Nguyên nhân gây sốt xuất huyết và cách nhận biết

Tham vấn bác sĩ

Theo ước tính, có khoảng 50 – 100 triệu ca mắc sốt xuất huyết Dengue trên thế giới mỗi năm. Khoảng 3 tỷ người trên thế giới đang sinh sống ở các quốc gia lưu hành bệnh sốt xuất huyết Dengue. Vậy nguyên nhân gây sốt xuất huyết là gì và có các yếu tố nào làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh?

1. Tìm hiểu các nguyên nhân gây sốt xuất huyết

1.1 Nguyên nhân gây sốt xuất huyết trực tiếp

Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm xảy ra khi cơ thể nhiễm virus Dengue. Virus này thuộc chi Flavivirus, họ Flaviviridae và gồm 4 chủng khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Khi xâm nhập vào cơ thể người, chúng gây bệnh cho người, gây ra các triệu chứng sốt, nôn, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, xuất huyết ở nhiều vị trí và nhiều mức độ.

Khi nhiễm 1 trong 4 chủng virus này, cơ thể sẽ có cơ chế miễn dịch tạo ra kháng thể để chống lại virus và tạo ra miễn dịch suốt đời với virus đó. Nhưng kháng thể đó lại không có tác dụng với 3 chủng virus còn lại. Vì thế, một người có nguy cơ mắc sốt xuất huyết tới 4 lần trong đời.

Virus Dengue là nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết

Virus Dengue là nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết.

1.2 Nguyên nhân gây sốt xuất huyết gián tiếp

Muỗi Aedes aegypti là loài vật gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Chúng còn được gọi là muỗi vằn do có các mảng màu trắng điển hình ở thân và chân. Muỗi Aedes aegypti thường có kích thước nhỏ, dài khoảng 4 – 7mm. Chỉ có con cái mới có khả năng truyền bệnh. Chúng hoạt động vào ban ngày, chủ yếu là buổi sáng sớm và chiều tối.

Muỗi thường đẻ trứng dưới nước, ở ao hồ, trong các dụng cụ chứa nước và đọng nước như bể nước, thùng, chum, vại, xô, lọ hoa, chai lọ bỏ đi, hộp thiếc, lốp xe…

Sau khi hút máu từ người bệnh nhiễm virus Dengue, virus sẽ được chứa ở tuyến nước bọt của muỗi. Thời gian virus ủ bệnh ở muỗi là khoảng 10 – 12 ngày. Sau đó, muỗi sẽ truyền bệnh cho những người khỏe mạnh khi đốt người qua đường nước bọt.

2. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết

2.1 Tuổi tác

Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra hơn cả ở trẻ em. Tuy nhiên hiện này, càng ngày càng nhiều người lớn mắc căn bệnh này.

2.2 Sức đề kháng yếu

Bất cứ ai cũng có thể bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Nhưng tùy sức đề kháng vốn có mà khả năng mắc bệnh và phản ứng với bệnh của mỗi người sẽ khác nhau. Đặc biệt, những người có cơ địa béo phì, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ có thai… là những đối tượng có nguy cơ dễ mắc bệnh và bệnh dễ trở nặng.

2.3 Sống ở nơi đang có dịch

Những người sinh sống trong vùng đang có dịch sốt xuất huyết rất dễ mắc bệnh nếu bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt.

2.4 Sống trong môi trường chứa nước tù đọng

Ao, hồ, sông, suối, nơi ở có nhiều vật dụng chứa nước tù đọng như xô, chậu, chum vại chứa nước, nơi chứa, rác thải, lùm cây, bụi rậm… chính là nơi sinh sản của muỗi. Do vậy, những người sống hay đi du lịch đến các khu vực này có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết.

2.5 Thường xuyên bị muỗi đốt

Các thói quen như không mắc màn khi ngủ, ít mặc quần áo dài tay… sẽ khiến bạn dễ bị muỗi đốt và nhiễm bệnh sốt xuất huyết.

Các đối tượng trên khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị tích cực.

Môi trường sống ô nhiễm là tác nhân gây sốt xuất huyết

Môi trường sống ô nhiễm, tù đọng là điều kiện cho mỗi sinh sôi, gây bệnh sốt xuất huyết.

3. Các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết thường gặp

3.1 Sốt xuất huyết ở thể nhẹ

Giai đoạn này thường kéo dài từ 2 – 7 ngày với các triệu chứng giống như cúm, bao gồm:

– Sốt cao, có thể lên tới 40,5 độ C kèm theo ít nhất 2 trong số các triệu chứng

– Đau đầu và đau hốc mắt

– Buồn nôn hoặc nôn

– Đau cơ, xương, khớp

– Phát ban, nổi mẩn, ngứa

3.2 Sốt xuất huyết Dengue nặng

Ở giai đoạn này thường rơi vào khoảng 3 – 7 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên. Lúc này thân nhiệt của bệnh nhân có thể giảm hoặc không. Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm có thể gặp gồm:

– Người bệnh đau bụng dữ dội

– Nôn liên tục

– Chảy máu ở mũi, chân răng

Nôn ra máu, phân màu đen hoặc lẫn máu tươi

– Thở nhanh, gấp, mệt mỏi, bồn chồn, li bì

Khi thấy bệnh trở nặng, cần nhanh chóng đưa người bệnh tới phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất bởi vì tình trạng này có thể dẫn đến thoát huyết tương, sốc, tích tụ dịch. Người bệnh có thể bị suy hô hấp, suy các tạng, chảy máu nặng dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não rất nguy hiểm.

4. Điều trị sốt xuất huyết

Thông thường nếu bệnh ở thể nhẹ có thể tự khỏi sau 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, cần theo theo dõi và điều trị tích cực để giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn biến chứng nguy hiểm. Các biện pháp điều trị sốt xuất huyết được khuyến cáo gồm:

– Hạ sốt nếu bệnh nhân sốt. Cụ thể nếu sốt < 38,5 độ C chỉ cần chườm bằng nước ấm. Sốt từ 38,5 độ C thì cần hạ sốt bằng thuốc Paracetamol với liều phù hợp. Trẻ em có tiền co giật nên dùng thuốc khi trẻ sốt từ 38 độ C.

– Bù nước và điện giải bằng cách bổ sung nước, uống oresol hay hydrite…

– Truyền dung dịch Nacl 0,9% qua đường tĩnh mạch nếu người bệnh không uống được hoặc nôn

Trong quá trình điều trị, người bệnh nên nghỉ ngơi tại giường, ăn các loại thức ăn lỏng dễ tiêu, uống nhiều nước lọc, oresol, nước trái cây… để tăng cường bù dịch.
Tránh ăn/uống những thực phẩm có màu đỏ, nâu. Cần chú ý theo dõi người bệnh, nếu bệnh không cải thiện hoặc có dấu hiệu nặng lên thì cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm.

Điều trị sốt xuất huyết từ nguyên nhân

Việc điều trị sốt xuất huyết hiện nay thường nhằm mục tiêu giảm nhẹ triệu chứng và ngăn biến chứng nguy hiểm.

5. Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết từ nguyên nhân

– Kiểm tra thường xuyên để phát hiện và diệt loăng quăng, bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt hàng ngày

– Thường xuyên cọ rửa các vật dụng chứa nước, nếu được hãy đậy nắp kín để tránh muỗi đẻ trứng

– Thả cá để tiêu diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy…

– Thay nước ở các lọ hoa thường xuyên, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy

– Xử lý các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, tránh tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng

– Ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt

– Diệt muỗi và phòng muỗi đốt bằng cách dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem muỗi, vợt muỗi…

– Phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt bọ gậy/loăng quăng và các chiến dịch phòng, chống bệnh

– Khi bị sốt, không nên chủ quan hoặc tự ý điều trị mà cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và tư cách chữa bệnh đúng

Tóm lại, sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm do virus Dengue gây ra và có khả năng lây truyền nhanh qua đường muỗi đốt. Hiểu rõ những kiến thức về nguyên nhân gây sốt xuất huyết và đặc điểm của bệnh được chia sẻ hi vọng đã giúp bạn biết cách phòng tránh và nhận diện căn bệnh này. Nếu có thắc mắc về bệnh hay cần tư vấn cách điều trị, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được giải đáp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital