Sốt co giật là hiện tượng phổ biến, thường xảy ra ở trẻ từ 3 tháng tuổi đến 5 tuổi. Sốt co giật là phản ứng khi trẻ bị thiếu oxy não. Vậy, cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị sốt co giật? Bài viết sau sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn về hiện tượng sốt co giật ở trẻ và cách xử lý tại nhà.
Menu xem nhanh:
1. Sốt co giật ở trẻ biểu hiện như thế nào?
Cha mẹ nên lưu ý những biểu hiện sau để kịp thời xử lý khi trẻ có cơn sốt co giật:
– Sốt co giật sẽ xuất hiện khi trẻ sốt cao, thường là từ 39,5 độ C trở lên.
– Trẻ dần mất ý thức.
– Tay chân co giật hoặc rung lắc cả hai bên.
– Các cơ co siết mạnh.
– Rối loạn nhịp thở, toàn thân co giật.
– Một số trường hợp có kèm theo các biểu hiện như: nôn ói, sùi bọt mép, hét to, mắt trắng dã do đồng tử lộn lên trên.
2. Phân biệt các thể sốt co giật ở trẻ
Có hai thể loại sốt co giật, là sốt co giật đơn thuần và sốt co giật phức tạp.
2.1. Trẻ bị sốt co giật đơn thuần
– Cơn co giật ở thể đơn giản thường xuất hiện trong một thời gian nhất định, khoảng vài phút đến dưới 15 phút và thường chỉ là một cơn. Hết cơn, trẻ sẽ trở lại trạng thái bình thường.
– Khi cơn co giật xuất hiện, trẻ bị co giật toàn thân, các cơ co cứng và cảm giác ở chân, tay và miệng thì không còn.
– Trẻ có thể hét lên hoặc sùi bọt mép.
– Bệnh có diễn tiến lành tính, có thể điều trị bằng thuốc hạ sốt đặc trị.
2.2. Biểu hiện của trẻ bị sốt co giật thể phức tạp
– Cơn co giật ở thể phức tạp sẽ kéo dài hơn 15 phút.
– Nếu bị sốt co giật phức tạp, trẻ sẽ bị co giật cục bộ (hay còn gọi là co giật khu trú).
– Trong 24 giờ, trẻ có nguy cơ gặp tối thiểu 2 cơn co giật.
3. Nguyên nhân nào khiến trẻ dễ bị sốt co giật?
Sốt là một triệu chứng, một biểu hiện có lợi cho cơ thể của trẻ. Đây là một phản ứng vô cùng bình thường khi cơ thể phải đấu tranh với các tác nhân từ bên ngoài như virus, vi khuẩn… xâm nhập gây các bệnh nhiễm trùng.
Nguyên nhân khiến trẻ nhỏ dễ bị sốt cao co giật là do não bộ của các con trong giai đoạn dưới 6 tuổi chưa phát triển hoàn chỉnh. Do đó, não bộ của bé dễ bị kích thích, gây nên các cơn co giật khi gặp bất cứ sự thay đổi nào của thân nhiệt như thân nhiệt quá cao hoặc thân nhiệt thay đổi đột ngột…
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sốt cao co giật ở trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người có tiền sử sốt co giật thì trẻ sinh ra cũng có nguy cơ gặp phải tình trạng này.
4. Cha mẹ phải làm gì khi trẻ bị sốt co giật?
Thực tế, sốt co giật không nghiêm trọng như nhiều bậc phụ huynh suy nghĩ. Bản chất, sốt co giật chính là phản xạ khi cơ thể trẻ bị thiếu oxy não. Do đó, khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt co giật, cha mẹ nên thực hiện các bước sau:
– Cho trẻ nằm xuống vị trí rộng rãi, thoáng đãng.
– Đặt trẻ nằm nghiêng trái và có gối: Có thể trẻ sẽ nôn hoặc sùi bọt mép nên hãy đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên, tránh tình trạng dịch nôn chảy ngược vào mũi gây tắc thở.
– Cởi bớt quần áo và khuy áo, đặc biệt là các khuy cổ áo.
– Hạ nhiệt độ cơ thể cho trẻ bằng cách dùng khăn mềm, thấm nước ấm, lau quanh nách, bẹn và trán. Cha mẹ đừng quên thường xuyên đổi khăn để việc hạ nhiệt hiệu quả hơn.
– Cho thẻ dùng thêm thuốc hạ sốt qua đường hậu môn để quá trình hạ nhiệt diễn ra nhanh chóng hơn.
– Sau khi cơn co giật qua đi, cha mẹ hãy cho trẻ uống oresol, nước ép trái cây hoặc canh rau để bổ sung nước, vitamin, chất điện giải, tăng sức đề kháng cho trẻ.
– Ghi nhận lại các đặc điểm của cơn co giật, thời gian của mỗi cơn để cung cấp cho bác sĩ đầy đủ các thông tin chính xác.
– Nếu cơn co giật kéo dài hơn 5 phút và không có dấu hiệu chuyển biến tích cực, cha mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
5. Khi trẻ sốt co giật, cha mẹ không nên làm gì?
Để tình trạng không trở nên tồi tệ, cha mẹ tuyệt đối lưu ý một số yếu tố sau:
– Không nên chống lại cơn co giật của trẻ hay tìm cách ghì chặt trẻ vì có thể gây tổn thương cho các cơ quan của con.
– Không đưa ngón tay hay vật chứng chặn miệng trẻ vì nguy cơ tổn thương niêm mạc miệng, gãy răng, sứt lợi và ngạt thở.
– Không nên mặc nhiều quần áo, làm giảm khả năng thoát nhiệt và lưu thông oxy trong cơ thể trẻ.
– Không nên dùng nước đá để chườm cho trẻ vì có nguy cơ co mạch, làm giảm tốc độ giải nhiệt.
Có thể nói, sốt co giật không còn là một hiện tượng hiếm gặp ở trẻ. Mức độ nguy hiểm của hiện tượng này còn tùy thuộc vào các nguyên nhân gây co giật và đặc điểm các cơn co giật.
Từ sau 5 tuổi, nguy cơ sốt co giật ở trẻ sẽ tự giảm hoặc mất đi. Tuy nhiên, cha mẹ không nên chủ quan với việc trẻ bị sốt co giật. Bởi các cơn co giật đi kèm với sốt cao có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nhiễm trùng nặng như viêm màng não, viêm não… Vì vậy, khi thấy trẻ có hiện tượng sốt cao đi kèm co giật, cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé tới gặp bác sĩ để được kiểm tra sớm và có phác đồ điều trị kịp thời.