Mách bố mẹ cách điều trị viêm phế quản ở trẻ nhỏ tốt

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm phế quản ở trẻ nhỏ là bệnh thường gặp và không khó để điều trị. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, căn bệnh này dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Do đó, bố mẹ nên trang bị đầy đủ kiến thức để biết cách điều trị viêm phế quản ở trẻ phù hợp.

1. Tìm hiểu căn bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ

Viêm phế quản là căn bệnh nhiễm trùng cấp tính với hiện tượng viêm đường dẫn không khí lớn đến phổi. Có rất nhiều tác nhân gây ra bệnh viêm phế quản ở trẻ, phổ biến nhất là vi khuẩn và virus xâm nhập khiến đường hô hấp bị viêm, sưng, tăng tiết dịch nhầy gây ra tình trạng tắc nghẽn.

Tác nhân gây ra tình trạng viêm phế quản ở trẻ nhỏ thường gặp nhất là virus. Đối tượng thường mắc phải viêm phế quản ở trẻ nhỏ là từ 6 tháng tới 3 tuổi. Bên cạnh đó, một số tác nhân khác có thể gây ra tình trạng viêm phế quản là virus Adeno, sởi, cúm, hợp bào hô hấp,…

Một số tác nhân khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ là:

– Cha mẹ trẻ bị hen suyễn.

– Cơ địa của trẻ bị dị ứng.

– Môi trường sống của trẻ không trong lành, nhiều khói thuốc lá, khói bụi.

Viêm phế quản là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ

Viêm phế quản là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ

2. Dấu hiệu nhận biết viêm phế quản ở trẻ nhỏ

Khi mắc bệnh viêm phế quản, trẻ nhỏ sẽ xuất hiện những triệu chứng như: ho, thở rít trong thanh quản, giọng khàn, khó thở, chảy nước mũi, sốt, nghẹt mũi, phát ban, mắt đỏ, sưng hạch bạch huyết,… Những dấu hiệu này có thể ở dạng nhẹ hoặc nặng tùy vào tình trạng bệnh. Những triệu chứng này thường có xu hướng trở nên nặng hơn vào ban đêm và kéo dài khoảng 1 – 2 ngày.

Mặc dù viêm phế quản có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng tỷ lệ trẻ nhỏ mắc bệnh này có xu hướng cao hơn. Đáng chú ý là căn bệnh này thường phổ biến hơn khi thời tiết chuyển lạnh và giao mùa.

3. Khi nào nên đưa trẻ em tới gặp bác sĩ?

Để chẩn đoán tình trạng viêm phế quản của trẻ nhỏ, bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để nghe phổi của con. Bác sĩ cũng có thể đo lượng oxy trong máu của bé hoặc chụp X-quang ngực nhằm phát hiện bệnh viêm phế quản.

Ngay khi trẻ nhỏ xuất hiện những dấu hiệu sau đây, bố mẹ nên đưa con tới bệnh viện ngay:

– Các cơ ho của trẻ trở nên tồi tệ hơn.

– Trẻ nhỏ sốt cao hơn 39 độ C.

– Trẻ khó thở và thở khò khè.

– Trẻ hít thở nhanh hơn so với bình thường.

– Trẻ ho ra máu.

– Trẻ tỏ ra lo lắng và kích động.

– Trẻ bị chảy nước dãi hoặc xuất hiện triệu chứng khó nuốt.

– Trẻ nhỏ mệt mỏi quá mức.

– Móng tay hoặc mũi, miệng của trẻ chuyển sang màu xám hoặc xanh.

– Trẻ xuất hiện dấu hiệu mất nước và không đi tiểu trong nhiều giờ.

Để biết được cách điều trị viêm phế quản ở trẻ tốt nhất, bố mẹ hãy đưa con đi khám khi bé xuất hiện triệu chứng của bệnh

Để biết được cách điều trị tốt nhất, bố mẹ hãy đưa con đi khám khi bé xuất hiện triệu chứng viêm phế quản

4. Cách điều trị viêm phế quản ở trẻ nhỏ

Bệnh viêm phế quản ở trẻ có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Việc điều trị viêm phế quản ở trẻ còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Nếu xác định nguyên nhân gây ra bệnh viêm phế quản do vi khuẩn gây ra, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp để giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng cũng như tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ nhỏ.

Thông thường, căn bệnh viêm phế quản sẽ diễn biến và tự cải thiện sau khoảng 7 – 10 ngày. Bố mẹ cần lưu ý chăm sóc và theo dõi các triệu chứng của trẻ nhỏ ngay từ khi bệnh viêm phế quản khởi phát cho tới khi điều trị khỏi hoàn toàn.

– Vệ sinh mũi cho trẻ nhỏ hàng ngày bằng nước muối sinh lý nhiều lần mỗi ngày.

– Giữ ấm cho cơ thể của bé, tránh để bệnh viêm phế quản tiến triển sang viêm phổi.

– Chườm ấm toàn thân để hạ sốt cho bé, thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể con, nhất là vào ban đêm. Khi trẻ nhỏ sốt cao trên 38,5 độ C, bố mẹ hãy cho con uống thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ với liều lượng phù hợp.

– Cho trẻ nhỏ uống nhiều nước để vừa hạ sốt, vừa giảm tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp. Trẻ nhỏ có thể dễ ho và tống đờm ra bên ngoài, giúp làm giảm cảm giác khó chịu.

– Sử dụng mật ong để giảm ho: Đây là cách làm giảm ho cho trẻ nhỏ rất đơn giản và đạt hiệu quả cao. Bố mẹ có thể cho trẻ nhỏ uống mật ong trực tiếp hoặc pha cùng với nước ấm. Bởi lẽ mật ong giúp làm dịu cổ họng vô cùng tốt. Hơn nữa, mật ong còn có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus giúp loại bỏ tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, bố mẹ nên nhớ là cách này chỉ được áp dụng cho trẻ nhỏ trên 1 tuổi.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng phải xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp trẻ nhỏ nhanh khỏi bệnh hơn. Một số điều bố mẹ cần lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho trẻ là:

– Nên cho trẻ nhỏ ăn nhạt vì thức ăn nhiều muối có thể làm gia tăng biểu hiện viêm phế quản.

– Nên cho trẻ nhỏ ăn thức ăn lỏng như súp, cháo.

– Nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây để bổ sung vitamin như C, A, E,… nhằm giúp tăng khả năng miễn dịch và sức đề kháng cho bé.

Bố mẹ nên cho trẻ ăn cháp, súp khi con bị viêm phế quản

Bố mẹ nên cho trẻ ăn cháo, súp khi con bị viêm phế quản

Tóm lại, việc điều trị bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ không quá khó khăn. Tuy nhiên, bố mẹ cần ghi nhớ một điều là phải theo dõi và chăm sóc trẻ đúng cách để không ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital