Tiêu chảy là tình trạng rất hay xảy ra ở trẻ nhỏ, khiến trẻ bị mất nước, điện giải, mệt mỏi, uể oải,… Nếu để tình trạng này kéo dài và tái đi tái lại nhiều lần có thể khiến trẻ đối mặt với nguy cơ bị suy dinh dưỡng, thiếu chất. Nhiều cha mẹ cảm thấy hoang mang, lo lắng khi con mình đi ngoài. Trong bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho phụ huynh một số cách chữa đi ngoài cho trẻ mang lại nhiều hiệu quả với cách làm đơn giản.
Menu xem nhanh:
1.Tổng quan về bệnh đi ngoài phân lỏng ở trẻ em
1.1. Nguyên nhân, nguy cơ nào khiến trẻ bị đi ngoài?
Trẻ em thường rất dễ bị đi ngoài mỗi khi thời tiết nóng nực vào mùa hè bởi đây là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn đường ruột phát triển. Ngoài ra, những yếu tố sau cũng được coi là tăng khả năng trẻ bị đi ngoài như:
– Thực phẩm cho trẻ ăn không được đảm bảo vệ sinh hoặc cho trẻ ăn đồ ăn mua sẵn bên ngoài quá nhiều.
– Dụng cụ ăn uống của trẻ như bình sữa, chén bát, đũa thìa không được vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi ăn.
– Nguồn nước cho trẻ uống cũng như rửa đồ ăn, vệ sinh cho trẻ không đảm bảo.
– Quá trình nấu nướng đồ ăn cho trẻ không sạch sẽ, để thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
– Vệ sinh rửa ráy cho trẻ chưa đúng cách, chưa hợp vệ sinh.
– Không rửa tay trước khi làm đồ ăn cho trẻ hoặc cho trẻ ăn cũng là nguyên nhân gây đi ngoài.
– Trẻ không rửa tay sạch thường xuyên
1.2. Những biểu hiện cho thấy trẻ bị đi ngoài
– Số lần trẻ đi ngoài nhiều hơn 3 lần mỗi ngày
– Tính chất phân lỏng, nhiều nước, nát, lổn nhổn thức ăn chưa tiêu hóa hết và có mùi tanh nồng, nổi bọt, có thể lẫn tia máu.
– Trẻ có hiện tượng chán ăn, không chịu bú nữa
– Có xuất hiện nôn trớ một vài lần hoặc thường xuyên
– Trẻ bị khô môi, khô da do thiếu nước nên bị lờ đờ, sút cân và mệt mỏi
2. Trẻ đi ngoài thì cần được xử trí như thế nào?
2.1. Chữa đi ngoài cho trẻ bằng cách bổ sung nước, chất điện giải
Pha dung dịch bù nước điện giải oresol theo đúng hướng dẫn sử dụng. Cần đong đủ số lượng nước cho mỗi gói oresol và cho trẻ uống đúng cách như dưới đây.
Nấu cháo muối cho trẻ em theo tỉ lệ 50gr gạo với 3.5 gr muối và 6 bát nước để nấu thành cháo mềm. Chắt nước cháo để uống trong 6 tiếng.
Cách cho trẻ uống bù nước đúng cách như sau:
– Trẻ nhỏ dưới 24 tháng thì cho uống từng thìa, với những trẻ lớn hơn thì cho trẻ uống theo ngụm. Mỗi lần uống 2-3 ngụm, không uống 1 lần hết cả cốc hoặc cả bát nước oresol.
– Nếu trẻ bị nôn ra thì đợi từ 5 đến 10 phút nữa rồi cho trẻ uống tiếp.
Lưu ý: Cách bổ sung bằng đường uống này chỉ áp dụng được cho trẻ bị mất nước nhẹ hoặc trung bình. Với những trẻ có dấu hiệu mất nước nhiều, biểu hiện ở việc khô môi nứt nẻ, da tái nhợt, nôn nhiều, đi tiểu ít, khóc nhưng không chảy nước mắt, li bì quấy khóc thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bổ sung nước bằng đường truyền.
2.2. Chữa đi ngoài cho trẻ bằng một số biện pháp dân gian
Cha mẹ có thể tham khảo cách chữa đi ngoài bằng một số phương pháp dân gian dưới đây:
– Nước gạo lứt rang
Lấy 1 lạng gạo lứt đem rang vàng rồi đổ thêm 2 lít nước vào đun sôi cho đến khi hạt gạo chín mềm thì dừng lại. Sau đó chắt lấy nước và chia ra cho trẻ uống thành nhiều lần trong 1 ngày. Cách này khá hiệu quả và được rất nhiều người áp dụng để chữa đi ngoài cho con. Nước gạo lứt rang không chỉ có tác dụng giảm tiêu chảy cho trẻ mà còn giúp thanh lọc cơ thể, loại bỏ các độc tố trong gan, giải nhiệt và làm sạch các cơ quan khác của trẻ.
– Trà vỏ cam
Trong các phương pháp dân gian, vỏ cam được coi là dược liệu quý cho những trẻ bị tiêu chảy. Cách thực hiện cũng rất đơn giản: Vỏ cam rửa sạch sẽ, cho vào cốc nước rồi đổ nước vào như hãm chè. Hãm 20 phút thì cho trẻ uống, sẽ thấy tình trạng đi ngoài của trẻ thuyên giảm đi nhiều.
– Nước hồng xiêm
Hồng xiêm là loại quả có vị ngọt, tính mát, có tác dụng trong việc nhuận tràng, hỗ trợ tiêu hóa. Trong quả hồng xiêm cũng chứa chất tanin, có công dụng để làm giảm tiêu chảy. Cha mẹ lấy một quả hồng xiêm xanh rồi cắt thành nhiều lát mỏng và đem phơi thật khô rồi mang vào sao vàng rồi cất đi để dùng nhiều lần. Mỗi khi trẻ bị đi ngoài, chỉ cần lấy 10 lát hồng xiêm đã sao để sắc nước uống. Mỗi ngày cho trẻ uống 2 lần sẽ thấy các triệu chứng của đi ngoài giảm hẳn.
– Cho trẻ ăn súp cà rốt
Chất pectin có trong củ cà rốt sau khi vào ruột sẽ chuyển hóa thành một dạng keo giúp cho nhu động ruột dịu xuống, giúp tình trạng tiêu chảy giảm đi rõ rệt. Đồng thời chất này trong cà rốt còn giúp cho các loại vi khuẩn nội sinh sinh sôi nhiều hơn, lấn án những loại vi khuẩn có hại ở ruột già, giúp cho niêm mạc ruột nhanh chóng hồi phục. Không chỉ có vậy, trong cà rốt còn có nhiều muối khoáng và kali có tác dụng bù đắp chất điện giải đã mất khi trẻ bị đi ngoài.
Cách chế biến là củ cà rốt khoảng 500gr gọt vỏ, rửa sạch, thát lát mỏng, đổ thêm 2 lít nước rồi đun lửa nhỏ cho đến khi lượng nước cạn còn khoảng 1 nửa thì vớt cà rốt ra nghiền nát, trộn thêm 3gr muối đun sôi cho bé ăn.
– Lá mơ lông
Lấy 100gr lá mơ lông, còn gọi là mơ tía, rửa sạch, ngâm nước muối loãng rồi để ráo nước. Giã hoặc thái nhỏ lá mơ rồi trộn cùng 1 quả trứng gà và một chút muối. Rán trứng lá mơ cho trẻ ăn mỗi ngày cũng giúp cải thiện tình trạng đi ngoài.
– Búp ổi
Lá ổi có vị hơi đắng, tính ấm, chứa chất lavonoid làm hạn chế sự kích thích của cơ trơn ruột, giảm đau bụng khi trẻ bị đi ngoài, rất tốt cho đường ruột của trẻ, Không những thế, thành phần có trong lá ổi còn có tác dụng làm săn niêm mạc ruột, giảm tiết dịch và kháng khuẩn nên cha mẹ không nên bỏ qua loại dược liệu này để chữa cho trẻ khi trẻ bị đi ngoài.
– Nước cỏ sữa
Công thức cho loại nước uống cầm đi ngoài là 5 tai mộc nhĩ, 2 nắm cỏ sữa, 50gr đậu đen. Nguyên liệu rửa sạch, để ráo, riêng mộc nhĩ thì thái sợi mỏng rồi sao vàng từng nguyên liệu. Cho nguyên liệu vào nồi cùng 3 bát nước và đun đến khi cạn còn nửa bát thì cho ra để trẻ uống trong ngày.
Lưu ý: Những phương pháp trên dành cho bố mẹ tham khảo khi con ở tình trạng nhẹ. Lời khuyên của các bác sĩ: Nên đưa trẻ đi khám khi trẻ gặp bất kỳ dấu hiệu gì về sức khỏe.
3. Những điều cần lưu ý khi điều trị đi ngoài cho trẻ tại nhà
Những nguyên tắc trong điều trị đi ngoài mà cha mẹ cần nắm rõ, đó là:
– Trẻ tiêu chảy sẽ mất nước nên cần phải bù lại số nước đã mất khỏi cơ thể trẻ.
– Ăn những loại thức ăn lỏng để niêm mạc ruột nhanh hồi phục cũng như đảm bảo cho trẻ đủ lượng dinh dưỡng
– Đưa trẻ đi khám khi có những bất thường như sau:
+ Có dấu hiệu mất nước nhiều: môi khô, mắt trũng, ít đi tiểu, đòi uống nước nhiều mà không hết khát,…
+ Ăn kém
+ Sốt cao
+ Li bì
+ Co giật
+ Đi ngoài lẫn với máu
Nếu áp dụng những cách nêu trên mà thấy tình trạng trẻ thuyên giảm thì cha mẹ có thể tạm yên tâm. Nếu đã áp dụng mà thấy trẻ không có dấu hiệu đỡ dần mà còn nặng lên thì cần chấm dứt việc điều trị tại nhà và đưa trẻ đi khám.
Trên đây là những thông tin về bệnh đi ngoài và cách chữa tại nhà cho trẻ. Hy vọng cha mẹ sẽ nắm được nhiều kiến thức để có thể chăm sóc cho trẻ tại nhà trong trường hợp trẻ bị đi ngoài.