thuốc dân gian chỉ áp dụng được cho một nhóm đối tượng nhỏ và có nhiều nguy cơ gây hại nếu không sử dụng đúng cách, thì người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, để từ đó có phương hướng điều trị phù hợp nhất. Đối với y học hiện đại hiện nay, hai phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị, mang đến hiệu quả cao, an toàn cho người bệnh là điều trị nội khoa sử dụng thuốc và can thiệp ngoại khoa ít xâm lấn – tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser.
Điều trị nội khoa
Người bệnh được bác sĩ chỉ định thuốc để tống xuất sỏi ra bên ngoài theo dòng nước tiểu cần đáp ứng các điều kiện sỏi nhỏ thường có kích thước 5mm trở xuống, bề mặt nhẵn, sỏi hình thành chưa lâu, niệu đạo không hẹp. Một số loại thuốc sẽ được sử dụng nhằm mục đích hỗ trợ đẩy sỏi ra bên ngoài đó là thuốc giãn cơ trơn, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng… Bên cạnh đó người bệnh cần lưu ý phải sử dụng chế độ ăn uống cho người mắc sỏi bàng quang, uống nhiều nước để thuốc có thể được hòa tan và nhanh chóng đào thải sỏi ra bên ngoài. Việc uống không đủ nước sẽ khiến lượng nước tiểu ít khó khăn trong việc đào thải, giảm hiệu quả của thuốc, ảnh hưởng đến liệu trình điều trị. Từ đó người bệnh cần phải chuyển sang những can thiệp ngoại khoa mới có thể loại bỏ sỏi.
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser đối với sỏi bàng quang
Những trường hợp sỏi bàng quang được xác định qua chẩn đoán không thể đẩy ra ngoài theo đường tiểu thường sẽ có chỉ định ngoại khoa can thiệp để đưa sỏi ra ngoài. Hiện nay với sự tiến bộ của y học hiện đại các phương pháp tán sỏi công nghệ cao đã ra đời, người bệnh thường được ưu tiên sử dụng bởi hạn chế xâm lấn, nhanh chóng hồi phục sức khỏe hơn so với mổ truyền thống. Phương pháp mổ truyền thống sẽ là lựa chọn cuối cùng cho người bệnh khi sỏi có kích thước quá lớn, bệnh nhân không đáp ứng chỉ định điều trị tán sỏi ngược dòng.
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser được đánh giá là phương pháp hiệu quả vượt trội đối với sỏi bàng quang >1cm hoặc <1cm không tự thoát theo dòng chảy nước tiểu, sỏi cứng, sỏi đã bám dính chặt vào niêm mạc. Ngoài ra người mắc sỏi bàng quang không có tình trạng hẹp niệu đạo, không có nhiễm khuẩn đường tiết hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu đã được điều trị, không có chống chỉ định gây mê hồi sức…
Phương pháp này giúp người bệnh thoát sỏi hoàn toàn qua đường tự nhiên. Qua con đường từ lỗ tiểu vào niệu đạo tới bàng quang, máy nội soi chuyên dụng dùng trong tán sỏi, dây dẫn năng lượng laser và rọ gắp sỏi được đưa vào để tìm sỏi, bắn vỡ sỏi và gom vụn sỏi đưa ra ngoài.
Với kỹ thuật nội soi ngược dòng người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe nhờ không có vết mổ, ít đau, ít chảy máu, ít nhiễm trùng biến chứng. Thông thường sau tán sỏi người bệnh có thể chủ động đi lại vệ sinh cá nhân và từ 1 đến 2 ngày là người bệnh có thể trở về nhà hoạt động sinh hoạt làm việc nhẹ nhàng. Sau khoảng 1 tuần đến tái khám rút sonde JJ là bệnh nhân hoàn toàn sinh hoạt như bình thường không gặp trở ngại gì.
3. Kết luận
Xử lý sớm sỏi bàng quang sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe cho người bệnh. Tuy nhiên lựa chọn phương hướng điều trị như thế nào để mang đến kết quả tối ưu nhất người bệnh cần có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa tiết niệu thông qua những xét nghiệm chẩn đoán và đánh giá.