Viêm loét dạ dày là 1 trong những bệnh lý đường tiêu hóa khá phổ biến và có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày, dấu hiệu nhận biết… là những điều được nhiều người quan tâm.
Menu xem nhanh:
1. Viêm loét dạ dày là gì?
Viêm loét dạ dày là bệnh lý đường tiêu hóa với đặc trưng là các tổn thương ở vùng niêm mạc dạ dày (viêm và loét niêm mạc). Tình trạng này xảy ra khi phần niêm mạc có chức năng bảo vệ dạ dày bị tổn thương và bào mòn làm lộ lớp mô cơ ở bên dưới.
Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh viêm loét dạ dày có thể tiến triển nặng gây ra các biến chứng nguy hiểm. Biến chứng dễ gặp phải nhất có thể kế đến xuất huyết dạ dày do ổ loét quá lớn. Người bệnh bị xuất huyết có thể gặp nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng do mất máu.
2. Nguyên nhân viêm loét dạ dày
Bệnh viêm loét dạ dày xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là các nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất:
2. 1 Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày – nhiễm vi khuẩn HP
Vi khuẩn Helicobacter pylori (còn gọi là HP) là vi khuẩn có khả năng sống ở niêm mạc dạ dày người. Chúng có khả năng tiết ra tiết ra một loại enzyme để trung hòa độ acid trong dạ dày (enzyme Urease). Vi khuẩn HP là 1 trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng viêm loét dạ dày thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
2. 2 Sử thuốc kháng viêm, giảm đau liên tục, thường xuyên
Việc sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm thường xuyên trong một thời gian dài cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày. Lý do là vì các loại thuốc này nếu sử dụng lâu dài sẽ làm ức chế các chất bảo vệ niêm mạc và gây ra viêm loét.
2. 3 Stress, căng thẳng – nguyên nhân viêm loét dạ dày
Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây đau, viêm loét dạ dày ở nhiều người. Tình trạng căng thẳng, lo lắng, giận dữ… sẽ khiến chức năng của dạ dày bị ảnh hưởng. Từ đó chúng gây nên tình trạng tăng tiết dịch vị dạ dày và làm tổn thương lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày.
2. 4 Viêm loét dạ dày do chế độ ăn uống, sinh hoạt
Ăn uống thất thường, không đúng bữa, nhịn ăn, ăn quá no hay quá đói đều khiến cho dạ dày bị ảnh hưởng và khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương. Ngoài ra uống quá nhiều các đồ uống có cồn như rượu bia cũng có thể là nguyên nhân viêm loét dạ dày. Bên cạnh đó việc sinh hoạt ngủ nghỉ thiếu khoa học cũng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong đó có dạ dày.
Ngoài các nguyên nhân trên thì viêm loét dạ dày còn có thể xảy ra do các nguyên nhân tự miễn hoặc do hóa chất …
3. Bệnh viêm loét dạ dày – những triệu chứng điển hình
Cùng với biết được nguyên nhân viêm loét dạ dày để phòng tránh thì việc nhận biết bệnh cũng rất quan trọng để khám và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm. Các dấu hiệu cảnh báo viêm loét dạ dày cần lưu ý như:
Đau bụng âm ỉ vùng thượng vị: Đây là 1 trong những triệu chứng điển hình của bệnh viêm loét dạ dày. Cơn đau có thể âm ỉ kéo dài hoặc xuất hiện khi đói trước khi ăn hoặc khi ăn no. Đôi khi cơn đau đau thường đi kèm cảm giác bỏng rát đặc biệt là khi ăn đồ ăn cay nóng.
Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn: Tình trạng viêm loét khiến cho chức năng của dạ dày không còn bình thường do đó ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn. Tình trạng này gây nên cảm giác chướng bụng, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn… ở người bệnh.
Tình trạng ợ hơi, ợ chua: Đây cũng là các vấn đề ghi nhận được ở người bị viêm loét dạ dày. Do đó nếu thấy bị ợ hơi, ợ chua thường xuyên bạn cũng nên đi khám để kiểm tra.
Người bị viêm loét dạ dày cũng gặp phải tình trạng ngủ không ngon giấc, mất ngủ… do viêm dạ dày gây đau.
Rối loạn tiêu hóa: Khi bị viêm loét dạ dày người bệnh có thể gặp phải các vấn đề rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón, đi ngoài phân đen.
4. Phương pháp chẩn đoán bệnh
Để chẩn đoán viêm loét dạ dày, phương pháp hiệu quả nhất đó là thực hiện nội soi dạ dày thực quản. Với việc đưa 1 ống nhỏ có gắn camera đi từ miệng vào thực quản xuống dạ dày, bác sĩ có thể quan sát rõ ràng bên trong, phát hiện và đánh giá mức độ bệnh. Trong quá trình nội soi các bác sĩ cũng thường tiến hành lấy mẫu sinh thiết để phát hiện vi khuẩn HP hoặc với trường hợp ổ loét rộng hoặc nghi ngờ ung thư.
Cùng với phương pháp nội soi dạ dày, bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm máu hoặc phân để chẩn đoán và đánh giá 1 vài chỉ số phục vụ cho chẩn đoán và điều trị bệnh.
5. Viêm loét dạ dày – các phương pháp phòng và điều trị
5. 1 Điều trị viêm loét dạ dày
Việc điều trị viêm loét dạ dày tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của bệnh. Thông thường các loại thuốc điều trị được sử dụng như thuốc trị vi khuẩn HP (với nguyên nhân viêm loét do HP), thuốc bảo vệ niêm mạc…. |Ngoài ra, bác sĩ sẽ khuyến cáo người bệnh thực hiện ăn uống điều độ, khoa học, dừng hoặc hạn các loại thuốc gây hại niêm mạc, tránh lo lắng, căng thẳng… trong quá trình điều trị.
5. 2 Phòng viêm loét dạ dày
Để phòng bệnh, chúng ta cần đi từ nguyên nhân viêm loét dạ dày. Cụ thể nên thực hiện các lưu ý như sau:
– Ăn uống điều độ khoa học: Ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, tránh ăn quá no hoặc quá đói.
– Hạn chế các chất kích thích đồ uống có cồn như rượu bia, thuốc lá, đồ ăn cay nóng…
– Tránh căng thẳng stress, tăng cường rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe.
– Giữ vệ sinh trong ăn uống, nên ăn riêng bát đũa… để tránh lây vi khuẩn HP
Trên đây là các thông tin về nguyên nhân viêm loét dạ dày cũng như dấu hiệu nhận biết, cách phòng và điều trị. Viêm loét dạ dày là bệnh lý khá phổ biến và có thể gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe. Do đó cùng với việc phòng bệnh, nếu thấy các dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng đi khám để được chẩn đoán và điều trị.