Mất ngủ có nên uống thuốc ngủ không, vì sao?

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Mỗi khi bị mất ngủ lại dùng ngay thuốc ngủ, tự ý mua thuốc mà không được kê đơn,… là thói quen của rất nhiều người hiện nay. Tuy nhiên mất ngủ có nên uống thuốc ngủ không? Tự ý uống thuốc ngủ có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Cùng tìm hiểu về các loại thuốc ngủ và những lưu ý sử dụng trong bài viết dưới đây. 

1. Thuốc ngủ là gì? Vai trò trong việc điều trị mất ngủ

Thuốc ngủ hay thuốc an thần có chức năng chính là tạo cảm giác buồn ngủ, giúp người bị bệnh mất ngủ có thể đi vào giấc ngủ dễ dàng. Trong nhiều trường hợp, thuốc ngủ cũng có thể được dùng để gây mê tạm thời khi làm tiểu phẫu. Các loại thuốc này tác động vào hệ thần kinh trung ương, giúp cơ thể thư giãn và nhanh chóng đạt được giấc ngủ như mong muốn hoặc giúp giảm nhẹ các triệu chứng mất ngủ. 

Các loại thuốc ngủ hiện nay được chia thành 3 nhóm thành phần gồm:

– Benzodiazepines: Nhóm thuốc ngủ phổ biến để điều trị triệu chứng mất ngủ nhờ những hoạt chất như diazepam, bromazepam, clonazepam. Chúng thường có tác dụng trong 6 giờ kể từ khi uống.

– Barbiturate: Chứa thành phần chủ yếu là phenobarbital (Gardenal), pentobarbital (Nembutal), nhóm thuốc ngủ này được dùng phổ biến để điều trị an thần trước đây. Hiện nay, chúng được dùng chủ yếu với mục đích chống co giật cấp hoặc gây mê.

– “Z-drugs”: Thành phần chủ yếu của nhóm thuốc ngủ này gồm zolpidem (Stilnox, Ambien), eszopiclone (Lunesta), zaleplon (Sonata). Chúng được sử dụng để cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ, giúp dễ đi vào giấc ngủ và hạn chế tình trạng nhờn thuốc. 

vai trò của thuốc ngủ đối với việc cải thiện tình trạng mất ngủ

Thuốc ngủ có chức năng chính là tạo cảm giác buồn ngủ, giúp người bị bệnh mất ngủ có thể đi vào giấc ngủ dễ dàng.

2. Có phải cứ mất ngủ là dùng thuốc ngủ?

Với những tác dụng kể trên, thuốc ngủ cũng là một lựa chọn để điều trị rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên bên cạnh tác dụng chính, các loại thuốc ngủ có thể có rất nhiều tác dụng phụ đối với cơ thể, vì vậy cần cân nhắc khi sử dụng.  

Người bệnh lạm dụng, uống thuốc ngủ trong thời gian dài thường cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu sau khi thức giấc . Các trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể gặp các triệu chứng nguy hiểm như: hôn mê sâu, mạch nhanh, thở chậm và nông, khò khè, khó chịu. Tim đập không đều, lúc nhanh lúc chậm, có thể bị ngắt quãng; hạ huyết áp giảm, co giật, da xanh tím, tiêu chảy và nôn ra máu, “nhờn thuốc”, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, tâm thần…

Việc khi nào cần dùng thuốc ngủ và dùng như thế nào tùy thuộc vào nguyên nhân gây mất ngủ, mức độ, tần suất mất ngủ của mỗi người. Tốt nhất bạn nên đi khám để được chẩn đoán các yếu tố này, từ đó có phương án sử dụng phù hợp

2.1 Liên tục mất ngủ có nên uống thuốc ngủ không?

Mất ngủ liên tục nhiều ngày hay mất ngủ mạn tính là tình trạng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Bệnh nhân thường ngủ rất ít, thậm chí hầu như không ngủ mặc dù cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi và buồn ngủ. 

Thực tế, không ít người bị mất ngủ ngay khi có sự thay đổi trong chế độ sinh hoạt, múi giờ. Tuy nhiên đây chỉ là vấn đề tạm thời, giấc ngủ có thể được phục hồi khi bạn điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt. Nhưng nếu không thể ngủ cả đêm trong thời gian liên tục sẽ khiến cơ thể sẽ kiệt sức. Lúc này người bệnh có thể sử dụng thuốc ngủ để điều chỉnh giấc ngủ của mình. Tuy nhiên, các loại thuốc này chỉ giúp hỗ trợ giấc ngủ, để người bệnh có thể ngủ, từ đó phục hồi sức khỏe. Không nên sử dụng nhiều và trong thời gian dài, tránh phụ thuộc vào thuốc. 

