Nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng là phương pháp điều trị sỏi niệu quản phổ biến nhất hiện nay bởi những lợi ích mà phương pháp này mang lại như: ít xâm lấn, hồi phục nhanh, bảo vệ niệu quản và các cơ quan lân cận… Vậy khi điều trị với phương pháp này cần lưu ý điều gì? Người bệnh tham khảo trong bài viết sau đây để nắm được thông tin.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là tán sỏi nội soi ngược dòng niệu quản?
Niệu quản là bộ phận có nhiệm vụ “vận chuyển” nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Đây cũng là bộ phận có kết cấu hẹp, dài khoảng 25cm do đó là vị trí rất dễ kẹt sỏi.
Nội soi ngược dòng niệu quản là kĩ thuật sử dụng năng lượng laser, thông qua đường tiểu tự nhiên – hay đi ngược từ niệu đạo lên bàng quang đến niệu quản – và tiếp cận viên sỏi để tán thành nhiều mảnh.
Các mảnh vụn sỏi sẽ được gắp hoặc hút ra ngoài nhờ dụng cụ gắn trên đầu ống nội soi. Các mảnh vụn nhỏ hơn sẽ được đào thải cùng nước tiểu ra ngoài hoặc bơm rửa trong quá trình điều trị.
2. Những lưu ý quan trọng khi nội soi niệu quản ngược dòng
2.1 Lưu ý trước khi tán sỏi nội soi ngược dòng niệu quản
Để quá trình nội soi tán sỏi ngược dòng diễn ra thành công tốt đẹp, người bệnh cần có những chuẩn bị nhất định về thăm khám và tư vấn: thực hiện một số biện pháp cận lâm sàng và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa về tình trạng bệnh, phương pháp điều trị. Các xét nghiệm bao gồm:
– Xét nghiệm công thức máu
– Chụp CT
Đồng thời, nếu bệnh nhân có tiền sử bệnh lý nội khoa hoặc dị ứng thuốc thì cần báo ngay cho bác sĩ điều trị hoặc cán bộ y tế:
– Bệnh nhân có tình trạng dị ứng thực phẩm, dị ứng thuốc
– Bệnh nhân cần cung cấp thông tin thuốc cho bác sĩ
– Bệnh nhân chống chỉ định với gây mê hồi sức hoặc rối loạn đông máu
– Bệnh nhân có một số bệnh lý nền như: tim mạch, huyết áp, suy gan thận…
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần được gặp và tư vấn cụ thể với bác sĩ chuyên khoa để nắm bắt được tình trạng sỏi niệu quản của bản thân và quá trình điều trị, bệnh nhân có đáp ứng được quá trình điều trị hay không:
– Phân tích tình trạng sỏi niệu quản của bệnh nhân
– Giải thích cụ thể về quy trình thực hiện tán sỏi nội soi ngược dòng
– Phân tích được lợi ích và nhược điểm của phương pháp nếu bệnh nhân điều trị
– Bệnh nhân cần kí giấy xác nhận đồng ý phẫu thuật.
Một lưu ý quan trọng là trước khi tiến hành tán sỏi ngược dòng, bệnh nhân cần nhịn ăn trong khoảng 6 giờ và không uống trong khoảng 2 giờ trước điều trị.
2.2 Lưu ý trong khi tán sỏi nội soi ngược dòng niệu quản
Toàn bộ quá trình điều trị tán sỏi nội ngược dòng diễn ra trong khoảng 45-60 phút, người bệnh hoàn toàn không có cảm giác đau đớn hay khó chịu trong quá trình điều trị. Đặc biệt, sau khi được gây tê tủy sống hoặc gây mê toàn thân, bệnh nhân có thể theo dõi được quá trình điều trị tán sỏi của mình thông qua màn hình máy tán sỏi với độ phân giải cao.
Quá trình tán sỏi nội soi tán sỏi ngược dòng diễn ra như sau:
– Người bệnh được gây mê/gây tê sau đó đưa vào phòng mổ vô khuẩn và đặt nằm với tư thế sản khoa.
– Bác sĩ sẽ tiến hành luồn ống nội soi vào niệu đạo người bệnh, qua bàng quang và tiến đến niệu quản. Sau khi tiếp cận sỏi ở khoảng cách phù hợp, bác sĩ sẽ tiến hành tán vỡ sỏi với năng lượng laser.
– Khi viên sỏi vỡ vụn, bác sĩ sẽ tiến hành gắp các mảnh vụn sỏi ra khỏi cơ thể thông qua công cụ chuyên dụng gắn ở đầu ống nội soi.
– Cuối cùng, bác sĩ sẽ tiến hành đặt ống thông nước tiểu Sonde JJ để bảo vệ niệu quản. Ống thông này sẽ được rút một vài ngày sau điều trị, tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân. Như vậy là quá trình điều trị đã bước đầu thành công.
Quá trình điều trị tán sỏi nội soi ngược dòng phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe, tình trạng sỏi của người bệnh.
2.3 Lưu ý sau khi khi tán sỏi nội soi ngược dòng niệu quản
Sau khi tán sỏi nội soi ngược dòng, người bệnh cần thực hiện nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hồi phục cơ thể nhanh chóng, hạn chế nguy cơ gặp phải biến chứng và tránh tái phát sỏi trong tương lai. Vậy người bệnh cần lưu ý những gì?
Cần chú ý đến một số biểu hiện sau khi tán sỏi ngược dòng như:
– Đau hoặc tức nhẹ vùng hông lưng
– Nước tiểu có kèm máu nhạt
– Sốt, chóng mặt, ớn lạnh hoặc buồn nôn
Những biểu hiện này có thể tự biến mất sau một thời gian ngắn, tuy nhiên để khắc phục sớm, người bệnh nên theo dõi kĩ tình trạng để báo với bác sĩ điều trị kịp thời nếu có bất thường. Đồng thời, người bệnh cũng nên uống nhiều nước, tránh vận động nặng và nằm một chỗ quá lâu sau điều trị tán sỏi ngược dòng. Thay vì đó, người bệnh nên luyện tập nhẹ nhàng và tăng dần cấp độ sau khi điều trị, đồng thời thực hiện tái khám với bác sĩ theo đúng lịch hẹn.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần lưu ý nhiều hơn về chế độ ăn uống sau khi nội soi tán sỏi ngược dòng. Bởi chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hồi phục của người bệnh, cụ thể:
– Người bệnh cần tăng rau củ, giảm muối trong bữa ăn hàng ngày
– Nên hạn chế thực phẩm dầu mỡ, chứa nhiều oxalat hoặc đồ ăn nhanh/đóng hộp
– Nên kiêng rượu bia, cà phê, nước chè, chất kích thích sau khi điều trị
– Nên bổ sung từ 2,5 đến 3 lít nước mỗi ngày để đẩy nhanh quá trình đào thải nước tiểu.
Tán sỏi ngược dòng là một trong những phương pháp hàng đầu hiện nay trong điều trị sỏi niệu quản. Tuy nhiên để cơ thể khỏe mạnh tránh tái phát sỏi và hiệu quả điều trị tốt, người bệnh cần lưu ý kĩ trước và sau quá trình điều trị để đạt được hiệu quả tốt nhất.