Trẻ bị đau bụng và nôn trớ thường khiến cho các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng và không biết xử lý làm sao cho đúng. Trong bài viết bên dưới, chúng tôi sẽ chia sẻ một số nguyên nhân và cách xử trí hiệu quả khi trẻ có biểu hiện đau bụng và nôn trớ.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ bị đau bụng và nôn trớ
1.1. Do trẻ bị nhiễm trùng
Vì hệ tiêu hóa của trẻ còn khá non nớt nên dễ bị các loại vi khuẩn và virus tấn công, gây ra tình trạng đau bụng, nôn trớ. Hiện tượng trẻ em bị đau bụng nôn trớ do nhiễm trùng có thể lây lan nếu bé cùng sinh hoạt chung trong môi trường như nhà trẻ, lớp học,… Biểu hiện đầu tiên của nhiễm trùng đường ruột là sau 24 giờ, trẻ sẽ nôn trớ và tiêu chảy.
1.2. Do trẻ bị ngộ độc thực phẩm
Nguồn thực phẩm hàng ngày cũng có thể nguyên nhân tiềm ẩn khiến bé bị đau bụng và nôn trớ. Các loại virus, vi khuẩn và ký sinh trùng có thể xâm nhập, tấn công vào đường tiêu hóa của trẻ qua thức ăn, cũng như nguồn nước bị ô nhiễm. Một số ví dụ về mầm bệnh là E.coli, Salmonella, Norovirus và Shigella. Những triệu chứng phổ biến nhất của hiện tượng này là tiêu chảy, buồn nôn, nôn trớ, sốt, đau quặn bụng.
1.3. Do trẻ không thể dung nạp Lactose
Lactose là loại đường có trong sữa và những sản phẩm được chế biến từ sữa. Để có thể tiêu hóa được lactose đúng cách, cơ thể của trẻ phải sản sinh ra một loại Enzyme có tên là Lactase. Nếu bé không có Enzym này sẽ gặp phải tình trạng được gọi là không dung nạp Lactose. Vì vậy, trẻ sẽ bị tiêu chảy, đầy hơi, đau quặn bụng hoặc táo bón khi tiêu thụ các sản phẩm từ sữa.
1.4. Do trẻ mắc phải một số bệnh lý
Tình trạng trẻ nhỏ bị đau bụng và nôn trớ có thể là do con mắc phải một số bệnh lý khác. Chẳng hạn như viêm dạ dày, tắc ruột hoặc rối loạn chức năng đường tiêu hóa,…
1.5. Do một số nguyên nhân khác
– Trẻ gặp vấn đề về hệ thần kinh trung ương như có áp lực nội sọ, đau nửa đầu, co giật,…
– Bé căng thẳng, trầm cảm, lo lắng,…
2. Cách xử trí nhanh khi trẻ bị đau bụng nôn trớ
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau bụng và nôn trớ ở trẻ em. Do đó, bố mẹ cần phải đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị triệt để các nguyên nhân khiến trẻ cảm thấy khó chịu.
Bên cạnh việc tuân thủ theo đúng chỉ định khám chữa bệnh của bác sĩ, bố mẹ cần phải chú ý một số điều sau khi chăm sóc trẻ:
– Cho con nghỉ ngơi nhiều và để bé nằm ở nơi thoải mái, thoáng mát.
– Không nên cho con uống nước khoảng 2 giờ sau lần nôn trớ cuối cùng. Sau 2 giờ, bố mẹ nên cho trẻ uống những ngụm nước nhỏ.
– Nếu bé nôn trớ nhiều, bố mẹ cần phải theo dõi xem con có bị mất nước không thông qua những dấu hiệu như môi khô, đi tiểu không thường xuyên, khóc không ra nước mắt. Nếu con có dấu hiệu bị mất nước, bố mẹ cần phải đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức.
– Nếu con muốn đi vệ sinh, bố mẹ hãy đưa bé đến nhà vệ sinh. Đôi khi đi tiêu có thể hạn chế những dấu hiệu đau bụng, nôn trớ và giúp trẻ cảm thấy bớt đau.
– Cho con ngồi trong nước ấm để giúp bé đi tiêu dễ dàng hơn, nhất là những trẻ có dấu hiệu bị táo bón.
3. Khi nào cần đưa trẻ bị đau bụng nôn trớ đến bệnh viện?
Bố mẹ cần phải quan sát kỹ các biểu hiện lâm sàng khi trẻ bị đau bụng nôn trớ trong 48 giờ đầu tiên. Đồng thời, bố mẹ cũng phải kiểm tra lại tất cả những loại thực phẩm mà trẻ đã ăn. Bởi vì nếu trong đó chứa những loại thực phẩm khiến trẻ bị dị ứng hoặc khó tiêu, bố mẹ phải bỏ chúng ra khỏi thực đơn hàng ngày của con. Ngoài ra, bố mẹ hãy giúp trẻ bù nước và bù chất điện giải nếu có biểu hiện tiêu chảy. Hơn nữa, bố mẹ cũng phải cho con nghỉ ngơi nhiều hơn.
Nếu trẻ xuất hiện những dấu hiệu sau đây, bố mẹ phải nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị:
– Thường xuyên cảm thấy đau bụng và cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
– Cơn đau dịch chuyển từ rốn xuống dưới bên phải của bụng.
– Cơn đau nghiêm trọng khiến con không thể đi lại.
– Từ chối ăn uống hoặc không muốn ăn trong một ngày.
– Dịch nôn có màu vàng, xanh lá cây, như bã cà phê hoặc chứa máu.
– Có dấu hiệu bị mất nước khi đi tiểu không thường xuyên, nước tiểu sẫm.
– Phân của trẻ có màu đen hoặc chứa máu.
– Tiêu chảy, táo bón hoặc rối loạn nhu động ruột.
– Đau họng, nhức đầu, đau dạ dày, đau khi đi tiểu.
– Có một vệt phát ban giống như vết bầm tím ở mông và chân.
Hy vọng bài viết của chúng tôi trên đây đã giúp bố mẹ nắm rõ những kiến thức cơ bản khi trẻ bị đau bụng và nôn trớ. Để đảm bảo sức khỏe của con, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi con xuất hiện biểu hiện đau bụng và nôn trớ.