2.2 Khó vào giấc ngủ, mất ngủ có nên uống thuốc ngủ không?

Nhiều người cảm thấy khó đi vào giấc ngủ do thường xuyên phải làm việc căng thẳng, stress. Việc không thể ngủ đủ giấc có thể khiến người bệnh không có được trạng thái tốt nhất vào hôm sau. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể chỉ cần dùng các loại thuốc ngủ loại nhẹ, kẹo ngủ.

2.3 Ngủ chập chờn, giấc ngủ không sâu

Một số người có thể ngủ dễ dàng nhưng lại không thể ngủ sâu, giấc ngủ chập chờn, thường xuyên thức giấc giữa đêm. Một số khi thức giấc sẽ khó ngủ lại, thậm chí họ chỉ có thể chợp mắt chứ không thể ngủ hoàn toàn. Điều này khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi kéo dài. Lúc này thuốc ngủ sẽ là phương án tạm thời mà bạn có thể sử dụng để duy trì giấc ngủ sâu xuyên suốt đêm. 

khi bị mất ngủ có nên uống thuốc ngủ không?

Mất ngủ có nên uống thuốc ngủ không là băn khoăn của rất nhiều người bệnh. Các chuyên gia cho biết thuốc ngủ nếu dùng đúng cách sẽ có tác dụng tốt trong điều trị mất ngủ.

3. Những lưu ý khi dùng thuốc ngủ

3.1 Không sử dụng rượu khi dùng thuốc ngủ

Các loại đồ uống chứa cồn có thể can thiệp làm tăng tác dụng phụ của thuốc ngủ. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo khi đang điều trị bằng thuốc ngủ thì không nên sử dụng rượu. Trong trường hợp không kiêng được, chỉ nên uống 1 – 2 chén rượu nhỏ hoặc 2 cốc bia và uống trước khi đi ngủ ít nhất là 6 tiếng. 

3.2 Không ăn quá no

Ăn quá no gây cảm giác khó chịu và tăng khả năng mất ngủ ở nhóm người phải dùng đến thuốc ngủ. Bởi khi ăn quá no, lượng đường trong máu tăng cao hơn bình thường.

Người  mắc bệnh khó ngủ chỉ nên ăn khoảng 80% so với mức vừa đủ và không ăn vào gần giờ đi ngủ.

3.3 Giải tỏa stress

Căng thẳng có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc ngủ. Những trường hợp thường xuyên bồn chồn, lo lắng, người bệnh nhờ bác sĩ tư vấn để điều chỉnh liều lượng hoặc loại thuốc sử dụng

3.4 Cẩn trọng khi dùng thuốc ngủ cùng với các loại thuốc khác

Các bệnh cảm lạnh, cảm cúm theo mùa dễ làm hệ miễn dịch suy yếu và gây mất ngủ. Các loại thuốc không kê đơn dùng để chữa các căn bệnh này cũng có thể gây bất lợi và làm giảm tác dụng của thuốc ngủ.

3.5 Biết thời gian tác dụng của thuốc để đi ngủ và thức dậy đúng giờ

Hầu hết các loại thuốc ngủ hiện nay có hiệu quả trong vòng 8 giờ. Vì vậy nên uống thuốc vào thời gian thích hợp để tránh gây ảnh hưởng đến giờ thức dậy. Bởi nếu dậy sớm mà vẫn còn trong trạng thái buồn ngủ thì có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt là khi tham gia giao thông. Trong trường hợp không thể ngủ đúng giờ, có thể nhờ bác sĩ tư vấn loại thuốc có tác dụng ngắn hơn.

3.6 Tạo ra môi trường ngủ thân thiện

Dù đã dùng thuốc ngủ nhưng nhiều trường hợp người bệnh vẫn không ngủ được do môi trường ngủ không thoải mái. Nên chọn không gian yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng mát, sử dụng các vật dụng cá nhân (như chăn, gối, mạng che mặt…)  quen thuộc để dễ ngủ hơn.

3.7 Áp dụng các thói quen tốt

Ngay cả khi sử dụng thuốc ngủ, người bệnh vẫn nên áp dụng các phương pháp sống khoa học để cải thiện giấc ngủ một cách tự nhiên, hạn chế phải dùng thuốc.

lưu ý khi sử dụng thuốc ngủ cho người mất ngủ

Bên cạnh việc uống thuốc, nên thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống và giữ tinh thần thoải mái để có giấc ngủ ngon.

Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn giải đáp mất ngủ có nên uống thuốc ngủ không và cách dùng thuốc hiệu quả. Khi bị mất ngủ dài ngày, người bệnh không nên tự ý điều trị mà cần đi khám sớm để được hướng dẫn điều trị thích hợp. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital