Với mong muốn mang lại hiệu quả cao, an toàn cũng như vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, các công nghệ ứng dụng trong y học vấn luôn được chú trọng phát triển và sáng tạo không ngừng. Và trong điều trị u tuyến giáp cũng không ngoại lệ với sự xuất hiện của kỹ thuật đốt sóng cao tần. Vậy kỹ thuật mổ u tuyến giáp bằng sóng cao tần được thực hiện như thế nào, có những ưu điểm gì nổi trội so với các phương pháp trước đây?
Menu xem nhanh:
1. Mổ u tuyến giáp bằng sóng cao tần là gì?
1.1 U tuyến giáp là gì?
U tuyến giáp là một trong những bệnh lý liên quan đến tuyến giáp thường gặp nhất, đặc biệt là đối với nữ giới ngoài 30 tuổi. Việc xuất hiện khối u ở tuyến giáp sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe như chèn ép các mô, cơ quan lân cận, gây ho, khó thở, đau khi nuốt, mất thẩm mỹ,… Ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc u tuyến giáp, bạn cần đi thăm khám để được hướng dẫn điều trị, tránh để lâu dài gây ra nhiều biến chứng.
1.2 Kỹ thuật mổ u tuyến giáp bằng sóng cao tần
Nếu trước kia, phẫu thuật u tuyến giáp được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp mổ hở gây nhiều đau đớn, nguy cơ biến chứng và để lại vết sẹo dài thì hiện nay đã có những phương pháp hiện đại hơn ra đời thay thế dần những phương pháp trước kia. Trong đó, phải kể đến phương pháp mổ u tuyến giáp bằng sóng cao tần được đánh giá là phương pháp ưu việt nhất.
Mổ u tuyến giáp bằng sóng cao tần (hay còn gọi là đốt u tuyến giáp bằng sóng cao tần) là phương pháp tiêu hủy khối u bằng cách sử dụng nhiệt gây ra bởi sự ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số cao. Một điện cực được đưa vào khối u và duy trì ở nhiệt độ phá huỷ từ 60-100°C. Dòng điện từ máy phát được truyền vào khối u qua một điện cực dạng kim và sinh nhiệt. Nhiệt này sẽ làm khô mô xung quanh dẫn đến làm mất nước trong tế bào và hoại tử khối u.
2. Mổ u tuyến giáp bằng sóng cao tần có ưu điểm gì?
2.1 Ưu điểm của mổ u tuyến giáp bằng sóng cao tần
Mổ u tuyến giáp bằng sóng cao tần có những ưu điểm vượt trội sau:
– Rất an toàn do mũi kim chỉ tác động đến khối u, không ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh nên bảo tồn tối đa được phần tuyến giáp khỏe mạnh và không gây suy giáp. Bên cạnh đó, do không phải mổ nên không gây ra các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, tác dụng phục của thuốc mê.
– Không đau do không phải mổ nên quá trình đốt u rất nhẹ nhàng. Bệnh nhân chỉ cần gây tê tại vùng quanh tuyến giáp mà không cần gây mê nên có thể trò chuyện với bác sĩ để chắc chắn dây thần kinh không bị tổn thương.
– Tiết kiệm thời gian và tiền bạc vì thời gian điều trị chỉ diễn ra khoảng 15 – 30 phút, bệnh nhân sau khi được theo dõi ổn định có thể quay lại sinh hoạt bình thường, không phải nằm viện, không cần nghỉ dài ngày.
– Có tính thẩm mỹ cao, không để lại sẹo, giữ lại nguyên vẹn nét đẹp cho mọi người, nhất là những trường hợp người bệnh còn trẻ.
2.2 Nhược điểm của phương pháp
Tuy nhiên, vì đây là kỹ thuật tiên tiến nên chưa được nhiều bệnh viện đưa vào trong điều trị. Kỹ thuật đốt u tuyến giáp bằng sóng cao tần có thể gây ra một số tác dụng sau điều trị như đau vùng cổ, bỏng da nhẹ, thay đổi giọng nói tạm thời,.. nhưng các tác dụng phụ này rất hiếm xảy ra và so với những ưu điểm mà nó mang lại thì người bệnh hoàn toàn không cần lo lắng.
3. Mổ u tuyến giáp bằng sóng cao tần áp dụng cho những đối tượng nào?
Phương pháp mổ u tuyến giáp này được áp dụng trong các trường hợp sau:
– Người bệnh có khối u tuyến giáp có kích thước từ 15mm trở lên.
– Người bệnh bị đau vùng cổ, khó nói, khó chịu khi nuốt do khối u chèn ép các vùng cơ quan xung quanh.
– Người bệnh bị bướu giáp lành tính.
– Người bệnh có nhân độc tuyến giáp gây ra các triệu chứng cường giáp.
Đối u tuyến giáp bằng sóng cao tần không được sử dụng cho một số đối tượng:
– Người bệnh được chẩn đoán bị ung thư tuyến giáp.
– Phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ mang thai.
– Người bệnh mắc kèm các bệnh về tim mạch.
4. Quy trình thực hiện đốt u tuyến giáp bằng sóng cao tần
Nắm được quy trình, các bước điều trị u tuyến giáp bằng sóng cao tần sẽ giúp bệnh nhân chủ động hơn khi đi thăm khám.
– Đầu tiên, người bệnh hoàn tất các thủ tục thăm khám, nhận kết quả cận lâm sàng, chỉ định và cam kết làm can thiệp sau khi được bác sĩ giải thích về các lợi ích và nguy cơ của việc thực hiện phương pháp đốt u tuyến giáp bằng sóng cao tần.
– Sâu âm nhằm xác định chính xác vị trí khối u, chẩn đoán bước đầu các đặc tính và ước lượng kích thước của khối u.
– Khẳng định khối u tuyến giáp là lành tính bằng phương pháp chọc hút tế bào.
– Sử dụng dung dịch cồn để sát khuẩn vùng cổ và gây tê tại chỗ
– Tiến hành đốt sóng cao tần tại vị trí khối u.
Sau khi thực hiện thủ thuật, người bệnh được nghỉ ngơi và theo dõi tại bệnh viện nhằm quan sát các trường hợp có biểu hiện bất thường xảy ra. Sau khoảng 1 giờ, nếu không có gì bất thường, người bệnh có thể ra về và trở lại sinh hoạt bình thường.
Sau điều trị, khối u không hết ngay được mà sẽ giảm dần theo thời gian. Nếu sau 9-12 tháng, kích thước khối u vẫn chưa giảm đáng kể thì người bệnh có thể điều trị lần 2.
Sau khi thực hiện đốt sóng cao tần u tuyến giáp, người bệnh cần chú ý đi khám định kỳ 1, 2, 6 và 12 tháng sau đốt. Sau đó khám 1 lần mỗi năm trong 5 năm và thực hiện những xét nghiệm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Kết luận
Như vậy có thể nói, mổ u tuyến giáp bằng sóng cao tần là phương pháp an toàn, có hiệu quả điều trị cao, đặc biệt giải quyết được vấn đề rất đáng quan tâm của chị em phụ nữ về thẩm mỹ, không để lại sẹo. Đây là kỹ thuật mới, phụ thuộc nhiều vào máy móc và bác sĩ thực hiện. Do vậy, để có kết quả điều trị tốt nhất, mọi người nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, chất lượng.