Cúm A thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh thông thường khiến nhiều người chủ quan không điều trị hoặc tự ý điều trị cho trẻ tại nhà. Theo các bác sĩ Nhi khoa Thu Cúc TCI, cúm A là bệnh thường gặp nhưng có nguy cơ cao đe dọa tới tính mạng của trẻ nếu không được điều trị đúng cách. Do vậy, việc nhận biết dấu hiệu của bệnh cúm A sớm và chính xác góp phần quan trọng trong việc điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Cúm A là gì?
Cúm là khái niệm dùng để chỉ tình trạng bệnh lý do nhiễm virus cấp tính đường hô hấp. Virus có khả năng lây nhiễm ở người và được các chuyên gia phân thành các nhóm chính là A, B, C.
Cúm A xuất hiện phổ biến hơn trong các dịch cụm mùa và có thể gây ra các đại dịch bởi đặc trưng của loại virus này chính là khả năng thay đổi, phân nhóm nhanh, tạo ra các chủng mới. Virus cúm A có thể bị giết chết khi gặp nhiệt độ trên 56 độ C trong khoảng 3 giờ và trên 60 độ C trong khoảng 30 phút. Một số chất tẩy rửa, vệ sinh thông thường như formalin, iodine cũng có tác dụng trong việc tiêu diệt virus trên một số bề mặt. Tuy nhiên, một số tuýp virus có độc lực cao thường tồn tại lâu trong môi trường, đặc biệt là ở nhiệt độ thấp. Một số virus có thể tồn tại trong khoảng 35 ngày với nhiệt độ 4 độ C hoặc tồn tại nhiều năm nếu bị đóng băng.
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ lây nhiễm virus cúm A, tuy nhiên, trẻ em là đối tượng thường xuyên mắc phải tình trạng này do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Trẻ có thể nhiễm virus cúm từ người bệnh khi tiếp xúc với dịch mũi họng hoặc khi người đối diện ho, hắt hơi, nói chuyện… Ngoài ra, việc sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt khi trẻ đi học, tập trung ở những nơi đông người cũng là điều kiện thuận lợi khiến virus lây lan.
2. Dấu hiệu của bệnh cúm A ở trẻ
Thời gian ủ bệnh của cúm A thường kéo dài hơn so với các bệnh cúm khác. Thông thường, cúm A có thể ủ bệnh từ 2 cho tới 8 ngày, thậm chí có những trường hợp có thể kéo dài lên tới 17 ngày. Tuy nhiên, việc phơi nhiễm nhiều lần với virus cúm có thể ảnh hưởng tới việc xác định chính xác thời gian ủ bệnh của trẻ.
Khác với bệnh cảm lạnh thông thường, khi khởi phát bệnh, cúm A thường xuất hiện các triệu chứng một cách đột ngột. Những triệu chứng thường xuất hiện ở trẻ khi mắc cúm A phải kể đến chính là:
– Ho
– Sổ mũi
– Nghẹt mũi
– Hắt xì
– Đau họng
– Đau đầu
– Sốt
– Ớn lạnh
– Người mệt mỏi
– Bỏ bữa…
Một số trẻ có thể tự đào thải virus ra ngoài từ 1-2 ngày trước khi khởi phát và khoảng 3-5 ngày sau khi có các triệu chứng lâm sàng. Một số trường hợp thì có thể kéo dài từ 7 tới 10 ngày. Sau khi đào thải virus ra khỏi cơ thể, các triệu chứng bắt đầu thuyên giảm, trẻ dần hồi phục.
Nếu các bậc phụ huynh phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh và được điều trị kịp thời, trẻ có thể khỏi trong vòng 7-10 ngày. Sau 5 ngày, trẻ thường hết sốt, hết sổ mũi, đau đầu nhưng có thể vẫn còn ho và mệt mỏi kéo dài.
3. Biến chứng của cúm A
Trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, thời gian phục hồi lâu hơn so với người lớn. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, virus cúm A có thể dẫn tới các biến chứng vô cùng nguy hiểm đối với trẻ như:
– Sốt cao trên 39 độ C
– Không đáp ứng thuốc hạ sốt
– Khó thở, thở nhanh
– Co giật…
– Nhiễm trùng tai
– Viêm phổi
Đặc biệt, những trẻ có bệnh lý nền như hen suyễn, bệnh lý về thần kinh, tim mạch, máu, nội tiết, trẻ thừa cân béo phì… thường rất dễ gặp biến chứng và biến chứng nguy hiểm hơn so với trẻ khỏe mạnh bình thường.
Do vậy, để bảo vệ sức khỏe con trẻ đúng cách, các bậc phụ huynh cần cẩn trọng với các dấu hiệu kể trên. Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời với bác sĩ chuyên khoa.
4. Điều trị cúm A ở trẻ
Trước khi tiến hành điều trị, trẻ được các bác sĩ kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe để xác định loại virus. Xét nghiệm nhanh phân tử thường được thực hiện để phát hiện RNA của virus cúm, thời gian chỉ trong vòng 30 phút. Đồng thời, bác sĩ cũng kết hợp với các chẩn đoán khác để kết luận tình trạng của trẻ.
Về cơ bản, các bác sĩ sẽ tiến hành kê toa thuốc kháng virus để chống lại sự tấn công của chúng đối với cơ thể trẻ nhỏ. Những loại thuốc này thường được dùng để giảm khả năng lây lan của virus sang các tế bào trong cơ thể. Ngoài ra, tùy vào tình hình sức khỏe của trẻ và mức độ nặng của bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định điều trị thêm bằng các phương pháp khác.
Các bậc phụ huynh không nên tự ý điều trị cúm A cho trẻ tại nhà bằng các hướng dẫn lan truyền trên mạng. Bởi điều này có thể khiến tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn và nguy cơ biến chứng cao. Hãy liên hệ tới các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn điều trị cho trẻ đúng cách.
Nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh cúm A giúp các bậc phụ huynh có thể chủ động đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, để phòng ngừa cúm A cho trẻ, các bậc phụ huynh cần vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ, giữ gìn vệ sinh không gian sống, đồ chơi, quần áo… của trẻ và cho trẻ tiêm chủng theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.