Không ăn sáng đau dạ dày có nguy hiểm không?

Không ăn sáng đau dạ dày là tình trạng gặp phải ở rất nhiều người. Chúng ta thường chủ quan bỏ qua bữa sáng mà không biết rằng đây là bữa ăn quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới hoạt động tiêu hóa. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn trú trọng việc ăn sáng hơn đặc biệt là ở những người bị đau dạ dày.

1. Đau dạ dày do không ăn sáng nguy hiểm như thế nào?

1.1. Tầm quan trọng của bữa sáng

Sau một giấc ngủ dài từ tối tới sáng, toàn bộ thức ăn trong dạ dày đã được tiêu hóa hết. Buổi sáng là thời điểm dạ dày hoàn toàn trống rỗng nên khi thức dậy phản ứng cơ thể sẽ cảm thấy đói bụng và tiết sẵn dịch vị để chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa bữa sáng.

Như vậy có thể thấy, cung cấp bữa sáng là rất quan trọng để kịp thời bổ sung năng lượng cho cơ thể cũng như giúp sự trao đổi chất được diễn ra đều đặn và thuận lợi hơn.

Không chỉ vậy, bữa sáng chiếm khoảng 20-30% năng lượng khẩu phần trong một ngày. Năng lượng từ bữa sáng sẽ phục vụ các hoạt động đầu ngày giúp chúng ta được tỉnh táo, hứng khởi trong công việc và học tập.

Tầm quan trọng của bữa sáng

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng không thể bỏ qua.

1.2. Giải đáp: Vì sao không ăn sáng gây đau dạ dày

Theo quy luật sinh lý của cơ thể, dạ dày bài tiết dịch vị liên tục. Nếu không ăn sáng làm dạ dày trống rỗng mà dịch vị vẫn được bài tiết khiến axit tăng cao, độ pH dạ dày rất thấp sẽ gây kích thích các hoạt động co bóp ở dạ dày và gây ra cảm giác cồn cào khó chịu ở vùng bụng.

Tuy nhiên, nhiều người bỏ bữa sáng lâu ngày thành thói quen khiến dạ dày quen dần và giảm cả cảm giác cồn cào. Nhưng thực chất niêm mạc dạ dày vẫn âm thầm bị tổn thương. Như vậy về cơ bản, không ăn sáng đau dạ dày đến từ quá trình tổn thương lớp niêm mạc do hoạt động tiêu hóa bất thường ở dạ dày.

Ăn đủ bữa sáng là một trong những cách bảo vệ dạ dày hiệu quả vì thức ăn kiềm tính đưa vào sẽ giúp trung hòa axit trong dạ dày vào buổi sáng và giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.

1.3. Sẽ ra sao nếu người đau dạ dày không ăn sáng?

Không ăn sáng đau dạ dày gặp phải ở rất nhiều người. Cảnh báo quan trọng với những người bệnh đã bị đau dạ dày, việc bỏ bữa sáng là điều “cấm kỵ” vì sẽ càng làm cho tình trạng bệnh thêm tồi tệ hơn. Dịch vị dạ dày được tiết ra nhiều mà không có thức ăn để trộn lẫn sẽ trực tiếp tác động đến các vết viêm sẵn có trước đó và gây tổn thương. Hệ quả là cơn đau dạ dày có xu hướng đau nhiều hơn, kéo dài lâu hơn. Nếu việc này xảy ra thường xuyên, các ổ viêm loét bị tác động nhiều có thể làm tăng nguy cơ biến chứng đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa rất nguy hiểm.

Vì vậy, người đau dạ dày đặc biệt không được bỏ bữa sáng. Mỗi người cần xây dựng thực đơn bữa sáng dinh dưỡng và khoa học để hỗ trợ việc điều trị bệnh tốt nhất.

Không ăn sáng đau dạ dày thêm nghiêm trọng

Người bệnh bị đau dạ dày sẽ càng thêm nghiêm trọng nếu thường xuyên bỏ bữa sáng.

2. Nguyên tắc chung trong xây dựng thực đơn bữa sáng dành cho người đau dạ dày

Ăn gì vào bữa sáng cũng là vấn đề rất được quan tâm. Đặc biệt, với người bị đau dạ dày càng cần lưu ý đến việc xây dựng thực đơn bữa sáng khoa học để cải thiện tốt tình trạng bệnh. Tham khảo các nguyên tắc chung về bữa sáng mà người bị đau dạ dày cần tuân thủ như sau:

– Bổ sung đủ dinh dưỡng và cung cấp đủ năng lượng cần thiết.

– Ăn chín uống sôi. Không nên ăn đồ sống vào bữa sáng.

– Ưu tiên thức ăn dễ tiêu hóa, đồ ăn mềm.

– Đừng quên uống nước. Một cốc nước trước khi ăn sáng là rất cần thiết.

– Ăn chậm, nhai kỹ và nên hình thành thói quen ăn đúng giờ.

– Lựa chọn nhóm thực phẩm nên ăn (súp, canh, cháo, rau xanh, trứng, bánh mì, sữa hạt, sữa chua,..) và tránh những nhóm thực phẩm không nên ăn (đồ cay, đồ chua, đồ chiên rán, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn sống,…)

3. Người đau dạ dày khi nào cần thăm khám?

Bị đau dạ dày có thể gặp ở nhiều mức độ khác nhau và đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiều trường hợp đau dạ dày đến từ việc thay đổi chế độ ăn, do căng thẳng mệt mỏi thì người bệnh chỉ cần điều chỉnh lại lối sống khoa học mà chưa cần thăm khám.

Tuy nhiên, khi bị đau dạ dày kèm theo các biểu hiện cụ thể dưới đây thì người bệnh cần chủ động thăm khám ngay:

– Thường xuyên đau bụng âm ỉ, nhất là đau ở vùng thượng vị. Có thể đau khi đói hoặc đau khi ăn đồ chua cay.

– Cảm thấy chán ăn, buồn nôn, khó tiêu, ợ nóng, ợ chua, chướng bụng.

– Thường xuyên nấc nghẹn khi ăn hoặc uống, bị khó nuốt.

– Người bị tiêu chảy hoặc bị táo bón kéo dài.

– Sụt cân đột ngột không chủ đích mà không tìm rõ nguyên nhân.

– Tiền sử nhiễm vi khuẩn HP hoặc gia đình có thành viên đã từng mắc ung thư đường tiêu hóa.

– Những đối tượng có nguy cơ như người uống nhiều rượu bia, người nghiện thuốc lá, người béo phì, người ăn quá nhiều hải sản hoặc người có chế độ ăn nghèo dinh dưỡng,…

Thăm khám chuyên khoa tiêu hóa

Người bệnh đau dạ dày kèm theo các triệu chứng cụ thể cần chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa.

4. Những lưu ý cho người bệnh khi thăm khám dạ dày

Khi có các vấn đề về dạ dày, người bệnh cần tìm đến các đơn vị bệnh viện uy tín, thăm khám tại chuyên khoa tiêu hóa.

Với các trường hợp thăm khám tiêu hóa, người bệnh thường được chỉ định thực hiện nội soi dạ dày. Nội soi dạ dày là phương pháp chẩn đoán có xâm lấn cho phép quan sát toàn bộ tình trạng niêm mạc dạ dày, từ đó phát hiện mọi tổn thương và bệnh lý nếu có. Để có thể nội soi dạ dày người bệnh cần lưu ý những yêu cầu như sau:

– Trước khi nội soi dạ dày cần phải nhịn ăn ít nhất 6 – 8 tiếng, nhịn uống từ 2 tiếng để có thể quan sát rõ bên trong lớp niêm mạc dạ dày và tránh bị trào ngược hay sặc thức ăn.

– Người bệnh không được uống các loại sữa, không uống nước có màu như nước hoa quả, nước ngọt, cà phê các loại,… trước khi nội soi.

– Nên đi khám và nội soi tốt nhất vào buổi sáng.

– Người bệnh ghi nhớ tình trạng bệnh sử của bản thân. Đặc biệt, với những trường hợp đang sử dụng thuốc điều trị hay có tiền sử dị ứng thuốc cần liên hệ trước với bệnh viện để được bác sĩ hướng dẫn cụ thể trước khi thăm khám.

Không ăn sáng đau dạ dày sẽ nguy hiểm nếu tình trạng này kéo dài liên tục mà người bệnh không có phương án thăm khám và điều trị đúng cách. Chúng ta hãy thực hiện một lối sống khoa học, chế độ ăn hợp lý và thăm khám sức khỏe định kỳ vì đây chính là chìa khóa sống khỏe mỗi ngày.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital