Nguyên do, cách truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Hằng

Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có thể lây truyền nhanh chóng và gây sốt, khó chịu cho người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ gây tử vong cho người bệnh. Nguyên nhân và cách lây truyền sốt xuất huyết Dengue sẽ được chia sẻ trong bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân chính gây bệnh sốt xuất huyết Dengue

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên và có bùng phát thành dịch trên diện rộng. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa, với trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Aedes Aegypti.

Loại virus này có 4 chủng huyết thanh bao gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Khi nhiễm 1 trong 4 chủng virus, người bệnh có khả năng tạo ra kháng thể miễn dịch với chủng đó suốt đời. Tuy nhiên điều này cũng có nghĩa người từng bị sốt xuất huyết vẫn có khả năng nhiễm 3 chủng virus còn lại ở những lần sau. Vì vậy, một người đã khỏi sốt xuất huyết vẫn có thể tái mắc căn bệnh này.

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết Dengue

Virus Dengue là nguyên nhân gây sốt xuất huyết.

2. Cách lây truyền bệnh sốt xuất huyết từ người sang người

2.1 Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue

Muỗi Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh chính, khiến bệnh sốt xuất huyết truyền từ người này sang người khác. Loại muỗi này có màu đen, thân và chân có những đốm trắng nên người dân thường được gọi là “muỗi vằn”. Muỗi cái đốt người vào ban ngày, chủ yếu vào sáng sớm và chiều tối. Nếu người này đang mang virus Dengue thì virus sẽ đi vào cơ thể muỗi. Virus Dengue ủ bệnh ở muỗi Aedes khoảng 8 -11 ngày. Sau đó, người bị muỗi Aedes đốt sẽ nhiễm virus và mắc bệnh sốt xuất huyết.

2.2 Các đối tượng dễ mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue

Tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus Dengue đều có thể mắc bệnh. Nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết của trẻ em và người lớn là như nhau. Tuy nhiên, ở miền Nam và Nam Trung bộ nước ta, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi mắc bệnh thường cao hơn.

Muỗi vằn thường sinh sống ở các góc tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước tù đọng hoặc các dụng cụ chứa nước ở nơi ở như bể bơi, giếng nước, hốc cây, chum, vại, lu, các đồ vật, đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, lốp xe, vỏ dừa. Vì thế, những người đi du lịch hoặc sinh sống ở các khu vực kể trên có nguy cơ bị sốt xuất huyết cao hơn so với người bình thường.

Bên cạnh đó, trẻ nhỏ, người miễn dịch yếu, có bệnh lý nền,… có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn so với người khỏe mạnh. Người đã có tiền sử bị sốt xuất huyết thì một khi bị tái nhiễm, các triệu chứng sẽ nặng và gây nhiều nguy hiểm hơn.

Muỗi vằn là tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết

Muỗi vằn là tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết

3. Các giai đoạn sốt xuất huyết và những triệu chứng nhận biết

3.1 Giai đoạn 1: Giai đoạn sốt

Giai đoạn này thường diễn ra trong 2 – 7 ngày đầu. Bệnh nhân sốt cao liên tục, có thể lên tới 40,5 độ C, có hoặc không có các biểu hiện sau:

– Đau đầu âm ỉ hoặc dữ dội

– Đau nhức 2 hốc mắt

– Chán ăn, buồn nôn

– Đau cơ, khớp

– Xuất huyết ở dưới da, thường là các chấm phát ban, có trường hợp chảy máu chân răng, chảy máu cam

3.2 Giai đoạn 2: Giai đoạn nguy hiểm

Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết thường rơi vào ngày thứ 3 – 7 của quá trình nhiễm bệnh. Lúc này người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt kèm theo các biểu hiện sau:

– Thoát huyết tương do tính thấm thành mạch tăng (thường kéo dài 24 – 48h)

– Sưng mi mắt, gan to, có thể có biểu hiện đau.

– Các triệu chứng sốc bao gồm vật vã, bứt rứt hoặc li bì, đầu chi lạnh, da lạnh ẩm, mạch nhanh và nhỏ, tụt huyết áp, huyết áp kẹp, tiểu ít.

Bên cạnh đó, tình trạng xuất huyết cũng có thể xảy ra rầm rộ và biểu hiện đa dạng:

Xuất huyết dưới da: Gồm các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết trên da, vị trí thường ở mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong hai cánh tay. Các nốt xuất huyết có thể lan xuống bụng, đùi, mạng sườn hoặc xuất hiện các mảng bầm tím.

– ‎Xuất huyết ở niêm mạc: Người bệnh chảy máu mũi, lợi, ho, nôn, đi tiểu hoặc đi ngoài ra máu. Người bệnh bị rối loạn kinh nguyệt, có thể là rong kinh hoặc có kinh sớm hơn so với chu kỳ.

– Suy đa tạng: Một số trường hợp nặng, bệnh nhân có thể gặp tình trạng viêm gan nặng, viêm cơ tim, viêm não. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở cả một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc sốc.

3.3 Giai đoạn 3: Giai đoạn người bệnh hồi phục

Khoảng từ 2 – 3 ngày sau giai đoạn nguy hiểm, người bệnh có thể hết sốt và dần phục hồi thể trạng. Họ có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định, đi tiểu nhiều,… Các chỉ số tiểu cầu tăng dần lên cho đến khi trở về trạng thái bình thường. Lưu ý, trong giai đoạn này, việc truyền dịch quá mức có thể gây tình trạng phù phổi hoặc suy tim. Do vậy, việc truyền dịch cần hết sức thận trọng và có sự giám sát của bác sĩ.

Phát ban, sẩn ngứa là một trong những triệu chứng sốt xuất huyết

Phát ban, sẩn ngứa là một trong những triệu chứng sốt xuất huyết.

4. Cần làm gì để quá trình điều trị sốt xuất huyết đạt hiệu quả?

Khi thấy các dấu hiệu sốt xuất huyết, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện ngay để kiểm tra các vấn đề: âm tính hay dương tính với virus Dengue, các chỉ số như số lượng tiểu cầu, bạch cầu,… Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể cho bệnh nhân thực hiện một số chẩn đoán khác nhằm khẳng định hoặc loại trừ các nguyên nhân gây triệu chứng tương tự.

Nếu tình trạng bệnh không quá nghiêm trọng, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà với các hướng dẫn của bác sĩ:

– Hạ sốt bằng Paracetamol khi bệnh nhân sốt cao

– Lau mát cơ thể bằng nước ấm để hạ sốt

– Tích cực uống nước, nước trái cây, oresol, ăn cháo muối loãng để bù dịch cho cơ thể. Nếu bệnh nhân không ăn được, cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

– Thường xuyên theo dõi nhiệt độ và các triệu chứng, nếu thấy bất thường cần đưa bệnh nhân đi khám ngay.

Đối với những trường hợp nặng, bệnh nhân giảm tiểu cầu nghiêm trọng hoặc xuất hiện tình trạng cô đặc máu, xuất hiện các biến chứng, cần đưa đi cấp cứu để được xử trí kịp thời.

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về bệnh sốt xuất huyết Dengue, từ đó nhận diện bệnh sớm và có biện pháp điều trị phù hợp giúp đẩy lùi căn bệnh này. Nếu cần bất cứ sự hỗ trợ y tế nào, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital