Nguyên nhân và cách điều trị mất ngủ mãn tính hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Mất ngủ mãn tính là tình trạng khó ngủ, ngủ chập chờn và chằn chọc về đêm, dễ thức giấc lặp đi lặp lại và kéo dài nhiều tháng. Nếu không được thăm khám và cải thiện kịp thời có thể gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần người bệnh. Để mọi người hiểu rõ hơn về bệnh lý này, bài viết sau sẽ nêu ra các nguyên nhân và cách điều trị mất ngủ mãn tính một cách hiệu quả.

1. Mất ngủ mãn tính là bệnh gì?

Mất ngủ mãn tính là một dạng của rối loạn giấc ngủ, người bệnh thường gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ, dễ tỉnh giấc giữa đêm, thức dậy thì khó ngủ lại,… bị tái diễn liên tục trên 1 tháng. Người bị bệnh này thường sẽ mất khoảng từ 60 – 90 phút mới có thể đi vào giấc ngủ, một giấc ngủ sẽ giao động từ 3-4 giờ/ngày hoặc ít hơn. Theo số liệu đã thống kê, số lượng người bị mất ngủ mãn tính hiện tại chiếm tới 10% dân số.

Tình trạng mất ngủ kéo dài đang ngày càng phổ biến

Mất ngủ kéo dài (mất ngủ mãn tính) gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe và tinh thần cho người bệnh

Qua nhiều nghiên cứu của các chuyên gia đã cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh đa phần gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là nhóm có các bệnh mãn tính như: tim mạch, tiểu đường…

Bệnh lý này thường được chia thành 2 loại:

– Mất ngủ mãn tính tiên phát: do sự mất cân bằng các chất dẫn truyền bên trong não bộ (thiếu hụt serotonin) và không liên quan tới điều kiện y tế, bệnh lý hay thuốc điều trị. Chính vì vậy mà đến hiện nay cũng chưa thể xác định chính xác nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh.

– Mất ngủ mãn tính thứ phát: Là mất ngủ do các nguyên nhân như: tác dụng phụ của thuốc, lối sống, chấn thương, ảnh hưởng tâm lý sức khỏe…. gây ra. Do xác định được nguyên nhân nên tình trạng này có khả năng kiểm soát và điều trị cao hơn.

2. Nguyên nhân dẫn tới mất ngủ mãn tính

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới mất ngủ mãn tính (mất ngủ kinh niên) và dưới đây là một số nguyên nhân gặp nhiều nhất:

2.1. Do bệnh lý

Nguyên nhân dẫn tới mất ngủ mãn tính phổ biến nhất có thể kể tới đó là: bệnh lý và các vấn đề về sức khỏe ở người bệnh. Đặc biệt ở một số bệnh hay bùng phát triệu chứng mạnh vào ban đêm. Theo thống kê, chứng mất ngủ này liên quan nhiều nhất tới những bệnh lý như:

– Các bệnh về dạ dày: trào ngược dạ dày, viêm loét hang vị, ợ chua,…

– Viêm xoang, viêm mũi dị ứng.

– Bệnh lý về thần kinh như: Parkinson, Alzheimer.

– Thoái hóa, viêm xương khớp, gai đốt sống.

– Viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, tiểu đường, huyết áp…

2.2. Các vấn đề về tâm lý

Một trong những nguyên nhân dễ thấy nhất đó là do ảnh hưởng từ các vấn đề tâm lý, strees – căng thẳng,…Ngoài ra cũng có một số trường hợp liên quan đến các bệnh về tâm thần như: rối loạn tâm trạng, rối loạn nhân cách, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế….

2.3. Nguyên nhân từ tuổi tác

Người lớn tuổi là nhóm có nguy cơ cao nhất bị mắc mất ngủ kinh niên. Khi tuổi tác càng cao, chức năng của các cơ quan trong cơ thể càng suy giảm, từ đó dẫn tới nhiều vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt là các bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi như: xương khớp, huyết áp, tiểu đường,… dễ gây ra khó ngủ, mất ngủ và tỉnh giấc bất chợt vào đêm.

Mất ngủ bệnh lý điển hình thường gặp ở người lớn tuổi

Mất ngủ mãn tính là một căn bệnh đặc trưng thường gặp ở người lớn tuổi

Ngoài ra, ở người lớn tuổi các hoạt động sản sinh Melatonin – hormone gây buồn ngủ cũng có xu hướng giảm dần do bị ảnh hưởng của lão hóa.

2.4. Một số nguyên nhân khác

Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, mất ngủ kinh niên còn liên quan tới một số vấn đề khác như:

– Lối sống: Hiện nay, bệnh mất ngủ mãn tính đang có tình trạng trẻ hóa. Phần lớn những người trẻ bị mất ngủ đa phần do: ít thể dục, lười vận động, tần suất sử dụng các thiết bị điện tử liên tục, lạm dụng rượu bia và các đồ uống chứa caffeine,… Khi tình trạng diễn ra trong một thời gian dài và không được chú ý chữa trị, dần dần hình thành bệnh mãn tính.

– Tác dụng phụ của các loại thuốc: Một số loại thuốc có thành phần chứa hoạt chất Pseudoephedrine, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng Histamine hay các loại thuốc điều trị ung thư…Khi sử dụng kéo dài có thể gây tác động trực tiếp tới hệ thần kinh của người dùng, dẫn tới tình trạng mất ngủ, khó ngủ kéo dài,…

– Vấn đề giới tính: Theo đánh giá, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới đặc biệt là phụ nữ sau sinh và phụ nữ tiền mãn kinh. Nguyên nhân chính là do thay đổi nội tiết tố trong cơ thể dẫn tới tình trạng dễ nổi nóng, bốc hỏa và khó ngủ về đêm.

3. Cách điều trị mất ngủ mãn tính hiệu quả

Khi đã xác định được mức độ và tình trạng bệnh, bạn có thể tham khảo một số các phương pháp để cải thiện và điều trị như sau:

3.1. Điều chỉnh về lối sống

Đối với mất ngủ mãn tính, lối sống thiếu khoa học không hẳn là một nguyên nhân chính gây ra bệnh, mà thường chỉ là yếu tố kết hợp. Tuy nhiên, việc thay đổi lối sống phù hợp cũng giúp cải thiện phần nào tình trạng của bệnh, như:

– Hạn chế sử dụng caffein, thuốc lá, rượu, bia…

– Tránh suy nghĩ căng thẳng, cãi vã,… vào buổi tối gần giờ đi ngủ.

– Luyện cho bản thân thói quen ngủ và dậy đúng giờ để điều hòa nhịp sinh học của cơ thể.

– Vệ sinh phòng ốc sạch sẽ thoáng mát, ánh sáng phù hợp.

– Xây dựng thực đơn ăn uống hàng ngày khoa học và lành mạnh hơn (tăng hoa quả, rau xanh và giảm đồ ăn dầu mỡ)

– Tăng cường tập thể dục và thực hiện một số biện pháp để thư giãn như: tắm nước ấm, ngồi thiền, đọc sách, nghe nhạc,… giúp giải tỏa căng thẳng trước giờ ngủ.

Duy trì lối sống lành mạnh và khoa học cũng là một cách điều trị mất ngủ mãn tính

Thay đổi lối sống khoa học và lành mạnh hơn

Mọi người có thể áp dụng phương pháp này kết hợp với phương pháp dùng thuốc hay tâm lý trị liệu dưới đây.

3.2. Điều trị mất ngủ mãn tính bằng thuốc

Phần lớn bệnh nhân bị mất ngủ mãn tính đều phải sử dụng thuốc. Đây là cách điều trị giúp người bệnh thấy được hiệu quả nhanh và rõ rệt hơn cả.

Bên cạnh hiệu quả nhanh chóng, thì cách điều trị này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Người bệnh cần được thăm khám và thực hiện theo đúng chỉ định, phác đồ mà bác sĩ đưa ra để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Một số bệnh nhân khi mới phát hiện bệnh ở thể nhẹ có thể sử dụng một số loại thuốc ngủ có tính an thần như: Diphenhydramine; Melatonin;… theo hướng dẫn của bác sĩ. Còn với trường hợp bệnh nặng và có các triệu chứng khó kiểm soát thì bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc như: Temazepam; Suvorexant; Ramelteon; Doxepin;…

Điều trị mất ngủ mãn tính bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc là phương pháp phổ biến được sử dụng ở hiện tại

Chú ý: Đối với thuốc ngủ phải sử dụng theo chỉ định và thăm khám của bác sĩ. Không lạm dụng trong thời gian dài khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

3.3. Điều trị mất ngủ mãn tính bằng tâm lý trị liệu

Trị liệu tâm lý là phương pháp chữa bệnh bằng hình thức trị liệu giúp thay đổi nhận thức của người bệnh về bản thân và cuộc sống. Ở phương pháp này sẽ hoàn toàn không can thiệp tới cơ thể, không sử dụng thuốc. Qua tâm lý trị liệu, những vấn đề như: bất thường cảm xúc, tư duy và hành động của người bệnh sẽ được dần gỡ bỏ. Từ đó giúp cải thiện tâm lý và giấc ngủ một cách tự nhiên nhất.

Mất ngủ mãn tính ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và tâm tý của người bệnh. Vì vậy, tốt nhất ngay khi có hiện tượng, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để được chuẩn đoán vá điều trị sớm từ bác sĩ chuyên khoa.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital